Cuộc khủng hoảng Venezuela đang ở đâu?

09:37 | 03/06/2016

1,411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đang đứng trước thách thức lớn. Chính phủ và đối lập gián tiếp đàm phán thông qua trung gian quốc tế. Tuy nhiên, nếu đối thoại bất thành, Venezuela khó tránh được thảm họa trong những ngày tới.
tin nhap 20160603093513
Tổng thống Venezuela Maduro và Tổng thư ký OAS Luis Almagro

Ngày 2/6, trong một cuộc họp kéo dài suốt 10 tiếng tại Washington, Mỹ, 34 quốc gia thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã thông qua tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Venezuela và phe đối lập đối thoại hòa giải.

Tuyên bố khẳng định ủng hộ đàm phán và đối thoại giữa các bên ở Venezuela nhằm giải quyết nhanh chóng và hiệu quả những bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và nhân quyền. OAS cũng nêu rõ chính phủ, tất cả các phe phái chính trị và các tổ chức xã hội cần đảm bảo hòa bình và an ninh Venezuela, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng chủ quyền của quốc gia Nam Mỹ. Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez cho rằng đây là thắng lợi của Caracas và bày tỏ sự cảm ơn tới các nước ở khu vực đã ủng hộ nền dân chủ và chủ quyền quốc gia của nước này.

Cuộc họp của OAS diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thư ký tổ chức này Luis Almagro triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Thường trực vào giữa tháng này để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela và xem xét bỏ phiếu áp dụng Hiến chương dân chủ của OAS đối với Caracas. Tuy nhiên, tại cuộc họp không có ông Almagro tham dự, nhiều quốc gia Ecuador, Nicaragua, Venezuela, Dominica và Jamaica đã chỉ trích thái độ chống Chính phủ Venezuela của người đứng đầu OAS.

Trong phiên họp được dự kiến tiến hành trong khoảng thời gian từ 10 đến 20/6, nếu 2/3 trong số 34 nước bỏ phiếu thông qua việc áp dụng Hiến chương dân chủ với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị treo tư cách thành viên. Cho tới nay, OAS mới chỉ một lần trục xuất Cuba vào năm 1962 dưới sự vận động của Mỹ. Năm 2009, OAS đã tuyên bố tái kết nạp lại Cuba nhưng La Habana từ chối tái gia nhập tổ chức khu vực lâu đời và nhiều thành viên nhất châu Mỹ này vì cho rằng đây vẫn là công cụ của Mỹ.

Tuyên bố của OAS là nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế trong việc tìm giải pháp hòa bình cho Venezuela. Trước đó, ngày 29/5, các đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập đã có những cuộc thảo luận riêng rẽ với ba nhà trung gian hòa giải nước ngoài tại nước Cộng hòa Dominica nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay tại Venezuela. Theo nhà tổ chức, các cuộc họp trên diễn ra trong khuôn khổ Liên minh Các Quốc Gia Nam Mỹ (Unasur).

Hãng tin AFP ngày 29/5 trích thông cáo của Tổng thư ký khối Unasur, cho biết hai bên đã làm việc riêng rẽ với cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, Tổng thống Dominica Leonel Fernandez và Tổng thống Panama Martin Torijos. Mục đích là để nghiên cứu bối cảnh tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia giữa một bên là đại diện chính phủ Venezuela và bên kia là phe đối lập mà đại diện là các đảng thuộc Liên minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ (MUD).

Trước đó, ba nhà trung gian đã đến thủ đô Caracas để làm việc với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phe đối lập, chiếm đa số tại Nghị viện. Phe đối lập MUD muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bãi chức Tổng thống Maduro, người kế nhiệm Tổng thống Hugo Chavez và giữ nhiệm kỳ đến năm 2019.

Về phần mình, trong một bản thông cáo, phe đối lập MUD đã liệt kê những điều kiện để tham gia đối thoại với phía tổng thổng với mục đích “tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Ngoài điều kiện tổ chức trưng cầu dân ý, còn phải kể đến yêu cầu trả tự do cho các nhà đối lập bị bắt trong thời gian diễn ra khủng hoảng, chấm dứt “việc trấn áp chính trị” và “chấp nhận hàng cứu trợ của quốc tế về dược phẩm, lương thực để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo”. Cuối cùng là yêu cầu “tìm ra được những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng do tình trạng tham nhũng và do mô hình kinh tế chỉ gây ra nghèo đói”.

Theo giới chuyên gia, nếu đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela không thành công thì nước này khó tránh được thảm họa trong những tuần lễ tới.

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn trên thế giới song hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu giảm. Từ năm 2013, đất nước bị thiếu lương thực-thực phẩm và thuốc men. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới: 180,9% vào năm 2015 và có thể lên tới 700% theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI). Tuy nhiên, đây vẫn là số liệu lạc quan bởi theo những nhà phân tích kinh tế, tỷ lệ này thậm chí sẽ cao tới mức 1.200%. Tiền mất giá khiến giá hàng hóa ở thị trường chợ đen lên mức “cắt cổ”. Một chục trứng hiện nay được bán với giá 1.500 bolivar (khoảng 150 USD).

Khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Venezuela cho rằng, tình cảnh người dân quốc gia này đang phải chịu đựng là hậu quả của cuộc “chiến tranh kinh tế” liên quan tới chính phủ Mỹ.

Đại sứ Venezuela tại OAS Bernardo Álvarez nhấn mạnh Caracas sẽ không cho phép các nhóm phản động trong và ngoài nước gây bất ổn tình hình đất nước. Tổng thống Maduro quy cho CIA âm mưu khuynh đảo. Ngoại trưởng Venezuela, bà Delsey Rodriguez hôm 1/6 cho biết quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ về sự can thiệp quân sự có thể xảy ra từ phía Tổ chức OAS và Mỹ.

Hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng Venezuela đang gánh hậu quả của những năm quản lý kinh tế yếu kém, gồm cả sự phụ thuộc quá nhiều vào giá dầu. Ngày 2/6, Bộ trưởng Dầu khí và Khoáng sản Venezuela Eulogio Del Pino cho biết sẽ đề xuất giải pháp mới nhằm bình ổn sản lượng dầu thế giới tại cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra vào ngày 5/6 tới tại Vienna, Áo. 

Th.Long

Tổng hợp