Tự chủ đến đâu?

14:45 | 15/05/2023

2,295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đảng ta đang khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vấn đề là sáng tạo đến đâu? Lằn ranh giữa sáng tạo, dám làm với cố ý làm trái nhiều khi rất mong manh.

Hôm 21/4, Hội đồng xét xử, TAND TP Hà Nội, đã tuyên bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mức án ba năm tù và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án. Ông Tuấn và 11 người khác đã phạm tội nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.

Vụ án đã tạm khép lại nhưng dư luận thì chưa hết râm ran. Mới đây khi TAND huyện Hưng Nguyên, Nghệ An xử tù cô giáo Nguyễn Thị Dung, cựu giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện này mức án 5 năm vì đã “nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng” trong 6 năm, thì nhiều người lại so sánh về sự “vô lý” trong việc xét xử của hai vụ án.

Tự chủ đến đâu?
Ảnh minh họa

Vấn đề chúng tôi muốn bàn tới ở đây là, giới hạn của quyền tự chủ. Ngay từ khi bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn bị bắt đã có nhiều ý kiến cho rằng, do pháp luật chưa giới hạn cái “trần” của tự chủ. Có người bảo, khi đã giao quyền tự chủ cho bệnh viện thì người đứng đầu phải được toàn quyền quyết định chứ. Bởi cơ chế tự chủ bệnh viện công đã được triển khai thực hiện trong lĩnh vực y tế từ đầu những năm 2000.

Đổ lỗi cho chủ trương tự chủ khác nào đổ cho hạn hán, lũ lụt là tại… trời. Bởi, tự chủ là một cơ chế động và mở, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp chủ động hơn về nhân lực, tổ chức, bộ máy, tài chính, vật tư. Không riêng Bệnh viện Tim, không riêng Bạch Mai, không riêng ngành Y tế, mà các doanh nghiệp, các trường học, cơ quan báo chí, nhiều nơi đã được giao quyền tự chủ rất sớm. Như một người đang học bơi được/bị ném xuống nước. Cứ vẫy vùng, cứ uống nước sông, khắc sẽ biết bơi. Tuy nhiên, người ở trên bờ vẫn phải để mắt đến, ném cái phao ra khi người dưới sông có nguy cơ sắp chìm.

Câu hỏi đặt ra là: Tự chủ, “vạch đỏ” ở đâu? Anh bơi đến đâu thì phải quay lại? Chừng nào thì phải lên bờ? Câu hỏi tưởng như dễ mà thật khó. Những ai “an phận thủ thường”, ngại gian khổ, ngại va chạm thì thường né tránh, không muốn ôm việc vào người. Không chỉ có cán bộ lãnh đạo mà ngay cả cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp, đơn vị cũng có tư tưởng ngại ngần khi lên tiếng đấu tranh với những sai phạm của cấp trên. Bây giờ tự chủ rồi, mình khác nào kẻ làm thuê, nói ra những điều sai trái, khuất tất chẳng những không được quan tâm, cất nhắc, có khi còn mất việc. Vì “thủ thường” mà ở không ít nơi người ta bất chấp nguyên tắc, bỏ qua rất nhiều quy định. Khi đấu thầu, mua sắm, xây dựng, mặc dù được thành lập đủ các hội đồng, ban quản lý dự án, ban giám sát, với đầy đủ đại diện các tổ chức quần chúng. Nhưng nhiều khi đó chỉ là cái vỏ hình thức. Qua vụ việc của một số bệnh viện thấy rằng, khi mua sắm trang thiết bị y tế, các đơn vị này đã không tham khảo giá thị trường, bỏ qua việc trực tiếp thực hiện giao dịch với đơn vị nhập khẩu, mà qua khâu trung gian, khiến cho giá đội lên nhiều lần. Chính cái khâu trung gian này là kẽ hở để con voi chui lọt lỗ kim, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, cần phải mua sắm khẩn cấp.

Đảng ta đang khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vấn đề là sáng tạo đến đâu? Lằn ranh giữa sáng tạo, dám làm với cố ý làm trái nhiều khi không dễ phân biệt. Chúng ta đều biết, dù liên tục được bổ sung, sửa đổi, nhưng hệ thống pháp luật hiện hành có những điểm còn bất cập, còn có kẽ hở. Có trường hợp áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, áp dụng luật khác thì lại là... sai, thời điểm này đúng, thời điểm khác lại sai. Sẽ rất nguy hại nếu có tình trạng “lợi ích nhóm”, tham nhũng chính sách trong công tác xây dựng thể chế. Nếu công tác xây dựng pháp luật bị chi phối bởi các nhóm lợi ích “sân sau”, sẽ tác động đến kiến trúc thượng tầng, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội, tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống. Vì vậy, rất cần một cơ chế khoa học, sát thực tiễn để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực. Hiện Bộ Nội vụ cùng các ngành liên quan đang soạn thảo, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thế nhưng không thể cứ ngồi chờ một hệ thống luật pháp hoàn hảo. Từ thế kỷ XIX, chính trị gia người Đức Otto von Bismarsk (1815-1889) đã nói: “Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là có luật hoàn hảo mà quan chức bất lương”. Chúng ta đã có nhiều bài học ở các đơn vị xảy ra sai phạm, trước đó đều được đánh giá là nội bộ đoàn kết, thống nhất. Vậy mà khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực, giậu đổ bìm leo, vỡ lở biết bao nhiêu chuyện. Như vậy, nguyên nhân chính vẫn là do bệnh dân chủ hình thức mà ra. Mặc dù đã có cơ chế đấu thầu, cơ chế kiểm tra, giám sát, phối hợp, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ về nhân sự, tài chính, đầu tư công… rất dễ trở nên hình thức. Khi đó các cánh tay giơ lên cũng chỉ cốt hợp thức hóa ý đồ cấp trên mà thôi.

Người xưa nói: Nghe thiên lệch thì thành họa, chuyên quyền, độc đoán thì thành loạn. Vì vậy, phải có dân chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo với sự ràng buộc của pháp luật và những quy định cụ thể? Cùng với đó là tinh thần tự giác, tự trọng rất cao. Có nhiều việc không chỉ đặt câu hỏi được hay không được làm, mà còn là nên hay không nên nữa. Nên nghiêng về phía đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và cả sự nhạy cảm của người cầm cân nảy mực. Điều này Đảng ta đã có quy định rất cụ thể về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là câu chuyện không bao giờ cũ, không bao giờ có giới hạn.

Hải Đường