Thi tốt nghiệp THPT 2014:

Đổi mới nhưng vẫn còn bất cập

06:00 | 12/06/2014

605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 vừa kết thúc, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đề thi đã được đổi mới theo hướng tăng câu hỏi “mở” để đánh giá năng lực sử dụng các kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội của học sinh. Đặc biệt, đề thi một số môn xã hội đã dành những câu hỏi hay cho vấn đề thời sự biển đảo của Tổ quốc, nâng cao ý thức xã hội và trách nhiệm cá nhân của thí sinh. Nhưng sự “cô đơn” của môn Sử đã khiến rất nhiều người nặng lòng.

Năng lượng Mới số 329

Đề thi có ý nghĩa giáo dục hơn

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các câu hỏi trong đề thi các môn văn, sử, địa đều phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh và cũng lồng ghép nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.

Đề thi môn Ngữ văn là sự đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung, trong đó yêu cầu thí sinh phân tích trích đoạn một bài viết về cách thể hiện lòng yêu nước trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta. Để trả lời câu hỏi cần dựa trên văn bản ngoài sách giáo khoa, nên các thí sinh không thể làm được nếu quen học tủ, học lệch, lý thuyết suông. Đây có thể xem là thành công đáng kể của cách ra đề mở, bám thời sự năm nay.

Đồng thời, với phần làm văn ở câu hỏi 7 điểm về vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ cũng khiến nhiều thí sinh bất ngờ. Điểm mới của đề thi này là không tách phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học thành hai câu hỏi riêng biệt mà tích hợp trong một câu. Cách hỏi như vậy “vừa kiểm tra được kiến thức về văn bản văn học, đồng thời đánh giá được kỹ năng làm bài văn nghị luận của học sinh” - như lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển.

Trước đó, đề thi văn tốt nghiệp năm 2013 cũng là đề văn hay khi đưa hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã hy sinh mạng sống của mình để cứu 5 em nhỏ khỏi dòng nước nguy hiểm, như một tấm gương có giá trị thức tỉnh cho những bạn cùng trang lứa. Và cũng đề cập đến những điều lớn lao mà giản dị thấm thía - hình ảnh vòng hoa trên mộ nhà cách mạng Hạ Du trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn, gợi lên sự thức tỉnh của lòng tri ân.

Đề thi Địa lý hỏi về vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào; nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản; vì sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù chỉ là vùng đất nhỏ. Câu hỏi nêu bật ý nghĩa về hệ thống tiền tiêu của đảo và phải khẳng định được dù rất nhỏ nhưng mỗi hòn đảo đều là một phần lãnh thổ máu thịt của đất nước. Bảo vệ chủ quyền của đảo vì thế chính là khẳng định chủ quyền của nước ta ở vùng biển và thềm lục địa. Ở môn sử, các em được yêu cầu liên hệ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, khi Bộ GD&ĐT thông báo sẽ có những thay đổi cơ bản trong cách ra đề môn Ngữ văn, đã có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn và lo sợ nếu cứ ra đề văn theo cách mới thì “chỉ lo mùa thi năm nay sẽ có rất nhiều trang giấy trắng!”. Bởi trên thực tế, điểm thi tốt nghiệp chỉ phản ánh một phần nào đó năng lực của học sinh, nhưng phản ánh chính xác chất lượng dạy học.

Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: “Chỉ là cách ra đề sẽ theo hướng mở hơn, khuyến khích học sinh phát huy năng lực, sáng tạo”. Nghĩa là không phải là giảm thời gian, tăng độ khó, mà chính xác là giảm thời gian, tăng tính ứng dụng, theo nguyên tắc học đi đôi với hành. Với đề thi kiểu mới này, thầy trò sẽ có ý thức trang bị kiến thức để vận dụng ngôn ngữ theo cách riêng, với sự đơn giản, trang trọng, chính xác và có sức nặng riêng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Tại buổi họp báo sau kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đề mở thì đáp án phải mở, đáp án đóng thì đề mở không có tác dụng. Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện đáp án chấm thi môn văn và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất để các Hội đồng chấm thi làm việc. Về ý kiến cho rằng đề thi môn Ngữ văn quá khó, Thứ trưởng cho rằng: “Ngay từ đầu Bộ đã khẳng định thi tốt nghiệp không có yêu cầu quá cao với học sinh mà yêu cầu kiến thức cơ bản, nền tảng. Nhưng vẫn có những em giỏi, những em trung bình và chính phần khó đó để chúng ta phân biệt những em có năng lực cao, chất lượng học tập tốt”.

Việc đổi mới đề thi năm nay chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến quá trình dạy học, từng bước khắc phục tình trạng học tủ, mang tài liệu vào phòng thi, hạn chế dạy thêm, học thêm.

Một mình một phòng thi

Kỳ thi tốt nghiệp vừa kết thúc, song có một sự kiện khiến kỳ thi kết thúc không hề nhẹ nhàng, đó là “sự đặc biệt của những thí sinh môn Sử”, hay còn gọi là “những trường thi “trắng” môn Sử”. Một số tỉnh nổi bật gồm có: Hưng Yên có 36 hội đồng thi thì có 15 hội đồng không có thí sinh môn Sử; Sóc Trăng, Lâm Đồng mỗi tỉnh đều có 4 hội đồng trắng thí sinh Sử…

Tại Hà Nội, Hội đồng thi THPT Quang Trung, Đống Đa (Hà Nội) chỉ vỏn vẹn 1 thí sinh thi môn Sử nhưng có 18 giám thị, cán bộ phục vụ và gần 30 phóng viên túc trực phía ngoài chờ phỏng vấn. Nữ thí sinh duy nhất ở hội đồng thi này là Đinh Khánh Linh (học sinh lớp 12D1, Trường THPT Quang Trung) đã không ngờ được mình lại “nổi tiếng” đến thế khi lựa chọn thi môn Sử. Mặc dù trước buổi thi, em đã tâm sự: “ Một mình một hội đồng cũng có ít nhiều áp lực, nhưng mà mình ôn thi tốt và chuẩn bị tâm lý từ trước nên thấy rất tự tin”. Tuy nhiên, kết thúc buổi thi, học sinh này không dám ra khỏi phòng thi và đã nhờ sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ để “tránh” báo chí.

Việc xuất hiện những trường thi, điểm thi “trắng” thí sinh thi môn Sử không hề bất ngờ. Bởi trước đó báo chí đã công bố tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Sử “thấp thê thảm” với con số hơn 11%. Thế nhưng hình ảnh nữ thí sinh duy nhất tại một hội đồng thi vẫn khiến nhiều người có cảm giác xót xa - đặc biệt, khi đề Lịch sử năm nay lại đang “nóng” bởi vấn đề Biển Đông.

Trước tình trạng môn Sử bị “thất sủng” trong nhiều năm gần đây, báo chí đã phản ánh, các chuyên gia nặng lòng với lịch sử cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng chua xót: “Đăng ký dự thi phải tìm sự bảo đảm cho các em, cho nên sự lựa chọn đó có thể nói là mang tính chất thực dụng, thực tế, là điều rất chính đáng. Nhưng cũng đừng vội lấy một hai trường hợp đó để mà quy kết chuyện khác. Không phải là ham thích hay không ham thích môn lịch sử, vấn đề đầu tiên là các em thấy khó vượt qua”.

Trong đề thi Lịch sử năm nay, sự kiện nóng trên Biển Đông đã được lồng ghép để khẳng định chủ quyền dân tộc và thể hiện lòng yêu nước, sự sáng suốt của những người ra đề. Và có thể cái ý sâu xa, tốt đẹp của người ra đề là lồng một sự kiện thời sự vào kỳ thi để giáo dục lòng yêu nước thế hệ trẻ (bên cạnh nhiều ý nghĩa khác khi ra đề mở). “Vận mệnh” môn Sử có lẽ còn là một câu chuyện dài, nó không chỉ là chuyện học hành, thi cử, mà còn liên quan đến ý thức của từng cá nhân và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã thành công ở nhiều phương diện về đổi mới, đáp ứng được yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện” về việc tổ chức thi và ra đề. Thế nhưng, nếu chỉ biết nhìn vào những điều hay, điều mới, chỉ biết nhiều người vỗ tay mà bỏ qua những bất cập thì sự “cô đơn” của môn Sử, của những người nặng lòng với lịch sử vẫn chỉ là một câu chuyện buồn!

Vương Tâm

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...