"Đề xuất bầu cử có số dư, thi tuyển cán bộ ở các huyện xã sắp sáp nhập"

08:48 | 11/08/2018

391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Lê Thanh Vân đề xuất xây dựng bộ tiêu chí nhận diện năng lực cán bộ địa phương để bầu cử, thi tuyển lãnh đạo cấp huyện và cấp xã.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Theo Đề án, trong 3 năm tới sẽ có khoảng 18 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập, thu gọn để đáp ứng được các quy định hiện hành.

Lãnh đạo một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh..., cho hay việc sắp xếp lại các huyện, xã sẽ khiến cán bộ "dôi dư rất nhiều"; đơn cử trường hợp ba đơn vị nhập lại làm một thì sẽ thừa ra hai bí thư, hai chủ tịch. Chính vì vậy, vừa qua ở Trung ương đang hoàn thiện Đề án thì dưới địa phương đã có "hiện tượng chạy chọt".

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, cùng với sắp xếp lại đợn vị hành chính là bố trí cán bộ và việc này "rất đau đầu, làm không thận trọng sẽ nảy sinh mâu thuẫn”.

"Khi sáp nhập thì câu chuyện đặt ra là ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai ra đi? Chúng ta có chấp nhận sáp nhập nhưng giữ nguyên cán bộ từ các đơn vị cũ dồn về hay không? Lúc đó một xã có thể lên đến 10 cấp phó. Nên tạo cơ hội cho cán bộ trẻ có năng lực hay cảm thông với người nhiều tuổi sắp về hưu?”, ông Dĩnh nêu vấn đề.

de xuat bau cu co so du thi tuyen can bo o cac huyen xa sap sap nhap
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VT.

Trước thực tế trên, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí nhận diện năng lực cán bộ địa phương. Nội dung tiêu chí như thế nào thì các tỉnh, thành sẽ căn cứ vào đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, lấy hiệu quả công việc của cán bộ trong cả quá trình làm một trong những "thước đo" để đánh giá.

Ông lý giải, sau khi sáp nhập thì các xã, huyện sẽ có diện mạo, quy mô mới, cấp trên dựa trên bộ tiêu chí này để quy hoạch, chọn lựa lãnh đạo, cán bộ cho chính quyền mới. Cụ thể, với chức vụ bầu cử như chủ tịch huyện, chủ tịch xã thì đưa ra nhiều ứng viên để đại biểu HĐND lựa chọn, bầu cử có số dư, mỗi ứng viên phải có chương trình hành động của mình; với chức vụ bổ nhiệm (các phòng ban chuyên môn) thì thi tuyển.

"Đây là cách giải quyết khách quan, công tâm nhất bài toán dôi dư cán bộ sau khi sáp nhập huyện, xã. Trường hợp cần điều chỉnh quy định hiện hành để thí điểm cách chọn lựa cán bộ như trên thì Bộ Nội vụ sớm đề xuất với cấp có thẩm quyền", ông Vân nói.

Theo đại biểu này, việc đưa ra nhiều ứng viên để bầu chọn cũng như thi tuyển là cơ hội để hình thành bộ khung cán bộ chất lượng hơn. "Anh không thể nói đang là chủ tịch, bí thư huyện, xã cũ nên sau khi sáp nhập cũng phải được giữ chức vụ tương đương”, ông nhấn mạnh.

de xuat bau cu co so du thi tuyen can bo o cac huyen xa sap sap nhap
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: QH.

Sáp nhập “cưỡng bức” sẽ xung đột

Ngoài vấn đề sắp xếp cán bộ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh và Lê Thanh Vân cùng cho rằng việc sáp nhập các huyện, xã không nên máy móc chỉ căn cứ vào diện tích, dân số.

“Không thể bỏ qua văn hoá làng xã khi sáp nhập, bởi đây là điểm nhấn quan trọng mang tính đặc trưng của mỗi đơn vị hành chính. Văn hoá làng xã kết nối khăng khít giữa các cộng đồng dân cư hình thành diện mạo xã, huyện”, ông Vân nói.

Theo ông, ở nhiều nơi, các đơn vị hành chính chỉ cách nhau một con sông nhưng văn hoá, tôn giáo của hai cộng đồng dân cư hoàn toàn khác nhau, nếu sáp nhập “cưỡng bức” thì sẽ xảy ra xung đột.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nói, ban soạn thảo Đề án nên đánh giá lại hiện trạng toàn bộ các đơn vị hành chính cấp huyện, xã xem "nhập vào, tách ra trong suốt mấy chục năm qua ra sao"; từ đó đề ra giải pháp cụ thể cho từng đơn vị. “Với những quận đặc thù ở Hà Nội như Ba Đình, Hòan Kiếm..., thừa chỉ tiêu dân số nhưng không đủ diện tích thì phải xem là trường hợp đặc biệt”, ông Dĩnh đề xuất.

Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VFPR) cũng cảnh báo, tiêu chí dân số và diện tích là cần thiết, nhưng tránh “máy móc” bởi mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. “Thay đổi địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sở tại, vì vậy việc lấy ý kiến cử tri trước khi thực hiện cần được thực hiện nghiêm túc”, ông Giang nêu vấn đề.

Ngoài ra, theo ông Giang, để đảm bảo yêu cầu ổn định các đơn vị hành chính, thì một Đề án sắp xếp lại là chưa đủ. Nhà nước cần có những thay đổi trong mô hình quản trị, thay đổi cách phân bổ nguồn lực thay vì hướng vào đơn vị hành chính là phân bổ theo đầu người, hoặc phân bổ theo kết quả đầu ra...

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 30 năm (1986-2016), cả nước tăng thêm 277 huyện và 1.505 xã. Bình quân mỗi năm Việt Nam tăng thêm 9 huyện và 50 xã. Giai đoạn 1975-1986, với chủ trương xây dựng nền kinh tế tập trung, kế hoạch hoá nên nhiều huyện, xã được sáp nhập lại, chủ yếu dựa trên tiêu chí kinh tế.

Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận là từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.

Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Đối chiếu theo quy định trên, hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khoảng 18 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. Các huyện, xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn sẽ được sắp xếp trước.

Theo VnExpress

de xuat bau cu co so du thi tuyen can bo o cac huyen xa sap sap nhap

Tuyển dụng và bằng cấp

"Phong trào” thi tuyển cán bộ từ nhân viên, trưởng phó phòng, chánh phó giám đốc sở và cao nhất là Tổng cục trưởng đang được dư luận quan tâm đặc biệt, vì nhờ động thái này bộ máy của chúng ta sẽ tránh được nạn “cán bộ cắp ô” hiện đang chiếm tới 30% công chức.

de xuat bau cu co so du thi tuyen can bo o cac huyen xa sap sap nhap

Muốn làm "quan" phải thi

(Petrotimes) - Quảng Ninh có thể sẽ trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở trong các cuộc thi cạnh tranh thực sự.