Giấy phép lái xe mới có giá trị quốc tế

11:30 | 01/06/2012

750 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Giấy phép lái xe mới có giá trị lưu hành tại tất cả các nước tham gia Hiệp định GMS, tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Ngày 31/5, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức họp báo giao ban thường kỳ tháng 5. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Trong tháng 5/2012, ngành giao thông tập trung vào các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có 2 đề án lớn là: Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020”.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ ViệtNamcho rằng: Một trong những giải pháp góp phần kiềm chế giảm thiểu tai nạn giao thông là quản lý chặt chẽ giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam triển khai Đề án đổi mới quản lý giấy phép lái xe (GPLX).

Mẫu GPLX mới với hai ngôn ngữ "Anh - Viêt" có giá trị lưu hành tại tất cả các nước tham gia Hiệp định GMS.

Để thực hiện đề án này, thời gian qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê bao đường truyền, hợp đồng cung ứng phôi, tổ chức tập huấn cho cán bộ, chuyên viên của các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, các Sở Giao thông Vận tải trên toàn quốc; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức cấp phát và tập huấn cho Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải sử dụng và quản lý chứng thư số trên GPLX mới.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép ban hành GPLX mới và đã được Bộ đồng ý sử dụng GPLX bằng vật liệu PET. Theo mẫu quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT ngày 15/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, GPLX mới được đưa vào sử dụng kể từ ngày 1/7/2012 và áp dụng cho các trường hợp: cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng, cấp lại cho người có GPLX bị mất, hỏng. Theo Quyết định này, GPLX đã cấp được tiếp tục sử dụng theo quy định.

Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) sang GPLX bằng vật liệu PET. GPLX được thống nhất quản lý toàn quốc bằng phần mềm. Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thành phố có trách nhiệm đầu tư thiết bị, bố trí cán bộ vận hành đưa GPLX bằng vật liệu PET vào sử dụng. Trong thời gian chưa phát hành GPLX bằng vật liệu PET, các đơn vị vẫn được tiếp tục sử dụng phôi GPLX hiện hành nhưng không quá ngày 1/7/2013.

"GPLX sẽ được cấp số một lần duy nhất cho một người, số in theo seri in trên giấy phép chỉ để quản lý phôi, chữ ký của bằng lái xe mới cũng là chữ ký số chứ không ký trực tiếp trên giấy phép như trước. Đặc biệt, giấy phép mới sử dụng song ngữ tiếng Việt- Anh” – ông Quyền cho hay.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Quyền, người có GPLX có thể được cấp, đổi GPLX mới ở bất cứ địa phương nào trên toàn quốc, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại. Đặc biệt, Việt Nam vừa qua đã ký kết tham gia Hiệp định công nhận GPLX do các nước ASEAN cấp. Việc quản lý hiện đại này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình hòa nhập của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. GPLX mới có giá trị lưu hành tại tất cả các nước tham gia Hiệp định GMS, tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Cũng theo ông Quyền, có 12 phần mềm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe. Tình trạng vi phạm của người lái xe sẽ được cập nhật, thủ tục và thời gian xin cấp lại giấy phép lái xe cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp báo chiều nay, ông Nguyễn Văn Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải đã giới thiệu khái quát Đề án phát triển vận tải khách công cộng. Trong đó có nêu thực trạng xe buýt, xe taxi hiện nay, dự báo nhu cầu đi lại và quy hoạch phát triển đến 2020. Đặc biệt là đưa ra các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (chủ yếu là xe buýt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các đô thị hạng I).

Theo ông Thành có 6 quan điểm, mục tiêu lớn trong đề án này, trong đó xe buýt vẫn đóng vai trò then chốt kiềm chế tai nạn giao thông và đảm bảo môi trường; phát triển xe buýt dựa trên quy hoạch dân cư, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng của từng thành phố; ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại khắc phục các tồn tại như ô nhiễm môi trường, bỏ bến, tuyến, phóng nhanh vượt ẩu… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; tập trung đảm bảo số lượng song hành với chất lượng. Mục tiêu phát triển đồng bộ tương thích các loại hình phương tiện; cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, ưu tiên cho người khuyết tật được chú trọng.

Thiên Minh