Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015: Rối vẫn hoàn rối!

06:00 | 10/05/2014

2,089 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề án cải cách giáo dục mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra về tính khả thi của đề án khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa phải đính chính gói kinh phí khổng lồ hơn 34.000 tỉ đồng không có trong dự án. Có lẽ, chỉ khi Bộ GD&ĐT bớt “ông nói gà, bà nói vịt” trong quyết sách và lắng nghe ý kiến của xã hội thì mới mong giáo dục thật sự được “đổi mới căn bản và toàn diện”.

Năng lượng Mới số 319

Trình báo vượt cấp

Sáng 14/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: “Để thực hiện đề án này cần bao nhiêu tiền?”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng dự kiến đề án cải cách giáo dục sẽ cần khoảng 34.725 tỉ đồng và chương trình SGK sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030 và chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu. Thông tin này của ông Hiển ngay lập tức “vấp” phải sự phản ứng mạnh mẽ của rất nhiều đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp.

Ngay sau đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo đổi mới chương trình, SGK lại phân trần: “Con số hơn 34.000 tỉ đồng này mới chỉ là khái toán, mới chỉ là con số tạm hình dung, phải qua thẩm định của Bộ Tài chính, thẩm tra của Quốc hội mới có con số cuối cùng. Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ là bước đầu, còn nhiều bước nữa. Có thể coi đây là buổi bảo vệ thử luận án, chúng tôi sẽ bảo vệ chính thức trước Quốc hội vào tháng 5”. Diễn giải về chi tiết khái toán cho từng đầu việc, ông Thống cho biết, “trong 34.275 tỉ đồng có đến 7-8 đầu việc” và Ban Soạn thảo Đề án có tính cho từng mục, nhưng ông “không nhớ chính xác”. Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Tên của đề án làm cho nhiều người hiểu nhầm. Viết chương trình, SGK chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh này, nói con số chính xác là cực kỳ khó khăn”.

Việc xây dựng chương trình, SGK là việc lớn, việc nghiêm túc, quyết định phần lớn chất lượng giáo dục phổ thông. Thế nhưng, việc “rất nghiêm túc” ấy lại đang được Bộ GD&ĐT thực hiện bằng một cách làm “thiếu nghiêm túc”. Chỉ trong vài ngày, các chuyên gia và lãnh đạo Bộ đưa ra quá nhiều con số kinh phí về đề án đổi mới chương trình, SGK đang thể hiện sự “bất nhất” trong những quyết sách của ngành giáo dục. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã bình luận: “Khái toán là từ mù mờ. Một việc quan trọng với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ, được lấy từ tiền thuế của dân mà “khái toán” thì không thể chấp nhận được”. GS Hoàng Tụy cũng chia sẻ: “Tôi thật sự sốc khi nghe tin Bộ GD&ĐT báo cáo UBTVQH cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn. Tôi hy vọng nghe nhầm con số, chứ 34.000 tỉ đồng là trên dưới 1,5 tỉ USD, một số tiền khổng lồ, vượt quá nghìn lần con số tôi có thể nghĩ tới”.

Trước phản ứng của dư luận xã hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam tối 16/4, đã cho biết số tiền “nghìn tỉ” này “tuy lớn với nước ta nhưng không lớn so với thế giới” và “chắc chắn chất lượng lần đổi mới này sẽ tốt”. Thế nhưng chỉ sau 4 ngày, đến 20/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lại xuất hiện trên VTV để nhận lỗi và phủ nhận toàn bộ con số nói trên, khẳng định rằng 34.000 tỉ đồng không có trong Tờ trình và những hồ sơ liên quan để trình UBTVQH. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc và cho biết rằng, về biên soạn chương trình - SGK, nhóm chuyên gia đề xuất kinh phí trên 100 tỉ đồng.

Trước thông tin về kinh phí “khái toán” và giải thích của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung đề án cho rằng: “Thứ nhất, tờ trình của Chính phủ không có nội dung về tiền nong, Thứ trưởng được ủy quyền thay mặt Chính phủ báo cáo về nội dung thì lẽ ra chỉ báo cáo những gì được phân công. Thứ hai, nếu Thứ trưởng dẫn ra con số đó thì phải nói rõ đó là con số do các chuyên gia nghiên cứu đưa ra, vì nó hoàn toàn chưa được Chính phủ cho ý kiến và thẩm định. Thứ ba, nếu đưa ra thì phải nói rõ số tiền đó dùng để làm gì, công khai, minh bạch để dân hiểu. Bởi vậy, với một kinh phí lớn như thế, chưa được Chính phủ cho ý kiến mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra báo cáo tại UBTVQH cho ý kiến là điều không thể chấp nhận được”.

Thiếu lắng nghe tư vấn phản biện

Kể từ năm 1945 đến nay, nước ta đã có 5 lần thiết kế lại chương trình, SGK. Trong 5 lần đó thì 3 lần đầu (1945, 1955, 1975), chương trình, SGK được làm tập trung, triển khai đồng bộ cho tất cả các lớp ở bậc phổ thông, thời gian biên soạn ngắn và kinh phí hầu như không đáng kể. Hai lần thay đổi chương trình, SGK sau (1981, 2002) làm theo một cách khác là cắt khúc, thay dần. Kinh phí biên soạn ngày càng tăng và sau mỗi lần thay sách thì sự thất vọng của xã hội về SGK càng tăng lên. Ở đề án này, chúng ta lại tiếp tục làm chương trình, SGK theo cách ấy. Có lẽ, nếu vẫn tổ chức cũ, vẫn con người cũ và vẫn thực thi cách làm không mới thì sẽ rơi vào vết xe đổ như những lần trước.

Cách đây gần 3 năm, tháng 6/2011, trong buổi góp ý kiến cho Đề án “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015” của Bộ GD&ĐT, các nhà khoa học có mặt đều bày tỏ sự ngạc nhiên về con số dự toán kinh phí 70.000 tỉ đồng của đề án. Một vị giáo sư nói rằng, càng ngẫm ông càng băn khoăn, e rằng cách làm không bình thường này lại có vẻ như thông thường của Bộ GD&ĐT, rằng sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân, sự thiếu minh bạch về tài chính vẫn tiếp diễn...

GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng: “10 năm qua, rất nhiều nhà khoa học, đều khẳng định, tiền làm chương trình, SGK chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng là được. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, Bộ GD&ĐT chưa từng cử người đến gặp chúng tôi để làm việc. Chúng tôi có cảm giác mình nói chỉ để cho mình nghe. Tại sao chúng ta không thừa hưởng luôn kho tàng trí tuệ của nhân loại? Người ta nói biên soạn SGK chứ không nói là sáng tác SGK. Chữ biên soạn - có nghĩa là thu thập tài liệu, sắp xếp cấu trúc lại thành sách. Chân lý khoa học thì chỉ có một”.

Đề án cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT đang rối bời và khiến xã hội, dư luận mất lòng tin vào những quyết sách của mình, dù chỉ là “bảo vệ thử”. Lý do của sự “thất bại” này đã rõ, đó chính là sự thiếu quan tâm tới đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước có nhiệt huyết, có kinh nghiệm, có trách nhiệm và từng tham gia vấn đề này; đồng thời không có sự lắng nghe đúng đắn với những ý kiến phản biện của xã hội và báo chí, truyền thông.

Có lẽ đã đến lúc Bộ GD&ĐT không thể kéo dài hơn nữa tình trạng “bịt tai” trước những tư vấn phản biện của các chuyên gia và những người nặng lòng với giáo dục, có như vậy, những Đề án lớn như “Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015” mới thực sự “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” và là một “trận đánh lớn”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Chúng ta có ít tiền, nhưng ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm, ít tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ hỏng hơn”.

Vương Tâm

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...