Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác nguồn lợi thủy sản

15:45 | 14/11/2011

569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ngày 14/11, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ra nước ngoài, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong khai thác nguồn lợi thủy sản với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động khai thác đánh bắt hải sản ở vùng biển Phú Yên

Ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Ngành thủy sản nước ta đang có sự mất cân đối lớn, số lượng tàu thuyền ngày một gia tăng với gần 130.000 tàu cá các loại nhưng ngư trường khai thác hầu như chưa được mở rộng. Việc quản lý hoạt động khai thác trên biển còn nhiều bất cập; công nghệ, phương thức khai thác lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường. Đáng lo ngại hơn là tình trạng mất cân bằng giữa đánh bắt và nguồn lợi thủy hải sản. Việc khai thác đánh bắt quá mức không chỉ dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn lợi hải sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của các loại nghề biển.

Tại Hội thảo các doanh nghiệp đã được giới thiệu về Luật thủy sản của các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường sự hiểu biết của doanh nghiệp với những quy định trong lĩnh vực thủy sản ở các nước, tránh các trường hợp khai thác bất hợp pháp vi phạm quyền lợi thủy sản của các nước khi đưa tàu cá đi khai thác ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản, thời gian qua, tình hình tàu thuyền của ngư dân nước ta bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ngày càng gia tăng, một số vụ việc nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của ngư dân; đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Năm 2011, có trên 100 vụ ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ở các nước trong khu vực. Đáng chú ý, gần đây vấn đề tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc vô cớ bắt giữ, xử phạt, đối xử thô bạo diễn ra hết sức phức tạp.

Để khắc phục tình trạng trên Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có việc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung đẩy mạnh công tác đàm phán để ký các hiệp định, các thỏa thuận hợp tác nghề cá với các nước nhằm thống nhất với các nước về quy chế giải quyết các vụ bắt giữ ngư dân và tàu cá; thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan quản lý nghề cá để đảm bảo các vụ việc được giải quyết nhanh chóng trên tinh thần hữu nghị hợp tác giữa các nước.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức đàm phán, ký kết các thỏa thuận, các hiệp định trong lĩnh vực thủy sản với Campuchia và Malaysia; tăng cường tổ chức đàm phán, ký kết, tham gia các hiệp định quốc tế và gia nhập các tổ chức nghề cá của khu vực và thế giới để củng cố và nâng cao vị thế của ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam đang tích cực tham gia và thực hiện việc tuân thủ các quy định quốc tế trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các hoạt động này cũng sẽ có tác động tích cực và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam và tiến đến tương lai đưa tàu cá Việt Nam ra khai thác tại vùng biển quốc tế.

Mai Phương