Chương trình thuần Việt và ước mơ chiếm sóng giờ vàng

19:00 | 08/07/2013

542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc những chương trình mua bản quyền nước ngoài đang chiếm lĩnh giờ vàng đã khiến các chương trình thuần Việt bị lép vế. Đây là thực tế mà ai cũng có thể thấy mỗi ngày trên sóng truyền hình...

Ồ ạt nhập khẩu...

Phải thừa nhận một thực tế là các chương trình truyền hình giải trí chưa bao giờ lại rộn ràng như hiện tại. Điều này không hẳn là đáng mừng, bởi những chương trình thuần Việt chỉ chiếm số ít, còn lại là sự lấn át của những chương trình “nhập khẩu”.

Khoảng hơn chục năm trước, những chương trình như Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Ai là triệu phú... được mua về sản xuất tại Việt Nam đã trở thành “món ngon” mang tính giải trí cao cho khán giả Việt. Không ngoa khi nói rằng, những chương trình này đã châm ngòi nổ, mở ra “kỷ nguyên” nhập khẩu chương trình truyền hình, để đến sau này, từ Đấu trường 100, Trò chơi âm nhạc đến Vietnam Idol, Hợp ca tranh tài, The Voice... làm mưa, làm gió trên màn ảnh nhỏ. 

Hiện nay, chỉ tính riêng buổi tối, trung bình một tuần có khoảng 10 chương trình truyền hình giải trí được phát sóng. Nhưng đa phần đều là những chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài. Còn chương trình thuần Việt thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chương trình thuần Việt 100% duy nhất chen được chân vào khung giờ vàng là Chúng tôi là chiến sỹ. Còn lại đều mang tính thời điểm như Đồ Rê Mí, Bài hát yêu thích... Những chương trình "made in Vietnam" khác vốn đã hiếm hoi, lại không được phát vào khung giờ vàng hoặc bị “bật bãi”.

"Chúng tôi là chiến sỹ" là chương trình thuần Việt duy nhất được chiếu trên sóng giờ vàng

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những chương trình có format từ nước ngoài. Bởi, những chương trình này đã từng “làm mưa, làm gió” ở các nước khác, đương nhiên độ hot đã được kiểm chứng. Không phải tự nhiên mà khán giả Việt lại phát cuồng với những: The Voice, The Voice Kids, Masterchef, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Gương mặt thân quen, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Idol, Vietnam's Got Talent... Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều được đáp ứng nhu cầu giải trí tưởng như toàn diện.

Tình trạng phủ sóng tràn lan những chương trình nhập khẩu nước ngoài không chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình trung ương mà ngay cả các đài địa phương cũng tận dụng triệt để.

Xét cho cùng thì đây cũng là điều hiển nhiên, bởi so với việc vắt óc suy nghĩ để cho ra một chương trình ăn khách thì “mua sẵn” là giải pháp hữu hiệu hơn cả.

Hơn nữa, "câu" được khách vẫn là vấn đề nan giải ở xứ ta. Chỉ riêng khâu Việt hóa cần có sau khi nhập khẩu các chương trình từ nước ngoài cũng còn không khả thi. Thì việc hy vọng tạo ra những chương trình đủ sức hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các chương trình “ngoại lai” dường như cũng là xa vời. Đã không ít lần khán giả cũng phải la ó về việc đơn vị sản xuất rập khuôn fomart.  Nếu đem ra so sánh thì “đồ ngoại” đúng là vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Chương trình giải trí thuần Việt – bao giờ chiếm sóng giờ vàng?

Thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là các chương trình truyền hình của chúng ta ít có sự đổi mới, hoặc có đổi mới nhưng vẫn không hấp dẫn. Chưa nói đến các chương trình thuần Việt, ngay cả những chương trình nhập khẩu cũng ở trạng thái nhạt dần đều.

Xét đến các chương trình có thâm niên tồn tại trên sóng truyền hình Việt như: Ai là triệu phú, Đấu trường 100... hay không phải sóng giờ vàng nhưng cũng lâu năm như: Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng... thì thấy có không ít chương trình tuổi thọ 10 năm có lẻ, dù không ít khán giả chán ngán và chắc rằng người làm chương trình cũng chẳng thiết tha gì hơn nhưng mặc nhiên vẫn cứ làm và phát đều đều một cách... bất chấp rating.

Đồ Rê Mí thiếu sức hút hơn hẳn so với The Voice Kids

Những chương trình mới được nhập khẩu tưởng chừng sức nóng vẫn còn nhưng cứ ở mùa trước hấp dẫn thì mùa sau lại rơi vào nhàm chán. Một tâm lý chung là, khi mùa đầu tạo được sức hút lớn thì các nhà sản xuất cũng vì lợi nhuận nên tiếp tục khai thác đến tận cùng.

Còn xét đến những chương trình thuần Việt, thì rõ ràng là có sự chệnh lệch đáng kể.   Đồ rằng, nếu không vì mục đích ý nghĩa mà chương trình đem lại thì chắc hẳn Chúng tôi là chiến sỹ cũng sớm bị "bật bãi". Vì phải bó hẹp trong môi trường quân đội và lại có tuổi đời kha khá nên chương trình cũng kém hấp dẫn so với những ngày đầu.

Hiện tại, Đồ Rê Mí 2013 cũng được ưu tiên phát sóng vào khung giờ vàng. Nhưng việc đồng hành hai chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí một lúc, một nhập khẩu là The Voice Kids, một thuần Việt là Đồ Rê Mí thì rõ ràng khi đặt cạnh nhau, The Voice Kids vẫn "nóng" hơn. Có thể, do là một chương trình mới, nhưng rõ ràng về độ kịch tính thì The Voice Kids ưu thế hơn hẳn.  

Không đánh đồng tất cả bởi cũng đã có những chương trình thuần Việt có chất lượng. Ngày trước SV96 đã một thời làm dậy sóng biết bao trái tim mà đến giờ khi nhắc lại vẫn còn khiến nhiều thế hệ sinh viên thổn thức. Hay như chính Đồ Rê Mí cũng tạo được sức hấp dẫn cần có và tôn vinh đúng tài năng âm nhạc nhí và những ca khúc thuần Việt một cách đáng trân trọng. Sân khấu Bài hát yêu thích đã có sự “thay da đổi thịt” qua các tháng và có sức hút. Nhưng xét một cách tổng quan thì chương trình thuần Việt vẫn yếu hơn hẳn về cả số lượng và chất lượng.

Tình trạng này có lẽ khó có thể thay đổi khi nhập khẩu và nhập khẩu vẫn còn là điệp khúc trên sóng truyền hình. Và như thế thì cạnh tranh là điều khó khăn với những chương trình thuần Việt. Nên chăng, cần có nhiều chương trình thuần Việt được phát sóng trên khung giờ vàng hơn nữa để những chương trình này có điều kiện tiếp cận với khán giả Việt. Và tất nhiên, để làm được điều đó thì bản thân chương trình thuần Việt cần có sự cải tổ một cách mạnh mẽ và triệt cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. 

Huy An