Đừng để ngày vui có những nỗi buồn

07:08 | 18/01/2015

1,000 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi ngày trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta trung bình có hơn 20 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, chưa kể cũng tương đương số ấy người bị thương và để lại thương tật, di chứng suốt đời...

Năng lượng Mới số 387

Chẳng mấy ngày nữa là nghỉ tết Dương lịch 4 ngày và chưa đầy 2 tháng là dịp nghỉ tết Nguyên đán rất dài - 9 ngày. Đó là dịp để mọi người trở về quê thăm gia đình, bố mẹ, họ hàng sau cả năm trời mải miết kiếm ăn ở nơi xa, cũng là dịp để những gia đình có điều kiện tự thưởng cho mình những chuyến du lịch sau bao ngày làm ăn vất vả.

Đương nhiên những chuyến đi như vậy bao giờ cũng được háo hức chờ đợi, chuẩn bị kỹ càng và ai cũng hy vọng có một chuyến về thăm quê, chuyến du lịch an toàn vui vẻ. Nhưng những dịp lễ, tết thì không có ai dám chắc chắn rằng, chuyến đi của mình sẽ là hanh thông đi đến nơi, về đến chốn an toàn mà đành mặc cho số phận run rủi, hên xui.

Nhưng ở một góc khuất khác thì mỗi ngày trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta mỗi ngày trung bình có hơn 20 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, chưa kể cũng tương đương số ấy người bị thương và để lại thương tật, di chứng suốt đời và tổn thất về tài sản do các phương tiện giao thông bị hư hỏng cũng không phải là nhỏ.

Khoảng 40% tai nạn giao thông ở Việt Nam liên quan đến bia rượu

Một năm Việt Nam có hơn 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông thì hình như ít thu hút được sự quan tâm của dư luận trong cũng như ngoài nước. Chỉ có khi nào mấy chục con người không sinh cùng năm, tháng nhưng chết cùng một giờ như vụ xe khách lao xuống vực ở Lào Cai thì dư luận mới lại giật mình được một vài ngày.

Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, rồi hội thảo, hiến kế, tham mưu... nhưng tất cả hầu như không mang lại hiệu quả rõ rệt, tai nạn giao thông vẫn cứ tiếp diễn, không trừ bất cứ ai khi tham gia giao thông và cũng có người nói vui một cách chua chát rằng ở Việt Nam bây giờ mỗi khi ra đường tham gia giao thông là đem sinh mạng của mình ra mà đánh cược, trông đợi vào may rủi, hên xui.

Cho nên không lấy gì làm lạ là bất cứ một xe khách chạy đường dài nào cũng có chỗ để cắm nén nhang ở đầu ca bin, trước mỗi chuyến đi lái xe làm rầm khấn vái để cầu mong đấng thần linh nào đó phù hộ che chở để cho chuyến đi được an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Hằng ngày, giở bất cứ một trang báo nào, vào bất cứ một mạng điện tử nào chúng ta cũng bắt gặp những tin tức về tai nạn giao thông thảm khốc và đau xót thay những nạn nhân của tai nạn giao thông thường là những người đang trong độ tuổi thanh niên có trí tuệ, có sức khỏe, họ ra đi để lại một nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và người thân.

Báo chí cũng đã nhiều lần đề cập, mổ xẻ về nguyên nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam đang ở mức báo động và có thể nói là một thảm họa do chính con người gây ra. Nào là do cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu, không đồng bộ, phương tiện tham gia giao thông cũ nát, ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông kém, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe... và rất nhiều nguyên nhân khác nữa.

Trong những nguyên nhân kể trên thì việc chấp hành giao thông kém là nguyên nhân số 1 dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông, còn những nguyên nhân còn lại chỉ là thứ yếu. Ví như trước đây khi hệ thống giao thông nông thôn chưa được nâng cấp, bê tông hóa thì tai nạn giao thông còn ít nhưng ngược lại khi đường liên thôn, liên xã được trải bê tông nhẵn phẳng, êm ru thì rất nhiều vụ chết người xảy ra do đám thanh niên lên xe là phóng mát ga, không thèm đội mũ bảo hiểm.

Ngược lại ở tuyến quốc lộ thì khi làn đường được mở rộng, có dải phân cách cứng hoặc mềm, không còn tình trạng các phương tiện tham gia giao thông đối đầu nhau thì tai nạn đã giảm đi một cách rõ rệt. Điển hình là Quốc lộ 1A đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa sau khi hoàn thành mở rộng nâng cấp thì tốc độ lưu thông đã tăng và hầu như không có vụ tai nạn thảm khốc nào xảy ra. Vì vậy, nếu đổ cho nguyên nhân là cơ sở hạ tầng yếu kém có phần đúng nhưng có phần chưa đúng đối với hệ thống giao thông liên thôn, liên xã. Theo thống kê thì số tai nạn giao thông đường 80% do xe máy gây ra và trên các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Một nguyên nhân khác có thể nói là sự nhờn luật, thậm chí coi thường pháp luật của số đông người khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, chỉ cần ra khỏi thành phố, thị xã là ta bắt gặp cảnh hầu hết người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc có mũ nhưng không đội, chỉ khi nào nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông thì mới đội lấy lệ, đối phó, mà khi xảy ra tai nạn giao thông thì tỷ lệ tử vong do chấn thương sọ não rất cao, nếu như có mũ bảo hiểm thì sẽ hạn chế được rất nhiều ca tử vong, ai cũng biết điều ấy nhưng chưa có biện pháp nào khả thi.

Chúng ta được nghe đến nhàm tai, phát chán là bất cứ trước một vấn đề gì bức xúc, nhức nhối của xã hội ví như tai nạn giao thông chẳng hạn thì kêu gọi, hô hào cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng hệ thống chính trị là ai, là ban, ngành, tổ chức nào thì không chỉ ra cụ thể, cho nên chỉ riêng lực lượng cảnh sát giao thông dù có được tăng quân đông đến mấy cũng không giải quyết được tình hình. Tại sao chúng ta không cho quyền lực lượng công xã được quyền phạt những người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và lý sự là khó do toàn người quen trong xã, ngoài làng.

Nhưng một sự thật hiển nhiên là người ta không chỉ đi xe máy trong một làng, một xã, cho nên mỗi một xã chỉ cần một chốt của công an xã đặt tại vị trí huyết mạch, nếu ai vi phạm xin mời nộp phạt (ở đây chỉ xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm), số tiền ấy dư để nuôi bộ máy để thực thi nhiệm vụ, không cần đến ngân sách Nhà nước, vấn đề ở đây là cơ chế, chủ trương phải thông suốt, chứ không thể nơi này làm, nơi khác không thì sẽ không có hiệu quả.

Sự nhờn luật đến từ việc xử phạt những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông theo tôi là còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Ví như tình trạng xe chở quá tải trọng, nếu như trước kia chỉ phạt hành chính rồi lại tiếp tục cho lưu hành thì chủ và lái xe không sợ, nhưng nếu như kiên quyết hạ tải mới cho lưu thông thì chắc chắn họ cũng phải cân nhắc trước khi chất hàng hóa lên xe. Đối với xe máy cũng vậy, nếu xử phạt thật nặng nhưng lỗi vi phạm tôi tin rằng những hành vi vi phạm sẽ giảm và từ đó tai nạn giao thông sẽ giảm theo. Giờ này theo tôi không nên nói tuyên truyền việc chấp hành luật lệ giao thông nữa bởi vì xe máy đã trở thành một thứ văn hóa đã tồn tại mấy chục năm rồi, ai cũng hiểu hết cả rồi cho nên khi ngồi lên xe tham gia giao thông anh phải thấy được nghĩa vụ của mình là gồm những gì, chứ không thể mỗi khi vi phạm thì lại xin xỏ hoặc cãi chày cãi cối là không biết, không hiểu hoặc lần đầu vi phạm.

Cho nên xét cho đến cùng vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tai nạn giao thông tăng hoặc giảm và muốn hình thành một ý thức, thói quen văn minh khi tham gia giao thông đòi hỏi phải được giáo dục từ bé. Các nhà trường nên đưa môn học luật giao thông đường bộ trở thành một môn học bắt buộc ngay từ bậc tiểu học, chứ không chỉ coi như một tiết ngoại khóa lấy lệ cho nó vui đối với các cháu mẫu giáo mà ta vẫn thường thấy ở các trường học và chắc chắn sẽ có hiệu quả. Không thiếu các ví dụ khi các bậc phụ huynh chở con trên đường khi thấy tín hiệu đèn đỏ vẫn vượt lên thì đã bị chính con mình ngồi sau nhắc nhở.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông đó là tình trạng say rượu, bia khi tham gia giao thông. Không đâu như ở Việt Nam cứ uống rượu, bia vô tư, có khi đứng không vững nhưng vẫn lên xe vần vành dế, cưỡi ngựa sắt, hành vi đó ở các nước tiên tiến là một lỗi rất nặng và bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí cho đi tù, lao động công ích và treo bằng lái mấy năm trời, nhưng ở Việt Nam chưa có ma men nào bị đi tù khi lái xe, trừ khi gây tai nạn, cho nên tình trạng lái xe đi trên cả hai vỉa hè không phải là hiếm.

Quan chức Việt Nam hay có bệnh đổ thừa cho khách quan chứ ít khi thấy được tất cả mọi sự trên đời tốt xấu, dở hay phần lớn là do chính bản thân chúng ta quyết định. Cho nên sắp tới những đợt nghỉ dài vào dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán mọi người khi tham gia giao thông hãy kiên quyết nói không với rượu bia, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông và trước khi đặt tay vào vô lăng, vào tay lái hãy dành một vài giây để tự nhủ, đằng sau vô lăng, tay lái của ta là cả một gia đình, vợ con, bố mẹ, anh em đang canh cánh, mong ngóng chúng ta có một chuyến đi suôn sẻ, đi đến nơi về đến chốn, để những ngày vui của đất nước của dân tộc tràn ngập trong tiếng  cười, niềm vui, không có những giọt nước mắt chia ly do tai nạn giao thông mang đến.

Đoàn Xuân Tuyến