Gập ghềnh xã hội hóa y tế

19:06 | 27/09/2015

506 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Xã hội hóa y tế được coi là giải pháp “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở cả cơ sở y tế công lập và tư nhân vừa giải quyết  một cách hiệu quả tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên hiện nay. Tuy nhiên, xã hội hóa y tế vẫn đang gập ghềnh khi thực hiện.  
gap ghenh xa hoi hoa y te “Xã hội hóa y tế đang không quy hoạch rõ ràng”

Bất cập từ chính sách…

Từ năm 2008, Chính phủ đã có Nghị định 69/20008/NĐ-CP khuyến khích xã hội hóa đối với nhiều hoạt động, trong đó có lĩnh vực y tế. Từ đó đến nay, đã có nhiều đề án y tế xã hội hóa được thực hiện tại một số bệnh viện công và tư dưới nhiều hình thức xây mới như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, xây dựng cơ sở 2 như Bệnh viện Nhi Trung ương, xây dựng Tòa nhà Kỹ thuật cao của Bệnh viện Việt Đức, xây mới Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế và xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hợp lực, Thanh Hóa…

Theo định nghĩa của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh”, xã hội hóa không phải hiểu một cách  đơn giản là chỉ tư nhân đầu tư vào công trình, các cơ sở y tế mà cả các bệnh viện, cơ sở y tế cũng có thể đầu tư bằng cách vay vốn ngân hàng xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư trang thiết bị y tế… Nghĩa là các cơ sở y tế dù ở tuyến nào cũng có thể huy động mọi nguồn vốn, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho các hoạt động khám chữa bệnh. Hoặc cả nhà nước và cơ sở y tế cùng góp vốn với hình thức ngân sách Nhà nước: 30%, cơ sở y tế vay 70%.

gap ghenh xa hoi hoa y te

Khám bệnh cho đồng bào thiểu số ở miền núi phía bắc

Trên cơ sở đó thì hiện nay đã có 9 bệnh viện công vay vốn đầu tư, có 31 sở y tế và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai gần 1.000 đề án liên doanh liên kết với tư nhân lắp đặt thiết bị y tế với số tổng số vốn gần 3 nghìn tỉ đồng…

Tuy nhiên, suốt thời gian qua, sau khi thực hiện xã hội hóa y tế, nhiều vấn đề  nảy sinh mà phần lớn xuất phát từ cơ chế chính sách và công tác quản lý.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì xã hội hóa y tế ngay khâu đầu tiên là quy hoạch đã không rõ ràng cho nên tạo ra một sự mất cân bằng lớn trong đầu tư theo hình thức huy động vốn. Xã hội hóa chỉ tập trung vào các thành phố lớn, các dịch vụ thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao… trong khi các cơ sở y tế thuộc tuyến dưới như trạm y tế, phòng khám thuộc quận, huyện, xã… rất thiếu thốn, khó khăn cả về cơ sở vật chất, nhân lực cần xã hội hóa lại không thể xã hội hóa được. Điển hình như chuyện liên kết lắp đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, theo thống kê của cơ quan bảo hiểm, hiện nay các bệnh viện xã hội hóa vào lĩnh vực này tới 80% vì không những thu hồi vốn nhanh mà còn sinh lời.

Đồng quan điểm, đại diện Bệnh viện Hợp lực, Thanh Hóa cũng cho rằng, do quy hoạch chưa rõ ràng mà trên cùng một địa bàn không cách xa nhau mấy nhưng có nhiều bệnh viện tư nhân mọc lên, tạo ra một sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản hoặc đóng cửa cho một trong số những bệnh viện ấy. Cụ thể tại địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An và một tỉnh giáp ranh nữa, mọc lên cùng lúc nhiều bệnh viện tư dẫn đến tình trạng “cung vượt quá cầu”.

Một điểm nữa mà chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận là bất hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển hiện nay, ấy là quy định về người đứng đầu một cơ sở y tế phải là người làm công tác chuyên môn và chuyên môn giỏi. Trong khi đối với một cơ sở y tế xã hội hóa hoạt động hoặc theo mô hình doanh nghiệp (công - tư kết hợp), hoặc tự vay vốn đầu tư “lời ăn lỗ chịu”… thì người đứng đầu thực sự cần một người điều hành giỏi, một nhà kinh tế hơn là một người làm chuyên môn giỏi.

Thế nhưng, như đã nói do “cơ chế” trên đây cùng với sự ăn sâu trong tiềm thức của mỗi cán bộ, nhân viên ngành y về vấn đề này mà không ít cơ sở y tế không thể thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc đã xã hội hóa song hiệu quả không đạt như mong muốn.

Vẫn là khâu quản lý

Không chỉ chủ trương, chính sách mà cả công tác quản lý đối với các dịch vụ xã hội hóa theo ông Nguyễn Minh Thảo cũng chưa chặt chẽ. Như trong lắp đặt thiết bị y tế máy chụp chiếu hoặc xét nghiệm theo hình thức liên doanh liên kết, tỷ lệ thực hiện theo đúng quy định của của Bộ Y tế có rất ít, cụ thể gần 2.000 máy xã hội hóa trên toàn quốc thì đến gần 40% không có đề án, chủ yếu các bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo với cơ quan bảo hiểm thanh toán. Với các máy cho thuê mướn thì cũng đến hơn 60% không có đề án. Mặc dù theo quy định của Bộ Y tế là xã hội hóa ở lĩnh vực này phải có đề án rồi mới được thực hiện.

Cho nên từ đó dẫn đến chất lượng các thiết bị y tế không kiểm soát được, ảnh hưởng không những đến chất lượng khám chữa bệnh mà đến cả công tác quản lý rồi gây lãng phí, thất thoát kinh tế. Bởi khi không chấp nhận kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh của nhau, các bệnh viện chỉ định bệnh nhân phải chụp chiếu xét nghiệm lại, dẫu trước đó đã làm tại bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám trước, gây lãng phí tiền bạc của cả bệnh nhân và cơ quan bảo hiểm (đồng chi trả). Chưa kể đến do chưa có đề án như vậy có một số kỹ thuật chưa được phê duyệt thực hiện tại Việt Nam, nhưng một số cơ sở y tế vẫn làm.

Ông Thảo dẫn chứng về tình trạng thiết bị y tế quản lý kém: “Như kỹ thuật chụp CT hiện nay được bảo hiểm thanh toán 500 nghìn đồng, có bệnh viện lắp máy tốt thì thu không đủ, bệnh viện khác lại lắp máy Trung Quốc trị giá chỉ có mấy trăm triệu đồng thì lại có lời. Như vậy, mỗi nơi lắp đặt một kiểu, không kiểm soát được chất lượng thực tế của thiết bị y tế. Đó cũng là nguyên nhân vì sao các bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình của nhau là thế".

Bên cạnh đó, theo ông Thảo, một số bệnh viện vẫn còn hiện tượng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán quá mức các máy xã hội hóa. Như cơ quan bảo hiểm mới đây phát hiện Quảng Ninh bội chi khá nhiều. Riêng Bệnh viện Uông Bí, Bãi Cháy chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40%, bình quân của cả nước chỉ trên 20%. Hay giá dịch vụ y tế các bệnh viện tự xây dựng, nhiều khu vực không kiểm soát giá, thu chênh lệch với bảo hiểm y tế quá lớn. Có bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh chạy thận nhân tạo giá 250.000 đồng, thu thêm 200.000 đồng. Nay điều chỉnh giá lên 460.000 đồng, tính giá gần sát thực tế mà người bệnh vẫn bị thu thêm 200.000. “Thật là khó đảm bảo quyền lợi người bệnh trong trường hợp như vậy”, ông Thảo nhận định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng bày tỏ băn khoăn về giá dịch vụ do các bệnh viện thu khi thực hiện xã hội hóa. Có nơi thu giá gấp 3-4 lần bảo hiểm y tế. Như vậy thì xã hội hóa vẫn chưa coi trọng lợi ích của người bệnh. Ông đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế cho những bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, theo hướng bệnh viện có xã hội hóa thì dùng tiền quỹ bảo hiểm y tế mua lại nợ, để bệnh viện thu phí dịch vụ bằng giá bảo hiểm y tế. Có như thế thì người dân mới được hưởng lợi từ việc xã hội hóa.

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Minh Thảo đề xuất, phải tăng cường quản lý Nhà nước từ quy hoạch lắp đặt đến chất lượng, giá cả thiết bị y tế. Các bệnh viện có quyền được tự định giá các dịch vụ nhưng cơ quan quản lý phải kiểm soát để xem phù hợp không. Đồng thời, phải có kiểm định chất lượng định kỳ các máy móc, thiết bị y tế cũng như các nơi lắp đặt trả tiền kiểm định để đánh giá chất lượng để xóa bỏ tình trạng không chấp nhận kết quả của nhau.

Theo mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế phải đạt 26 giường bệnh/1 vạn dân, thậm chí là 39 giường/1 vạn dân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (hiện 24 giường/1 vạn dân). Để đạt được mục tiêu này cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải, những khó khăn, bất cập trên đây cần cải thiện nhanh chóng để đạt hiệu quả đúng như mục đích của xã hội hóa đặt ra.

 

Xuân Bách