Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn "đói" vốn

06:55 | 10/04/2017

1,448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 41% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho 78% lao động… Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới đây của Nhóm làm việc Hỗ trợ DNVVN thuộc Chương trình Sáng kiến chung Nhật Việt - Giai đoạn VI, DNVVN ở Việt Nam hiện đang gặp phải rất nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề về vốn. Vì thiếu vốn nên DNVVN có muốn “lớn” cũng khó vì nguồn lực không có hoặc rất hạn chế.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Theo nhóm nghiên cứu, vốn của hầu hết DNVVN là do người chủ đóng góp nên không đủ vốn đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, đầu tư thiết bị. Tỷ suất lợi nhuận thấp nên những người có tiền không đầu tư vào các ngành này mà lại có xu hướng đầu tư nhiều vào những ngành như bất động sản hoặc các ngành dịch vụ có lợi nhuận cao như du lịch, giải trí, giáo dục… Điều này dẫn đến thực tế, hoạt động đầu tư ở Việt Nam đang thiên lệch về các lĩnh vực phi chế tạo, có thời gian đầu tư ngắn mà thu hồi vốn nhanh, không thể nâng cao nền tảng sản xuất của quốc gia. Ngành chế tạo vì thế phải dựa vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh công nghiệp của quốc gia.

Cũng vì thiếu vốn nên DNVVN cũng không thể đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, đổi mới trang thiết bị, nên không thể nhận được các đơn đặt hàng do vấn đề về chất lượng sản phẩm, tuyển dụng nhân lực cần thiết, năng lực sản xuất. Đồng thời do bị hạn chế về khả năng phát triển cho nên không thể vượt qua vòng lẩn quẩn này. Đặc biệt là do thiếu vốn nên khả năng gánh chịu rủi ro của DNVVN thấp, họ sẽ gặp phải nhiều vấn đề khi chính sách hoặc môi trường vĩ mô thay đổi đột ngột.

doanh nghiep vua va nho van doi von
DNVVN cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, giới kinh doanh bất động sản đang gián tiếp được hưởng các nguồn vốn từ Nhà nước. Ngành này được tập trung vốn hơn các ngành khác nên kết quả là vốn đầu tư xã hội cho ngành sản xuất bị giảm đi. Do đó gây cản trở đến việc xây dựng nền móng cho ngành sản xuất, về toàn thể làm tăng chi phí, giảm năng suất của ngành sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài thì Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

DNVVN thiếu vốn, cần vốn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... nhưng theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu lại cho thấy, việc tiếp cận các nguồn lực tài chính đối với những doanh nghiệp này là vô cùng khó khăn. Và nguyên nhân của việc này là nhiều DNVVN không có tài sản đảm bảo; năng lực kinh doanh hạn chế; máy móc thiết bị cũ nên khó dùng để làm tài sản đảm bảo… Trong khi đó, từ góc độ lợi nhuận thì ngân hàng cũng không mấy mặn mà với việc cho DNVVN vay vốn. Bởi lợi nhuận trên 1 giao dịch với DNVVN thấp, trong khi rủi ro trong quá trình hướng dẫn hồ sơ vay, xử lý hồ sơ, quản lý tài sản đảm bảo, quản lý nợ cao nên cần thêm nhân viên xử lý, so với doanh nghiệp lớn thì chi phí cao hơn hẳn, về khía cạnh kinh doanh thì không hấp dẫn. Đặc biệt là nhiều trường hợp DNVVN không lập được cả hồ sơ đi vay, nên làm tăng chi phí của ngân hàng.

Ngoài ra, có cả những DNVVN không trả nợ đầy đủ, cho nên ngân hàng chú trọng vào các tài sản đảm bảo theo thứ tự là đất đai, nhà cửa, thiết bị, hàng tồn kho. Tuy nhiên, việc quản lý tài sản đảm bảo là về mặt giấy tờ, cho nên doanh nghiệp có thể bán mất tài sản đảm bảo, rủi ro cho các khoản vay vì thế cũng cao hơn.

“Hệ quả của việc này là nhiều DNVVN đã phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao. Và dù có trả được nợ nhưng doanh nghiệp không còn lợi nhuận nên ảnh hưởng xấu, lớn đến hoạt động của doanh nghiệp” - nhóm nghiên cứu nhận định.

Nguồn lực nào cho phát triển?

Như đã đề cập ở trên, DNVVN gặp vô vàn khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn vay. Vậy nên, dù nhiều DNVVN muốn “lớn” để mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường… là điều không dễ. Từ thực tế đó, nhóm làm việc Hỗ trợ DNVVN cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy ý muốn đầu tư vào ngành sản xuất thay cho bất động sản, chuyển các nguồn lực hỗ trợ thị trường bất động sản sang quỹ hỗ trợ DNVVN nhằm nâng cao vốn cho vay đối với DNVVN.

Thứ nữa, cần đưa vào sách giáo khoa cho học sinh từ khi còn nhỏ các nội dung đơn giản, thích hợp về thương mại, kinh tế (dòng luân chuyển của hàng hóa, dòng sản xuất, hoạt động thương mại quốc tế, hoạt động công ty, quản lý tài chính cá nhân, v.v…). Xây dựng các khóa về khởi nghiệp, sáng tạo ở các trường đại học. Thông qua việc nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp để có nhiều người khởi nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực của thế hệ quản lý DNVVN kế tiếp, để dễ dàng áp dụng các cách thức kinh doanh, quản trị hiện đại. Có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập từ đầu tư vào DNVVN để thúc đẩy đầu tư. Hơn nữa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNVVN để nâng cao tỷ lệ lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

Và một điều quan trọng, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh, cụ thể là các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật của nhân viên kế toán và những cán bộ phụ trách thuế, thực thi không triệt để Luật Kế toán, Luật Thuế và các phí hành chính, thuế… Mà để làm được điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng, Chính phủ cần đặt ra các quy định, hình phạt nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật của kế toán viên và các cán bộ phụ trách thuế. Hơn nữa, cần thực hiện triệt để đơn giản hóa, minh bạch hóa, xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho các thủ tục hành chính. Từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng đòi hối lộ của cán bộ phụ trách.

Dưới một góc độ khác, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề xuất, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, các ngân hàng cần nhìn thấu đáo để đánh giá đúng độ tin cậy, tín nhiệm của các doanh nghiệp và các dự án để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp cũng như chính mình. Đồng thời, cải tiến, chuyên biệt hóa hệ thống chăm sóc, thẩm định khách hàng là DNVVN để tiết giảm chi phí giao dịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc các ngân hàng tăng dư nợ cho vay DNVVN. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã áp dụng quy định bắt buộc như Ấn Độ dành tối thiểu 7% trong dư nợ tín dụng cho DNVVN, Philippines dành 10% hay Indonesia dành tối thiểu 20%…

TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI kiến nghị thêm: Rất nhiều DNVVN khó có được kế hoạch kinh doanh bài bản, để được ngân hàng chấp nhận cho vay tín chấp, do không có đủ năng lực và điều kiện để tìm hiểu thị trường, cũng như đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần tập trung phát triển hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp cũng như hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Hà Lê

Giá vàng

Tỉ giá