Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng:

“Đừng sợ học sinh, sinh viên nghĩ khác về thầy cô!”

15:02 | 17/12/2012

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, điều đáng suy nghĩ nhất với học sinh, sinh viên khi đến trường là sức sáng tạo luôn bị hạn chế. Nếu ngành giáo dục không sớm tỉnh táo, điều chỉnh lại cách học, cách dạy thì thật khó để sự nghiệp đào tạo của cả dân tộc được “chấn hưng” như dư luận đang quan tâm, kỳ vọng.

Không ai cứu được ngành, ngoài các thầy cô!

PV: Thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân cũng như cộng đồng giáo chức lão thành. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Thừa thầy, thiếu thợ là một thực tế trong xã hội và nhiều người có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhưng tựu chung, đã là thực tế trong cuộc sống thì chúng ta, hay nói rộng hơn là xã hội và cả hệ thống chính trị phải chung tay vào cùng xử lý, sao cho mang lại kết quả tối ưu nhất.

Điều thứ nhất là, theo quan điểm cá nhân tôi, định hướng trong phát triển giáo dục của chúng ta chưa được tính toán kỹ, dẫn đến việc phân luồng không khoa học. Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, chỉ 1/4, hoặc nhiều lắm là 1/3 học sinh THPT học lên bậc cao, vào đại học phục vụ công tác nghiên cứu, công chức bậc cao. Số còn lại sẽ vào các trường nghề hoặc hơn một chút là hệ thống cao đẳng, trường nghiệp vụ đặc biệt. Tôi cho rằng, như thế là đúng thôi, vì đó là lời giải về nhân lực hợp lý nhất cho nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Điều thứ hai là, tác động của cơ chế thị trường, đã tạo ra những nghề “hot” như quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng… Đơn cử như trong ngành giao thông, số sinh viên lựa chọn kinh tế vận tải cũng ít hơn so với cầu đường. Vì ra trường, họ kiếm ngay được một công việc với thù lao khá cao.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề XH Đỗ Mạnh Hùng đóng góp ý kiến tại diễn đàn Quốc hội

Điều quan tâm thứ ba là, chúng ta phát triển hệ thống trường đại học một cách thiếu kiểm soát hiệu quả. Ở địa phương có rất nhiều trường, ngành, khoa kinh tế… trong khi một số ngành nông nghiệp, luật, lâm nghiệp lại không nhiều lắm. Các trường cũng duy trì theo cơ chế ngành nào nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học và thi thì chúng ta cứ khai thác vùng đất ấy. Họ cũng phải giải quyết bài toán kinh tế cho chính đơn vị mình.

Lý do cuối cùng, ở nhiều nơi  thầy cũng chưa ra thầy, mà thợ chưa thật xứng đáng là thợ, dẫn đến tình trạng đã thiếu lại còn yếu. Phải chăng đã qua rồi cái thời nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, có khi chỉ là bác phó cả nhưng kiến thức, kinh nghiệm và đạo đức đã làm nên một người thợ toàn tài. Bây giờ để đào tạo cho ra lò một lớp thợ tay nghề cao quả thật không hề đơn giản.

PV: Công tác xã hội hóa giáo dục từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Với tư cách là Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào trước thực trạng trên?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Trước hết xin được khẳng định, xã hội hóa là hết sức đúng đắn, đã được Đảng, Nhà nước xác định trong chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định ba (03) hóa, bao gồm chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa nền giáo dục. Từ thực tiễn thực hiện nghị quyết và yêu cầu mới, đến Đại hội XI, ngoài chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, còn bổ sung dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, xã hội hóa là cần thiết, nhưng để xã hội hóa thành công, có lẽ phải có lộ trình, bước đi thích hợp, phải có cái nền vững chắc.

Khi còn công tác ở Thái Nguyên, tôi cùng các đồng chí trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có một suy nghĩ như sau: Dường như xã hội hóa về giáo dục ở Việt Nam chúng ta thực hiện có lẽ chưa thật chuẩn, không hoặc chưa theo lẽ thường thấy. Đơn giản như giáo dục mầm non. Cấp học này gần như đang bị buông lỏng, được khoán trắng cho xã hội và gia đình. Tỷ lệ các cháu đến trường ở tuổi này rất thấp, mà có cơ hội học ở các trường công lập lại càng thấp. Quan điểm của Đoàn đại biểu Quốc hội chúng tôi là xã hội hóa ở lứa tuổi này là cần phải có cách làm thích hợp, bởi Nhà nước phải chuẩn bị hành trang cho những công dân tốt, theo đúng chuẩn mực quốc gia. Không chỉ gia đình, xã hội và ngành giáo dục buộc phải tham gia tích cực vào khoảng sân này. Nếu buông lỏng cấp học này thì phát triển giáo dục sẽ như chiếc nón lộn ngược. Phần dưới, phần cơ sở phải do Nhà nước đảm nhận thì như cái chóp, còn càng lên càng phình ra, rất đảo lộn.

Mầm non là cấp học được đánh giá là chưa chuẩn trong công tác xã hội hóa

Chúng ta nên quan niệm cấp học càng lên thì xã hội hóa càng phải cao. Nhà nước hãy lo giáo dục cơ bản, trang bị cho mỗi công dân một nền tảng tri thức, kiến thức cơ bản để thể hiện bản sắc văn hóa nước nhà, còn giáo dục nâng cao, giáo dục nghề có thể xã hội hóa. Khi đó từng ngành, từng nghề cùng chung tay tham gia đào tạo tùy nhu cầu của chính mình.

Tôi nhớ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề án về đổi mới tài chính, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến giáo dục mầm non trước tiên. Có đồng chí bên ngành giáo dục phân tích: Nếu tăng kinh phí cho giáo dục mầm non để đáp ứng được đề xuất Nhà nước, thì một số trường cấp THCS và THPT phải đóng cửa vì ngân sách eo hẹp. Rất nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành với cách đặt vấn đề trên. Ngân sách đang được ưu tiên cho giáo dục - đào tạo vì chi cho giáo dục đang chiếm trên 20% ngân sách Nhà nước, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan quản lý phân bổ cho các cấp học ra sao mà thôi. Lâu nay, giáo dục mầm non luôn nhận được ngân sách thấp nhất, tỷ lệ học sinh đến lớp thấp nhất, tỷ lệ học sinh được theo học trường công thấp nhất và cuối cùng, lương giáo viên thấp nhất. Bởi vậy, tôi mới nói rằng, xã hội hóa chỉ nên thực hiện với khu vực có nhu cầu, có “thị trường” trong tỷ lệ cân đối nhất định.

“Nóng” giáo dục đại học

PV: Công tác “xã hội hóa” thiếu kiểm soát sẽ để lại những hậu quả nào, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Thử tưởng tượng, nếu một trường mầm non, một trường tiểu học không có đủ cơ sở vật chất và giáo viên, thậm chí không thể bổ sung những yêu cầu thiết yếu đó trong một thời gian dài, khu vực đó, địa phương đó sẽ ra sao? Tất nhiên họ sẽ hẫng hụt cả một thế hệ và đấy mới là điều nguy hiểm nhất, một điều không ai dám nghĩ tới.

Đối với một cơ sở giáo dục xã hội hóa, thường thì chỉ số giảng viên cơ hữu, chỉ số cơ sở vật chất và chỉ số sinh viên tăng trưởng rất không đều. Nhiều bằng chứng, số liệu cho thấy chúng ta hơi vội vàng, thậm chí thiếu kiểm soát hiệu quả khi ồ ạt “xã hội hóa” toàn bộ các cấp học. Thường thì chỉ số về học sinh – sinh viên tăng vọt, trong khi hai chỉ số còn lại chẳng hề nhúc nhích, hoặc có tăng thì không đáng kể. Ở mặt tích cực, phần nào xã hội hóa tạo thêm nhiều cơ hội cho một bộ phận người dân có nhu cầu đi học, lĩnh hội kiến thức, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu làm không tốt, thì điều đó lại trở thành phản tác dụng.

Khi “xã hội hóa” ồ ạt, điều gì sẽ ập xuống? Nhỡn tiền là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu của một trường đại học. Kế đó là số giảng viên cơ học thường trực tại giảng đường. Phải làm sao để mỗi người thầy là một người định hướng cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, chứ không chỉ là người truyền đạt kiến thức theo kiểu tầm chương trích cú. Giáo viên chạy show giữa các trường dân lập là thực trạng có thật và những thực tế trên phải có giải pháp hơp lý

PV: Lại bàn về khái niệm “chuẩn” trong giáo dục. PCN có cảm thấy “chuẩn” trong giáo dục đại học giờ đã bị lệch đi nhiều so với tiêu chuẩn ban đầu?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nếu nói là chuẩn thì yêu cầu này ở giáo dục đại học là cao nhất. Vì ngay sau đại học là cuộc sống với những đòi hỏi khắc nghiệt. Vì vậy, một trường đại học không chỉ là giảng đường, là không gian sư phạm… mà còn là phòng lab, thư viện, phòng thí nghiệm phục vụ công tác thực hành. Như mọi người biết, một sinh viên chính là một người lao động “chất xám” trong tương lai gần. Nếu họ không được đối xử như một người lao động với nghĩa vụ, trách nhiệm đầy đủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì liệu khi cầm tấm bằng trên tay, họ mất bao lâu để thực sự hòa nhập với guồng quay của cuộc sống? Một trường đại học lệch chuẩn sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng đầu ra và điều đó cũng nguy hiểm không kém việc xã hội hóa không đúng cách giáo dục mầm non.

Một hiệu trưởng đại học thành viên thuộc đại học vùng có tâm sự rằng, vai trò của BGH như đồng chí chẳng có quyền hành gì. Nhất cử nhất động đều phải xin ý kiến của cấp trên, từ nhân sự, đề bạt đến mua sắm trang thiết bị phù hợp… Một hiệu trưởng như vậy thì làm sao còn động lực để chèo lái con thuyền. Cái “chuẩn” đôi khi cũng nằm ở những khía cạnh  như vậy.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề XH của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (thứ 2 từ bên trái sang) trong một chuyến công tác xã hội cùng PVFC

PV: Thay đổi nội dung chương trình và khảo thí liệu có phải là cách hay để phân luồng giáo dục không, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Để phân luồng, chúng ta cần một hệ thống giải pháp. Khảo thí cũng chỉ là một mảng công việc thôi. Thứ nhất, các chuẩn mực giáo dục về nghề trong xã hội phải thay đổi. Ví dụ vấn đề thu nhập cho thợ bậc cao. Chúng ta có mạnh dạn trả lương cho một người thợ cả, một bàn tay vàng ngang với quản đốc phân xưởng, thậm chí ngang một số chức danh lãnh đạo doanh nghiệp được không? Hiện tại, cái chuẩn giá trị ở giáo dục chúng ta đã hiểu không đúng. Một cử nhân, một kỹ sư “làng nhàng”, có thể dễ dàng tìm một mức thu nhập cao hơn một thợ bậc cao. Ai cũng làm thầy cả, thì lấy đâu ra thợ trực tiếp sản xuất sản phẩm? Phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề. Bởi hiện nay trong khi số lượng và năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của các doanh nghiệp thì hàng năm vẫn có hàng chục vạn HS, SV ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Cơ cấu đào tạo khiến cho trong nước thiếu công nhân lành nghề, thiếu kỹ thuật viên trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý yếu.

Cụ thể, sau THCS phần lớn học sinh sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ một tỷ lệ nhỏ vào THPT. Mỗi loại trường này đều cung cấp cho học sinh một vốn văn hóa phổ quát đủ để sau này tiếp tục học lên cao hơn, đồng thời trung học hướng nghiệp được học kỹ về một số ngành nghề được lựa chọn. Như vậy, sau 2-3 năm học, học trung học hướng nghiệp nếu ra đời thì đã có nghề để kiếm sống tốt, rồi sau đó học tiếp nữa khi có điều kiện, còn học sinh THPT sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội để có thể tiếp tục học ở đại học.

Cách học hành và cách thi cử cũng là một vấn đề rất lớn hiện tại. Học thì cứ miệt mài, nhồi nhét nhiều thứ không cần thiết, nhưng lại bỏ qua nhiều điều hữu ích trong đời sống hiện đại. Thi vẫn mãi một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền của một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đã có rất nhiều hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, nhưng cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi, bám sát sách giáo khoa... Ngoài việc bức thiết phải đổi mới hoàn toàn tư duy về học và thi, việc quan trọng hơn về lâu dài là phải nghiên cứu giải phóng nhà trường khỏi tình trạng giáo điều, kinh kệ bằng một giải pháp tương tự như một số nước đã làm.

Nội dung chương trình cũng là một vấn đề lớn, bởi điều này sẽ quyết định việc có lãng phí hay không cả một thời gian dài dạy và học. Nếu nội dung chương trình đáp ứng được những thay đổi của thời cuộc, giải đáp vấn đề hiện đại… chứ không phải giáo điều, lạc hậu thì vừa hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Nội dung chương trình là yếu tố cực kỳ quan trọng! Đổi mới con người, đổi mới nội dung chương trình, kế đó là đổi mới cơ chế tổ chức, mô hình giáo dục quản lý Nhà nước và cuối cùng mới là đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất.

PV: Đối với giáo dục đại học, nếu được trao quyền cải cách, ông sẽ bắt đầu từ đâu và liệu quốc tế hóa có phải cách hợp lý vào thời điểm này không?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Giáo dục đại học của chúng ta đang có những khó khăn và đang có xu hướng  lạc hậu. Từ nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến việc đào tạo tiến sĩ, tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay tuy đã có một số tiến bộ nhưng nhìn chung chất lượng, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước. Vì vậy, cần những giải pháp mạnh trong 3 vấn đề lớn: Cải thiện chất lượng đầu vào; thay đổi phương thức đào tạo; tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học.

Cải cách một cách toàn diện, đó chính là xác định lại mục tiêu và chức năng của giáo dục đại học, xem giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực ở đẳng cấp nào, phục vụ cho nhu cầu gì? Khi nào xác định thành công những công việc đó thì chúng ta mới có bước đi tiếp theo. Đừng nên bàn bạc quá xa xôi khi bây giờ chúng ta còn chưa biết giáo dục đại học đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đến đâu. Dân chủ hóa giáo dục đại học, nhưng Nhà nước vẫn phải có vai trò định hướng, tạo ra hành lang pháp lý và hỗ trợ khâu cuối.

PV: Nguồn nhân lực cao phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đang được đặt một dấu hỏi lớn. Ông nghĩ thế nào về công tác chuẩn bị cho nguồn nhân lực được cho là quyết định đến sự thành bại của vận mệnh đất nước?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nhân lực bậc cao là hết cần thiết. Và cũng chỉ có Nhà nước mới giải quyết được bài toán nhu cầu của nền kinh tế, của từng ngành, từng cấp. Đây là vấn đề vĩ mô, chứ không phải cá nhân cụ thể. Tôi đồng ý là mỗi tập đoàn, tổng công ty, ngành cũng có chính sách đào tạo, chiến lược phát triển nguồn nhân lực riêng của họ. Tuy nhiên, nhìn từ tổng thể, từ nền kinh tế quốc dân thì vai trò điều tiết của Nhà nước là hết sức quan trọng. Việc Nhà nước bố trí một nguồn ngân sách nhất định cho công tác đào tạo là hết sức cần thiết, là hướng đi đúng đắn. Bất cứ quốc gia nào cũng phải có chiến lược giáo dục phục vụ cho phát triển đất nước thôi. Cũng có một vài ý kiến trái chiều của các nhà khoa học đối với Đề án phát triển nguồn nhân lực cao, thiết nghĩ cũng là kênh thông tin để Chính phủ và ngành giáo dục đào tạo tham khảo. Theo tôi, ngoài mục đích của từng đề án, công tác quản lý (kể cả việc Quốc hội giám sát - PV), là để tránh xảy ra tiêu cực, gây bức xúc cho dư luận. 

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hữu Tùng (thực hiện)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc