Giáo dục Việt Nam sẽ theo xu thế "học tập suốt đời"

19:00 | 28/03/2013

2,989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Học tập suốt đời” là một nội dung trọng tâm mà Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 đề cập, và đây cũng là vấn đề được Việt Nam đặc biệt chú trọng trong quá trình phát triển giáo dục ở nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng “Học tập suốt đời”

Khái niệm “học tập suốt đời” và “xây dựng xã hội học tập” thật ra đã được sử dụng ở nước ta từ lâu. Ngay từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu nói nổi tiếng khuyến khích Học tập suốt đời như: “Học tập là vô cùng” hoặc “Thế giới tiến bộ không ngừng. Ai không học là lùi”. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục trong suốt cuộc đời”. Người cũng đã gợi ý cách Học tập suốt đời mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị như “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau, học ở nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích "Học tập suốt đời".

Sau cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Bác Hồ đã mong muốn dân ta ai cũng được học hành và Bác cũng đã yêu cầu người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ - Đây chính là mầm mống khởi đầu của việc xây dựng một xã hội học tập để mọi người đều được học tập.

Ngành giáo dục đã bám sát nguyên tắc “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, đồng thời ở khắp nơi trong cả nước cũng giấy lên một không khí sôi nổi thực hiện khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi “ của V.I. Lênin. Có thể nói những năm tháng này ở nước ta trên thực tế đã có mầm mống hình thành một xã hội học tập.

Ngày nay, Việt Nam đã và đang thể hiện sự nỗ lực và cam kết của mình thông qua nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, đã mở rộng mạng lưới các tổ chức học tập suốt đời xuống tận cấp xã. Đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 10.826 trung tâm học tập cộng đồng tại 97,34% số xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Tuy nhiên, học tập suốt đời tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Đông Nam Á còn gặp không ít khó khăn, thách thức về nhận thức, về cơ sở pháp lý, khung chính sách, về nguồn lực cũng như sự phối hợp trong từng quốc gia và giữa các quốc gia trong khu vực. 

Học tập suốt đời – xu thế của khu vực

Tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng GD Đông Nam Á lần thứ 47 vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Bộ GD các nước Đông Nam Á, quốc gia thành viên liên kết và các tổ chức thành viên liên kết chia sẻ những nội dung học tập suốt đời đã và đang triển khai ở mỗi quốc gia và toàn khu vực.

Cụ thể như học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; Chiến lược học tập suốt đời ở Thái Lan; Định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á; Kinh nghiệm học tập suốt đời tại các nước phát triển Bắc Âu…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Phạm Vũ Luận - Chủ tịch Hội nghị Hội đồng SEAMEO nhấn mạnh: Hiện nay, học tập suốt đời là xu thế phát triển tất yếu ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Học tập suốt đời ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi người để có thể sống, làm việc và tồn tại trong thời đại ngày nay…

Việc thúc đẩy học tập suốt đời được coi là chính sách quốc gia nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hóa, duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

"Học tập suốt đời" đã trở thành xu thế giáo dục mới của khu vực ĐNA.

Đại diện Thái Lan, GS.TS Sumalee Sungsri - Trường ĐH Mở Sukhothai Thammathirat cung cấp tầm nhìn của nước này về học tập suốt đời thông qua chiến lược phát triển đồng bộ và nghiêm túc. GS.TS Sumalee Sungsri cho biết: Tại Thái Lan, chiến lược được đề xuất để thúc đẩy học tập suốt đời là tăng cường kiến thức và sự hiểu biết và xây dựng thái độ đúng đắn về học tập suốt đời; thúc đẩy học tập suốt đời ở mỗi gia đình...

GS.TS Arne Carlsen – Giám đốc Viện Học tập suốt đời của Unesco (CHLB Đức) cung cấp một bức tranh khái quát về thực trạng và định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á thông qua cách nhìn của một chuyên gia Châu Âu giàu kinh nghiệm. Ông cho rằng, học tập tại nơi làm việc cũng là một phần quan trọng của học tập suốt đời. Các nước Đông Nam Á từ lâu đã công nhận các giá trị của giáo dục người lớn và coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Ông nhấn mạnh: “Nếu đầu tư vào giáo dục trẻ em, bạn sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích sau khoảng thời gian là 20 năm. Nhưng nếu đầu tư vào giáo dục người lớn, bạn sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích chỉ sau một vài năm. Như vậy, việc đầu tư vào giáo dục người lớn sẽ đem lại hiệu quả trực tiếp hơn”.

GS. TS Sumales Sungsri, Bộ Giáo dục Thái Lan nhận định: Giáo dục suốt đời cần thiết cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nền tảng giáo dục, sự nghiệp, địa vi xã hội của họ. Tại thái Lan, năm 1977, khái niệm về Học tập suốt đời chính thức được đưa vào. Luật Giáo dục Quốc gia năm 1999 đề xuất giáo dục suốt đời là một nguyên tắc tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước.

Ông Lê Huy Tâm, GĐ Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam cho biết: Để hiện thực hóa những kỳ vọng của khối ASEAN phải khẩn trương thúc đẩy khái niệm Học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập trong khu vực. Cần đảm bảo rằng trong chương trình nghị sự sau năm 2015 về phát triển bền vững và Kế hoạch cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN, nội dung Học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập phải được ưu tiên.

Với cương vị là tân Chủ tịch Hội đồng của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông báo sẽ thành lập Trung tâm khu vực SEAMEO về Học tập suốt đời (SEAMEO CELLL) tại Việt Nam. 

Bộ trưởng cho biết: “Trên cương vị chủ tịch, chúng ta đã thành lập trung tâm SEAMEO CELLL – học tập suốt đời. Trung tâm này được đặt ở TP Hồ Chí Minh và chúng tôi chủ động triển khai hoạt động của trung tâm, một mặt để giải quyết vấn đề học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của Việt Nam đồng thời đóng góp những kinh nghiệm cho hoạt động các nước trong khối SEAMEO”.

Nhã Anh