Giá xăng dầu hôm nay 7/3

07:06 | 07/03/2020

8,287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lo ngại về một cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế, cộng với thông tin Nga không chấp thuận đề xuất cắt giảm sản lượng sâu hơn của OPEC khiến giá xăng dầu hôm nay giảm kỷ lục.
Giá xăng dầu hôm nay 7/3
Ảnh minh hoạ

Theo ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 7/3, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2020 đứng ở mức 41,57 USD/thùng, giảm 4,33 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 6/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2020 cũng giảm tới 4,34 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2020 đứng ở mức 45,53 USD/thùng, giảm 4,46 USD/thùng trong phiên và giảm tới 4,5 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 5/3.

Giá dầu ngày 7/3 giảm mạnh khi mà những kỳ vọng, hy vọng của thị trường về việc OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa gần như bị “đập tan”.

Đà lao dốc mạnh của giá dầu trong phiên cuối tuần này diễn ra sau khi có tin Nga sẽ không ủng hộ lời kêu gọi của OPEC về việc giảm thêm sản lượng dầu và sẽ chỉ đồng ý việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm hiện tại của OPEC và các đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+. Ngay khi thông tin này được công bố, giá dầu có thời điểm đã mất tới hơn 5%.

Theo tính toán của Gary Ross, người sáng lập quỹ quản lý đầu tư năng lượng Black Gold Investors, nếu như các nước không đạt được thoả thuận cắt giảm và Ả-rập Xê-út khôi phục toàn bộ mức khai thác thì giá dầu thô có thể giảm xuống còn 25 USD – 30 USD/thùng.

Ngoài ra, giá dầu ngày 7/3 tiếp tục chịu sức ép giảm giá từ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lượng và tác động ngày càng lớn đến bức tranh kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu trên thị trường.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 6/3 đã công bố nghiên cứu về tác động kinh tế của Covid-19. Theo đó, tùy thuộc từng kịch bản - tốt nhất, vừa phải và xấu nhất - GDP toàn cầu có thể mất 0,1% đến 0,4%, tương đương 77 - 347 tỷ USD năm nay. Trong tất cả các kịch bản, Trung Quốc đều gánh khoảng hai phần ba thiệt hại.

ADB cho rằng dịch bệnh tác động lên Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á đang phát triển theo nhiều kênh. Đó là sụt giảm về nhu cầu nội địa, du lịch, kinh doanh du lịch, chuỗi sản xuất, cung ứng và sức khỏe con người.

Với Trung Quốc, GDP được dự báo mất 0,3 - 1,7%. Các nước châu Á đang phát triển, không tính Trung Quốc, mất 0,2 - 0,5%. Tại Việt Nam, thiệt hại vào khoảng 0,41% GDP với kịch bản vừa phải (các biện pháp phong tỏa và phòng trừ chỉ kéo dài đến hết tháng 4/2020).

Hà Lê