Chuyển đổi sang thế giới số: Yêu cầu cấp thiết trong quản trị doanh nghiệp thời 4.0

06:57 | 02/08/2018

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là nhận định của ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam tại buổi tọa đàm “Cách mạng Công nghiệp 4.0: Ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành”, do Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 31/7, tại Hà Nội.
chuyen doi sang the gioi so yeu cau cap thiet trong quan tri doanh nghiep thoi 40

Giáo sư Ray Webster giới thiệu thông tin tuyển sinh về hai chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành

Công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự hội tụ của công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến ứng dụng vào sản xuất. Ưu điểm đặc biệt của Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất cả quy trình sản xuất đều được tự động hóa một cách toàn diện. Thời đại sản xuất hàng loạt bị thay thế bởi việc sản xuất từng sản phẩm đơn chiếc theo từng nhu cầu cụ thể từ khách hàng với mức giá thấp hơn nhờ cắt giảm được chi phí sản xuất.

Nói về vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, ông Phạm Thế Trường, khẳng định: “Chuyển đổi sang thế giới số là yêu cầu cấp thiết trong quản trị doanh nghiệp thời 4.0”.

Trong bối cảnh hiện nay, với 7/10 công ty lớn nhất trên thế giới là các công ty công nghệ, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng gia nhập làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện đại hóa và tự động hóa trên nền tảng công nghệ thông tin được áp dụng cho nhiều công đoạn và xuyên suốt trong chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. “Không còn là thời đại “cá lớn nuốt cá bé”, mà giờ là “cá nhanh nuốt cá chậm” - ông Trường Nhận định.

Ông Phạm Thế Trường cũng khái quát các biểu hiện của kỷ nguyên số, đó là sự phát triển các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, big data, điện toán đám mây, và số hóa. Doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 trong quản trị và điều hành tại nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất hiện nay là một hệ sinh thái số trên nền tảng các chức năng của doanh nghiệp, qua đó tạo ra giá trị theo một cách thức hoàn toàn đổi mới.

Chuyển đổi sang thế giới số được thực hiện trên 4 trụ cột, gồm sự gắn kết với khách hàng, nâng cao năng lực nhân viên, sự tối ưu các hoạt động vận hành của doanh nghiệp và sự thay đổi sản phẩm và dịch vụ theo hướng thông minh hơn, kết nối tốt hơn với người dùng. Những cách thức để đạt tới các mục tiêu trên bao gồm các giải pháp trong ứng dụng kinh doanh, hiện đại hóa nơi làm việc, ứng dụng số liệu và trí tuệ nhân tạo, bảo mật trên mạng và nhận dạng danh tính.

Theo ông Trường, để chuyển đổi sang thế giới số, doanh nghiệp cần hội tụ đủ 3 yếu tố, gồm tiếp cận số - đến từ tầm nhìn của nhà lãnh đạo và kế hoạch chuyển đổi tổng thể; nền tảng số - cơ sở hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp, và văn hóa số - thể hiện qua cam kết của ban giám đốc, định hướng tăng trưởng, sự linh hoạt của doanh nghiệp, sự hợp tác đa lĩnh vực, khuyến khích đổi mới sáng tạo… Mỗi công ty đều là một công ty công nghệ, do đó, với một tầm nhìn và kế hoạch chi tiết cùng sự giám sát thực thi chặt chẽ, doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi sang thế giới số.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Hà Linh, CEO Hệ thống nhà hàng Thái Koh Yam, đồng sở hữu 4 cửa hàng Café Cộng, trong Top 30 người trẻ thành đạt tại Việt Nam do Forbes bình chọn năm 2016 đã chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp của mình, và nêu lên những băn khoăn mà một doanh nghiệp vừa và nhỏ hay gặp phải trong thời đại 4.0 ngày nay: trong điều kiện nguồn lực vốn và con người giới hạn, thì ứng dụng công nghệ 4.0 đến đâu là đủ hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Lê Bá Ngọc, bác sĩ Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai; đồng sáng lập Phòng khám đa khoa VIP12 chia sẻ trải nghiệm của mình khi ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc vận hành một phòng khám tư có uy tín. Các diễn giả cùng tham gia trả lời các câu hỏi của khán giả về các vấn đề liên quan đến công nghệ 4.0 từ trải nghiệm và quan điểm của bản thân.

Nhân dịp này, giáo sư Ray Webster của Viện Đào tạo quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng giới thiệu thông tin tuyển sinh về hai chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, bao gồm chương trình thạc sĩ quản trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh cao cấp.

Đây là một phần trong chuỗi hoạt động của Viện Đào tạo quốc tế dành cho những nhà quản lý hoặc các bạn trẻ có tiềm năng quản lý trong doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Hai chương trình cao học quốc tế mới do Đại học Kinh tế quốc dân hợp tác với các trường đại học Đức và Canada, có nội dung cập nhật với thời đại, đặc biệt thể hiện trong những môn học độc quyền về việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Báo Công thương