Dừng mua xe công lộ diện mức lãng phí

07:00 | 27/11/2013

4,896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, trong đó quyết định sẽ không cấp kinh phí mua xe công mới trong năm tới (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật). Với quyết định dừng mua xe công trong năm 2014, ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng/năm.

Vẫn sắm xe sang

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012, số xe ôtô công được mua mới vẫn tiếp tục tăng dù đã có chủ trương hạn chế mua xe công. Đó là do phải thay thế xe cũ đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm), chủ yếu là ở các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương. Một lý do khác nữa cũng được “viện” đến là phải mua xe công cho một số chức danh mới được bổ nhiệm mà chưa có xe phục vụ công tác, do phải tạm dừng mua sắm trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 theo Nghị quyết 11. Vậy là trong năm 2012, số xe công trong nước vẫn tăng 2.391 chiếc, với tổng giá trị 2.756 tỉ đồng. Trong đó, khối cơ quan trung ương tăng 973 chiếc với tổng giá trị 956 tỉ đồng, khối cơ quan địa phương tăng 1.418 chiếc với tổng giá trị 1.799 tỉ đồng. Còn theo thống kê chung, tổng số xe ôtô công hiện nay có 34.565 chiếc với tổng nguyên giá 18.251 tỉ đồng, chiếm 2,11% tổng giá trị tài sản Nhà nước. Trong đó, phần lớn xe đã sử dụng quá nửa thời gian theo chế độ quy định.

Điều khiến không chỉ các đại biểu Quốc hội lần này quan tâm, mà còn là đề tài bàn tán của dư luận xã hội là: Qua các báo cáo hằng năm, số xe công đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) vẫn tiếp tục tăng mỗi năm và tập trung chủ yếu vào xe phục vụ công tác chung. Nhiều người cho rằng đây chỉ đơn thuần là một cách “lách” quy định, “lách” chủ trương của Chính phủ. Và cũng không ít người, kể cả giới chuyên gia cho rằng, chính yêu cầu về nguồn kinh phí để thay thế số xe quá hạn sử dụng này đang gây sức ép không hề nhỏ tới ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể tiền xăng dầu, lương lái xe và kinh phí bảo dưỡng xe, đặc biệt là với những xe đã hao mòn theo năm tháng cũng chiếm một khoản lớn trong ngân sách.

Mua hay không là phụ thuộc ngân sách

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trung bình mỗi năm cả nước có 500-700 xe công được mua mới. Với quyết định dừng mua xe công trong năm 2014, có thể dễ dàng tính được ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đã nhận định: “Cắt giảm chi tiêu công trong lúc khó khăn là việc mà đất nước nào cũng làm. Trước đây, trung bình mỗi năm chúng ta mua khoảng 500-700 chiếc xe công mới, có năm mua nhiều thì tới cả 1.000 chiếc. Cứ tính mỗi chiếc trị giá từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng. Mua hay không phụ thuộc vào việc Nhà nước có bố trí dự toán để mua không. Theo tôi đúng là nên dùng khoản tiền mua xe đó vào việc khác phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay”.

Bên cạnh chuyện dự toán Nhà nước, còn là câu chuyện về tiêu chuẩn, định mức chuẩn trong việc sử dụng xe công. Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Muốn đánh giá được lãng phí từ chuyện xe công bao nhiêu thì phải xây dựng được hệ thống, tiêu chuẩn, định mức chuẩn thì mới đánh giá được. Ví dụ, tiêu chuẩn quy định cấp Bộ trưởng được đi xe trị giá 850 triệu đồng nhưng vừa ban hành thì lại tăng thuế nhập khẩu xe, linh kiện, thiết bị, ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt... thì mức giá này rõ ràng là bất hợp lý trong việc mua xe ôtô công.

Tiêu chuẩn có khả thi không, có hiện thực không... nhiều khi vừa đưa ra đã lạc hậu ngay, như tiêu chuẩn định mức tổ chức hội nghị, vừa ban hành thì giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ tăng nên không đủ tiền để tổ chức hoặc phải tìm mọi cách để co kéo.

Khoán xe công chưa khả thi?

Ngoài chuyện tiết kiệm trong việc mua sắm xe công, theo Quyết định 59 và 61 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô cũng đã đưa ra hình thức khoán sử dụng xe hoặc sử dụng dịch vụ công thay vì chuyện mua sắm. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, để thực hiện được việc đó còn phụ thuộc vào điều kiện của các cơ quan ở các vùng miền trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt là đối với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM thì có thể dùng dịch vụ khoán xe công vì các cán bộ, nhân viên có thể lựa chọn các phương tiện công cộng, nhưng đối với các vùng sâu, vùng xa thì hệ thống phương tiện công cộng lại là một hạn chế.

Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) phân tích về khía cạnh này: Ở các quốc gia phát triển, số lượng xe công rất ít, chủ yếu là xe đưa công văn, giấy tờ, báo… chứ không có xe phục vụ các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống. Thử tính nhẩm trong 10 năm sử dụng xe công, mỗi năm chỉ tính riêng tiền khấu hao xe, chi phí xăng xe, bảo trì, bảo dưỡng, nuôi lái xe… một xe không thể ngốn dưới 100 triệu đồng/năm được. Thậm chí, con số chi phí thực tế còn khủng hơn. Nhưng thay vì chi quá nhiều tiền như vậy, chúng ta khoán được cho người có tiêu chuẩn sử dụng xe công thì Nhà nước cũng tiết kiệm được một khoản lớn, trong khi các đối tượng thuộc diện được sử dụng xe công cũng sẽ chủ động hơn. Như vậy, khoán xe công sẽ giúp cả hai bên có lợi. Ngay cả khi khoán tới 70% tổng kinh phí mỗi năm chi cho xe công, Nhà nước vẫn tiết kiệm được khoảng 30%, trong khi vẫn khuyến khích người ta sử dụng dịch vụ chung của toàn xã hội.

Theo phân tích tình hình thì hiện nay việc khoán xe công có nhiều bất cập. Nhiều người có tiêu chuẩn được đi xe công mà lại thấy bất tiện khi phải chọn các phương tiện công cộng, đặc biệt là những công việc cần phải giải quyết gấp, đi gấp thì đôi khi lựa chọn phương tiện công cộng sẽ bị trì hoãn khiến hỏng việc. Có ý kiến còn cho rằng, những cán bộ cấp thấp có số tiền khoán không đáng bao nhiêu, không đủ chi phí để đi lại trong một tháng nên chuyện khoán xe công cũng khó bề khả thi. Vậy thì phải quản lý chặt chẽ như thế nào để kiểm soát về tiêu chuẩn những người có thể dùng xe công, thậm chí là kiểm soát số kilômét sử dụng xe công để tránh lãng phí và hạn chế tối đa việc xe công dùng vào việc riêng của cán bộ?

Quyền lực gắn với nhãn xe?!

Nhiều ý kiến bàn rằng: đối với chuyện “xe công”, cần thay đổi ngay từ trong quan niệm của không ít người vốn dĩ vẫn cho rằng quyền lực gắn với xe. Quan niệm này xuất phát từ xa xưa, chỉ có quan chức mới có ngựa xe đón rước, rồi sau này là ôtô riêng. Một số nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, “yếu tố văn hóa lịch sử để lại” này vẫn còn đậm nét trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay. Thậm chí, còn có câu chuyện đồn thổi rằng, nếu đi taxi vào cửa nhiều cơ quan Nhà nước, mà điển hình là Bộ Tài chính thì có thể bảo vệ sẽ không cho vào. Nhưng nếu đi xe công thì việc vào ra này rất… vô tư.

Điều đáng nói về chủ trương thực hiện khoán xe công là trong pháp lệnh tiết kiệm, chống lãng phí hay trong chỉ đạo của Chính phủ tại các phiên họp, nếu Chính phủ yêu cầu bắt buộc các đơn vị phải thực hiện chế độ khoán xe thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng trong thông tư hướng dẫn vẫn nêu rõ là cán bộ được quyền tự nguyện lựa chọn. Chính bởi thế nên vẫn có nhiều người không tự nguyện lựa chọn. Dẫu vậy, điều đáng ghi nhận cho đến thời điểm này là việc sử dụng xe công vào mục đích riêng đã giảm đi rõ rệt trong thời gian qua. Không còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công được sử dụng trong các đám cưới, đi lễ chùa, chơi thể thao… Nhiều đại biểu Quốc hội cũng thừa nhận: Đó chính là những tín hiệu đáng ghi nhận của việc luật đi vào cuộc sống. 

Minh Đức