Giải mã tâm lý tội phạm qua những vụ thảm án

07:00 | 12/10/2014

6,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một tuần, liên tiếp xảy ra 2 vụ giết người, chặt xác phi tang tại TP HCM gây rúng động dư luận. Nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu tâm lý tội phạm, các chuyên gia cho rằng, tội phạm thường có một diễn biến tâm lý chung, đó là “lỡ” làm cái này thì phải làm cái khác và không nghĩ đến hậu quả.Những hành động ác thú này một phần được “nuôi dưỡng” từ trước bởi những thói quen bạo lực lặp đi lặp lại trong cuộc sống, dẫn đến góc nhìn lệch lạc…

Tâm lý “đâm lao thì phải theo lao”

Nhìn từ góc độ chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: Từ thực tiễn nhận thấy, tội phạm thường có một diễn biến tâm lý chung, đó là “lỡ” làm cái này thì phải làm cái khác. Như một số đối tượng “lỡ” thực hiện hành vi hiếp dâm, khi bị nạn nhân chửi bới, đe dọa tố cáo, vì sợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hung thủ giết nạn nhân để bịt miệng. Có thể ban đầu, ý định giết người không có trong đầu hắn.

Với diễn biến tâm lý đó, có thể suy đoán rằng: Vì “lỡ” mở thẩm mỹ viện trái phép, “lỡ” phẫu thuật để bệnh nhân chết, nhận thấy nếu để xác bệnh nhân nằm đấy, nguy cơ bị phát hiện xử lý, đi tù là rõ ràng... Trong khoảng thời gian cực ngắn, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã nảy sinh ý định ném xác phi tang để trốn tội. Hành động diễn ra trong tình thế quẫn bách, tâm lý sợ hãi cao độ, rõ ràng là mang tính chống chế, đối phó.

Giải mã tâm lý tội phạm qua những vụ thảm án

Hiện trường phát hiện bao tải thi thể nữ giới vào ngày 1/10/2014 tại TP HCM

Cũng theo ông Linh, tội phạm bạo lực có thể chia thành hai loại. Một loại là tội phạm hành động có kịch bản rõ ràng, bố trí kế hoạch thực hiện cụ thể và chi tiết. Hung thủ có đầu óc tỉnh táo, “ra tay” rất lợi hại. Loại này được mệnh danh là tội phạm bạo lực có tổ chức. Hai là loại tội phạm hành động tùy hứng, nghĩ gì làm đó, không cần chuẩn bị trước. Các nhà chuyên môn gọi chúng là tội phạm bạo lực và vô tổ chức.

Thực tế, ngoài hai loại tội phạm bạo lực nói trên, các chuyên gia tâm lý hình sự còn dùng một tên gọi riêng cho đối tượng thứ ba. Đó là tội phạm hỗn hợp. Điều này cho thấy, việc phân loại tội phạm chỉ mang tính tương đối. Thông thường, có 4 giai đoạn tâm lý trong quá trình phạm tội. Trong giai đoạn đầu, người phá án phải suy nghĩ về những sự việc trước khi hung thủ ra tay hành động.

Hành động thật “nhiễm” từ hành động ảo

Về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) lại cho rằng: “Xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người ta phạm tội. Những đối tượng thanh niên xem quá nhiều phim đồi trụy, phim bạo lực và bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó. Những vụ việc trên cho thấy đối tượng quá ác thú và man rợn. Ở một khía cạnh nào đó có thể nhận định đối tượng bị nhiễm từ những trò chơi điện tử bạo lực với những cảnh bắn súng, chém giết máu chảy đầu rơi hoặc xem nhiều phim hành động bạo lực khiến hắn bị ảo tưởng. Tâm lý đó kéo khoảng cách giữa “hành động ảo” và hành động phạm tội gần nhau hơn. Người bình thường thì thấy đó để phòng ngừa, nhưng kẻ thủ ác lại bắt chước theo. Chính vì thế đối tượng có thể gây ra những vụ án giết người, chặt xác phi tang gây rúng động”.

Phòng ngừa bằng cách… giải tỏa

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân (Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: Trong nhiều cuộc bàn thảo, các chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra các lý giải cho loại tội phạm kiểu này. Một người bình thường, chưa hề có tiền án tiền sự, vốn được coi là hiền lành, nhẫn nhịn, chẳng va chạm với ai bao giờ bỗng phạm tội ác tày đình, cướp đi sinh mạng của người khác.

Giải mã tâm lý tội phạm qua những vụ thảm án

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân (Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam)

Những nguyên nhân ấy, giờ đã trở nên cố hữu, được nhắc đến nhiều. Dưới góc độ xã hội, có thể thấy “nguyên nhân xã hội” đối với những trường hợp phạm tội kiểu này đương nhiên là có. Bởi, con người là thành tố của xã hội, con người chịu chi phối trong đó và tác động ngược lại. Như một cơ thể, ung nhọt từ chính cơ thể ấy sinh ra, nói cách khác là do chính cơ thể ấy nuôi dưỡng và rồi nó lại ảnh hưởng, gây đau đớn lại cho cơ thể ấy.

Nhiều người sẽ thắc mắc, vậy thì cái gì đã khiến cho một thanh niên trong một lúc nhẫn tâm có thể giết người rồi vứt xác, chặt xác phi tang? Hay một bác sĩ có đầy đủ nhận thức, được học hành đủ đầy, được mọi người trong cơ quan yêu mến lại đang tâm thủ tiêu xác bệnh nhân vì tai nạn nghề nghiệp?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân cho rằng: Quy về hoạt động sinh học của bộ não, những hành vi được coi là bột phát ấy thực ra là cả một quá trình diễn biến trong bán cầu đại não dưới sự tác động của một loại hormone có tên là cortisol.

Theo ông Quân, bằng cách lý giải này, người ta có thể hiểu được tại sao những trường hợp giết người hoàn toàn bột phát, mù quáng như con giết cha, anh giết em, chồng giết vợ một cách man rợ rồi sau đó, chính đương sự khi tỉnh lại, lại ngồi khóc “hu hu” hoặc hối hận vô cùng và muốn tìm đến cái chết để giải thóat.

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp chồng giết vợ, vợ giết chồng đều do nung nấu mâu thuẫn từ nhỏ thành to. Trừ các trường hợp tội phạm chuyên nghiệp (không bàn đến tâm lý trong chuyên đề này) hoặc người bị tâm thần gây án, thì hầu hết các vụ thảm án đều mang yếu tố dồn nén và đây cũng là một yếu tố đáng để xem xét nếu muốn nhìn sự việc trên góc độ diễn tiến tâm lý tội phạm.

Bàn về phương pháp giải quyết, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân, đưa ra biểu đồ diễn tiến tâm lý ức chế của cortisol xoáy theo hình trôn ốc như thế để thấy, việc cần làm là phải ngăn không cho vòng xoáy ấy đi đến điểm cùng cực của nó ở tâm đường xoáy. Điều này đòi hỏi một sự quan tâm đúng mực từ phía người thân xung quanh đối tượng phạm tội. Quan tâm không chỉ đơn giản là biết việc, mà phải có những phương pháp giải tỏa bức xúc tâm lý hiệu quả và quan trọng nhất là phải có cái nhìn thiện cảm với người đang “có vấn đề”.

Răn đe bằng biện pháp mạnh

Giải thích về hiện tượng giết người man rợ trong thời gian qua, GS Trương Công Am, Trưởng bộ môn Tâm lý tội phạm - Học viện An ninh nhân dân cho rằng: “Muốn hiểu tâm lý của những đối tượng giết người man rợ thì trước hết phải nói đến động cơ, mục đích của hung thủ là gì”.

Như vụ Trần Duy Nhật sát hại bạn tình đồng tính hồi tháng 5-2014 ở quận Gò Vấp, TP HCM, Cơ quan Công an đã bước đầu làm rõ là do hung thủ bị nạn nhân ngăn cản các mối quan hệ khác, thường xuyên đánh đập, ép quan hệ đồng tính khiến nạn nhân thấy không thể sống với cuộc sống thực tại nên ra tay sát hại nạn nhân để giải thoát cho mình. Hung thủ là một người trẻ, có học thức, có quan hệ mật thiết với nạn nhân nhưng cách hành xử thì lại rất chuyên nghiệp, máu lạnh.

GS Nguyễn Công Am cho rằng: “Trước những vụ giết người có tính chất man rợ, khiến dư luận hết sức phẫn nộ trong thời gian vừa qua, việc lên án và có hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng gây án là cần thiết để giáo dục, răn đe và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân”.

Trao đổi với phóng viên ngay sau khi báo chí liên tiếp đưa thông tin về 2 vụ án man rợ ở TP HCM, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý (Trung tâm Hỗ trợ tâm lý trẻ em) thể hiện sự bất bình trước những vụ án giết người có tính chất man rợ.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Công Am, TS Quý cho rằng: “Cần phải dùng các biện pháp trừng phạt đặc biệt với các hình thức phạm tội dã man: Đối tượng có hành vi thú tính và làm một lúc hai việc tàn nhẫn là giết người và chặt xác phi tang. Đây cũng là một phần do ảnh hưởng từ mặt trái của sự hội nhập với thế giới, sự đô thị hóa nhanh của xã hội cùng với một số yếu tố khác đã làm thay đổi tâm sinh lý của con người. Trong những sự việc này, việc làm thú tính, vô lương tâm của hung thủ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khó có thể đánh giá tâm lý của hung thủ, bởi việc làm này không phải bột phát mà có chủ ý. Vì vậy cần trừng trị nghiêm khắc để răn đe”.

Thảo Phượng