Giải mã động đất ở Nepal?

07:00 | 17/05/2015

1,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong hơn hai tuần qua, Nepal đã phải hứng chịu hai trận động đất kinh hoàng khiến gần chục nghìn người thiệt mạng và trên 8 triệu người bị ảnh hưởng.

Năng lượng Mới số 422

Chưa hết bàng hoàng vì trận động đất 7.8 độ richter ngày 25/4 thì người dân Nepal đã phải hứng chịu thêm một trận động đất nữa vào ngày 12/5 với cường độ 7.3 độ richter.

Trận động đất ngày 25/4 đã phá hủy hơn 300.000 ngôi nhà, làm hơn 8.000 người thiệt mạng và khoảng 8,1 triệu người dân Nepal, chiếm 1/4 dân số bị ảnh hưởng. Theo những thông tin ban đầu, số người thiệt mạng do trận động đất thứ hai gây ra là hơn 40 người, khoảng 1.129 người bị thương.

Giải mã động đất ở Nepal?

Cảnh hoang tàn sau trận động đất ở Kathmandu, Nepal, ngày 25/4/2015

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thì các trận động đất dữ dội ở Nepal trong hơn hai tuần qua xuất phát từ sự co đẩy của lớp kiến tạo vỏ trái đất. John Bellini, chuyên gia địa vật lý của Trung tâm Quốc gia Thông tin về Động đất thuộc Cơ quan Khảo cứu Địa chất Mỹ, giải thích: “Khu vực xảy ra động đất ở Nepal nằm trên lớp kiến tạo địa tầng Ấn Độ. Lớp này bị tống và đẩy đi phía bên dưới lớp kiến tạo Âu - Á và vì hai lớp này di chuyển ngược chiều, hướng về phía nhau… lực đẩy tăng lên qua thời gian. Dù sự di chuyển không liên tục, nhưng khi di chuyển nó tạo ra cú sốc và thế là có động đất lớn”.

Theo dự báo, động đất sẽ còn xảy ra trong khu vực này trong tương lai, vì vị trí của nó nằm ở nơi hai lớp kiến tạo đẩy vào nhau. Theo ông Bellini, thời gian giữa hai trận động đất tương đối lâu - đôi khi nhiều thập niên. Ông giải thích: “Khu vực này không có xảy ra nhiều trận động đất lớn trong thời gian gần đây. Nhưng các trận động đất ảnh hưởng đến sự cấu tạo của dãy Himalaya, như vậy về mặt lịch sử đã xảy ra rất nhiều trận động đất lớn tại đây”. Trận động đất tàn khốc với cường độ 7.8 độ richter hôm 25/4, là trận động đất dữ dội nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua.

Các nhà khoa học cho biết, trận động đất ở Nepal ngày 25/4 khiến chiều cao một số khu vực trên dãy Himalaya thấp xuống khoảng 1m. Có tin đỉnh Everest cũng bị lún xuống vài centimét. Tuy nhiên con số này vẫn đang gây tranh luận.

H.Phan