Giá trị mới từ chuyển đổi số

09:27 | 02/06/2023

911 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, môi trường kinh doanh đã thay đổi rất nhiều tác động đến hoạt động quản lý điều hành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tăng tốc, chuyển đổi số ngày càng thực chất, hiệu quả. Đây không chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà đã đi vào các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ gia đình.

Giá trị mới từ chuyển đổi số

Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Thường trực công ty CP MISA cho biết: trên khung chuyển đổi số đã được xây dựng cho doanh nghiệp ở từng quy mô, lĩnh vực. Căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như trọng tâm hoạt động, doanh nghiệp cần đến đâu, có thể lựa chọn phần mềm, giải pháp chuyển đổi số tới đó.

- Là nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về các vấn đề doanh nghiệp SME đang gặp phải?

Những năm gần đây, môi trường kinh doanh đã thay đổi rất nhiều tác động đến hoạt động quản lý điều hành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình, “giao tiếp” giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến; kênh bán hàng được mở rộng, trong đó các kênh phân phối trực tuyến phát triển, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm khách hàng, các cơ hội kinh doanh mới trên môi trường số... Do vậy, doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình đều cần chuyển đổi số để bắt kịp xu thế, tương tác nhanh hơn với các cơ quan quản lý, cải tiến mô hình hoạt động tối ưu và linh hoạt hơn.

Giá trị mới từ chuyển đổi số
Hội thảo “Giới thiệu bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) - Ứng dụng giải pháp thực tiễn trong việc nâng cao điểm chỉ số DBI” do VCC) phối hợp với Công ty Cổ phần MISA tổ chức.

Hiện nay, doanh nghiệp SME chiếm phần đông trong cộng đồng doanh nghiệp và đây là đối tượng khách hàng phục vụ lớn nhất của MISA với khoảng 200.000 doanh nghiệp. Qua tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp, MISA nhận thấy một số khó khăn khiến doanh nghiệp e ngại khi ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Đó là vấn đề kinh phí đầu tư các hệ thống ERP của nước ngoài; các giải pháp trên thị trường không theo suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp; thiếu sự kết nối đồng bộ các giải pháp riêng lẻ đang ứng dụng ở từng bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản trị toàn diện, hiện đại.

- Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, theo ông, giải pháp nào hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ngần ngại ban đầu trên, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?

Chuyển đổi số gắn liền với ứng dụng công nghệ và sự phát triển của khoa học công nghệ, mới nghe có thể thấy to tát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME ở từng cấp độ quy mô, ngành nghề có nhu cầu chuyển đổi số khác nhau. Tại MISA, chúng tôi chia hoạt động của mình thành các khối khác nhau tương ứng với quy mô của doanh nghiệp, xác định lấy khách hàng làm trung tâm, xây dựng chân dung khách hàng để phục vụ hiệu quả nhất.

Trong tư duy giải quyết chung, chúng tôi chia bài toán của doanh nghiệp thành các ứng dụng rất nhỏ, đơn giản và thân thiện. Chỉ một vấn đề tài chính nhưng có 6 - 7 ứng dụng khác nhau như kế toán, kê khai thuế, hoá đơn điện tử, chữ ký số, kết nối dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng trực tuyến… Doanh nghiệp phát triển đến đâu sẽ lựa chọn các ứng dụng đến đó. Doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp mô nhỏ chỉ cần dùng quản lý bán hàng, kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số là đủ, vừa tiết kiệm được chi phí vừa khai thác hết tính năng của phần mềm; không cần đến gói ERP cồng kềnh lại rất lãng phí. Doanh nghiệp phát triển quy mô lớn, đội ngũ nhân sự lên đến hàng trăm người sẽ cần nhiều nghiệp vụ phức tạp hơn về nhân sự, quản trị, văn phòng số… để thống nhất được tất cả bộ phận trong và ngoài doanh nghiệp cũng như giúp lãnh đạo dễ quản lý, dễ giao tiếp để thấu hiểu nhân viên, xử lý công việc linh hoạt, kịp thời, từ xa…

Qua làm việc với các doanh nghiệp SME, chúng tôi nhận thấy bài toán chuyển đổi số của doanh nghiệp tập trung trong 3 vấn đề: dễ tiếp cận, khó quá sẽ dễ nản; chi phí hợp lý và nhanh chóng nhìn thấy hiệu quả (tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, hoạt động nhanh hơn, tự động hoá tốt hơn, nâng cao năng suất…). Với cách thức trên, chúng ta đã giải được các bài toán mà doanh nghiệp SME đặt ra.

- Thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng các ứng dụng của một nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Để kết nối dữ và vận hành hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu tâm đến những vấn đề gì, thưa ông?

Hiện nay, nhiều nhà cung cấp giải pháp đều có sẵn các API để doanh nghiệp kết nối các ứng dụng, phần mềm. Về cơ bản, doanh nghiệp có thể đấu nối các giải pháp với nhau nhưng để vận hành hiệu quả, doanh nghiệp cân nhắc và trả lời được 3 - 4 câu hỏi.

Thứ nhất, hệ thống đang sử dụng đã đáp ứng yêu cầu chuyên sâu và tối ưu cho doanh nghiệp chưa? Thứ hai, nhà cung cấp giải pháp có khả năng thi công kết nối các ứng dụng không? Thứ ba, mức độ của API có tạo thành quy trình khép kín bởi trong hệ thống quản trị chứa đựng nhiều quy trình chuyên sâu. Chuyển đổi số chính là quy trình được bắt đầu từ số hoá, tự động hoá, kết nối, tinh chỉnh để hội tụ dữ liệu cả trong và ngoài doanh nghiệp để phân tích, xử lý, đưa ra mô hình mới, mở rộng hệ sinh thái, giúp doanh nghiệp nhận được nhiều giá trị lợi ích hơn.

Trở lại vấn đề kết nối các ứng dụng, tuỳ thuộc vào sự đánh giá của doanh nghiệp, quan trọng nhất hệ thống đảm bảo kết nối hiệu quả và chuyên sâu. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, doanh nghiệp xem xét thay đổi sang giải pháp khác, thậm chí có giải pháp rẻ hơn nhưng hiệu quả hơn. Trong chuyển đổi số, kinh phí là quan trọng nhưng không phải là quyết định. Thực tế, không ít doanh nghiệp bỏ chi phí lớn đầu tư hệ thống ngoại nhưng hiệu quả không như ý. Cốt yếu là tính thích ứng và hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chuyển đổi số ngân hàng cần chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chuyển đổi số ngân hàng cần chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, chuyển đổi số ngân hàng phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.