Bí quyết nào khiến giáo dục Việt Nam lọt nhóm tốt nhất thế giới?

19:41 | 04/07/2023

79 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
The Economist - một tạp chí nổi tiếng của Anh - đã đưa Việt Nam vào nhóm những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc quốc tế

Trong bài viết đáng chú ý với tựa đề 'Tại sao hệ thống giáo dục Việt Nam rất tốt?", The Economist nêu mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp nhưng con cái của các gia đình ở Việt Nam lại đang được hưởng "một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới".

Theo bài báo, nhiều năm qua, Việt Nam có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng GDP bình quân đầu người vẫn chỉ ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan.

Mức GDP này được ví là chỉ đủ để một người Việt Nam bình thường được nuôi dưỡng tốt. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của Việt Nam có thể có ít điều để phàn nàn.

Tờ Economist cho hay, học sinh Việt Nam được học ở một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới. Điều này được phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc thi quốc tế về toán học và khoa học.

Bí quyết nào khiến giáo dục Việt Nam lọt nhóm tốt nhất thế giới? - 1
Học sinh Việt Nam đạt điểm tối đa 42/42 điểm tại Olympic toán học quốc tế 2022, xếp thứ 4/104 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ (Ảnh: MOET).

Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn vượt qua học sinh ở Anh, Canada, những quốc gia giàu hơn gấp 6 lần.

Ngay trong nước, điểm số của học sinh không thể hiện sự bất bình đẳng giữa giới tính và vùng miền như ở những nơi khác.

Trẻ học nhiều hơn ở trường

Bài báo nhận định rằng, xu hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ gia đình, cha mẹ và môi trường mà các em lớn lên.

Thế nhưng, sự quan tâm của cha mẹ là chưa đủ. Tác giả bài báo đã chỉ ra "bí mật" khác biệt dẫn đến kết quả trên nằm ở các lớp học. Trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Dẫn lại số liệu trong một nghiên cứu vào năm 2020, ông Abhijeet Singh - Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) - phát hiện hiệu suất cao hơn của các trường học ở Việt Nam bằng cách so sánh, phân tích dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện.

Ông nhận thấy, trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 5 đến 8 có kết quả vượt so các bạn đồng lứa ở những nước khác. Cứ một năm học ở Việt Nam, khả năng giải một bài toán nhân đơn giản của học sinh tăng lên 21%, trong khi ở Ấn Độ mức tăng là 6%.

Bí quyết nào khiến giáo dục Việt Nam lọt nhóm tốt nhất thế giới? - 2
Theo tạp chí của Anh, trẻ em ở Việt Nam học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Một nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ - nêu rằng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng chung.

Nghiên cứu này chỉ ra chất lượng giáo dục ở 56/87 quốc gia đang phát triển đã xuống cấp kể từ những năm 1960. Việt Nam nằm trong số ít nước không thuộc danh sách có nền giáo dục đi xuống.

Giáo viên quyết định hiệu quả giảng dạy

Bài báo cho rằng, lý do lớn nhất quyết định kết quả trên là năng lực của giáo viên Việt Nam. Các thầy cô không nhất thiết phải có trình độ tốt hơn nhưng lại đang mang lại hiệu quả hơn trong giảng dạy.

Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam cho thấy, phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy.

Phân tích chỉ ra rằng giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của mình vì họ được quản lý tốt. Thầy cô được đào tạo thường xuyên và tự do làm cho các lớp học trở nên hấp dẫn hơn.

Bí quyết nào khiến giáo dục Việt Nam lọt nhóm tốt nhất thế giới? - 3
Giáo viên giữ một vai trò quan trọng làm nên hiệu quả trong giáo dục Việt Nam (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nước ta cũng có những chính sách quan tâm tới đời sống giáo viên ở các khu vực khác nhau. Giáo viên ở các vùng sâu vùng xa được trả lương cao hơn.

Quan trọng nhất, đánh giá giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh. Danh hiệu "giáo viên dạy giỏi" được trao cho những giáo viên có nhiều học sinh giỏi.

Mở đầu và kết thúc bài báo, The Economist nhấn mạnh tới một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của giáo dục Việt Nam, phải nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của Đảng dành cho giáo dục.

Mở đầu bài báo đã nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã vạch rõ con đường phát triển của Việt Nam, đề cao lợi ích của giáo dục qua lời dạy "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Các chính sách được điều chỉnh để phù hợp với đổi mới chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn giảng dạy. Các tỉnh được yêu cầu dành 20% ngân sách cho giáo dục, điều này giúp ích cho sự công bằng trong khu vực.

Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra những thách thức với hệ thống giáo dục Việt Nam. Các doanh nghiệp ngày càng yêu cầu từ người lao động phải có kỹ năng tinh vi hơn, chẳng hạn như quản lý nhóm - điều mà học sinh Việt Nam không được đào tạo.

Hệ quả của tăng trưởng đã kéo người di cư đến các thành phố, làm quá tải các trường học đô thị. Ngày càng có nhiều giáo viên bỏ nghề để làm những công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân.

Bài báo cho rằng, để đảm bảo Việt Nam vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất, Chính phủ sẽ phải giải quyết những bài toán nói trên.

Theo Dân trí

“Giáo dục Việt Nam hướng tới câu hỏi: Trẻ học được gì?”“Giáo dục Việt Nam hướng tới câu hỏi: Trẻ học được gì?”
11 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á 202311 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á 2023