Cháy nổ gas: Đã thấy quan tài mà vẫn chưa... đổ lệ!

06:44 | 09/11/2013

1,603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các đại lý gas đều nằm chen chúc trong khu dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, được ví như những quả “bom cháy” nổ chậm, khiến người dân không khỏi bất an, nhất là khi liên tiếp xảy ra cháy nổ gas trong thời gian gần đây.

Bà Hỏa trong khu dân cư

Chỉ trong vòng một tháng gần đây, TP HCM xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy nổ gas nghiêm trọng. Vụ mới nhất vào ngày 25/10 tại đại lý gas Anh Khôi trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) khiến 3 người bị bỏng nặng, toàn bộ căn nhà 3 tầng của đại lý gas bị phá hủy.

Trước đó, vào giữa đầu tháng 10/2013 là vụ cháy nổ nghiêm trọng tại đại lý gas Phú Thịnh trên đường Phan Ðình Phùng (quận Phú Nhuận) và một tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Quý Anh (quận Tân Phú) vừa gây thương vong về người vừa hủy hoại tài sản. Các cửa hàng gas này đều nằm trong khu dân cư đông đúc nên khi phát nổ đã đe dọa nhiều nhà dân lân cận, khiến hàng trăm người dân phải bỏ cháy tán loạn để lánh nạn. Cũng may là trong các vụ cháy nổ này, lực lượng cứu hỏa đã “cứu” hàng trăm bình gas loại 12kg chỉ bị cháy xém chứ không phát nổ, nếu không thì hậu quả sẽ rất khôn lường về người và tài sản.

Qua khảo sát của chúng tôi tại một số quận nội thành như quận 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú… cho thấy các cửa hàng kinh doanh gas mọc lên ngày càng nhiều và nằm trong khu dân cư đông người. Có những đoạn đường ngắn vài trăm mét nhưng có đến 4-5 cửa hàng kinh doanh gas. Các cửa hàng này thường mang tính chất nhỏ lẻ, dạng cá thể hộ gia đình, kết hợp giữa khu vực kinh doanh với khu sinh hoạt của gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây cháy lớn.

Hiện trường vụ nổ tại đại lý gas Anh Khôi (đường Âu Cơ, quận Tân Bình) ngày 25/10

Ông Nguyễn Văn Sáu, có căn nhà kề cận một cửa hàng gas ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình bức xúc: “Ngày nào cũng chứng kiến họ sang chiết gas mà tôi ngủ không yên, cứ lo một ngày nào đó nó phát nổ thì chỉ có nước đi “chầu diêm vương”. Có tố lên cơ quan chức năng rồi nhưng dẹp được đâu!”.

Còn một lãnh đạo phường ở quận Phú Nhuận thì cho biết đã nhiều lần vận động cửa hàng gas di dời ra khỏi khu dân cư nhưng rất khó vì họ được cấp giấy phép kinh doanh gas đàng hoàng. Cho nên ngoài việc tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng gas đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì chính quyền địa phương không có biện pháp gì khả thi khác.

Không những vậy, tình trạng cấp phép cho các cửa hàng kinh doanh gas trong khu dân cư vẫn là vấn đề đáng bàn cãi. Những quy chuẩn về khoảng cách an toàn đối với các cửa hàng kinh doanh gas gần khu dân cư đến nay cũng còn nhập nhằng. Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố, cần nghiên cứu để bổ sung thêm các quy định về an toàn trong phòng, chống cháy nổ đối với các kho hàng, cửa hàng kinh doanh ga, đối với các ngôi nhà liền kề hoặc có thể lập kế hoạch di chuyển các cửa hàng kinh doanh gas ra khỏi khu dân cư để bảo đảm an toàn tối đa cho người dân trong các khu dân cư đông đúc.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 1.200 lượt kiểm tra cơ sở về an toàn PCCC đối với các cửa hàng kinh doanh gas và đã phát hiện hàng trăm lỗi vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy đa số các cơ sở kinh doanh gas đều có mặt bằng nhỏ hẹp nên việc bố trí sắp xếp các bình gas không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy, cản trở lối thoát nạn, việc quản lý và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt còn nhiều sơ hở. Đây là những lỗi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ cao, thể hiện ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC còn kém.

Mầm họa gas lậu

Thống kê cho thấy, thành phố hiện có 23 tổng đại lý gas, 22 đại lý gas, 19 trạm chiết nạp gas và 1.586 cửa hàng kinh doanh gas. Thời gian qua lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hàng trăm cửa hàng kinh doanh gas giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh gas trôi nổi, chiết nạp “chui” từ bình gas 12kg sang bình mini... Đáng lưu ý, nhiều cửa hàng có giấy phép nhưng vừa bán gas thật vừa bán gas giả nhãn hiệu, gas trôi nổi, không niêm van, thậm chí lấy hàng trôi nổi rồi tự gắn niêm van giả bán ra thị trường. Điều này dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao.

Do lợi nhuận cao, cộng với việc quản lý kém hiệu quả của các cơ quan chức năng, nên tình trạng sang chiết gas trái phép, gas lậu vẫn còn khá phức tạp. Gần đây nhất, vào tháng 9/2013, Thanh tra Sở Cảnh sát PCCC TP HCM đã kiểm tra một ổ sang chiết gas trái phép quy mô lớn tại căn nhà trọ ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Đoàn kiểm tra phát hiện có 2 người đang sang chiết gas từ bình 12kg sang các bình gas mini.

Những người thấy đoàn kiểm tra thì lập tức bỏ trốn. Trong căn nhà này chứa số lượng lớn các chai gas và dụng cụ sang chiết gas, gồm: 7 bình gas loại 50kg; 30 bình gas loại 12kg; khoảng 1.000 chai gas mini đã sang chiết xong hiện có chứa gas; hơn 1.000 bình gas mini rỗng; 7 dụng cụ sang chiết gas; 5 cân loại 2kg… Được biết 2 đối tượng sang chiết gas đã thuê căn nhà trọ trên làm nơi để ở và sang chiết gas trái phép.

Theo nhận định, thủ đoạn sang chiết gas trái phép tập trung dưới 3 hình thức chủ yếu là hoạt động sang chiếu chui lủi; các trạm sang chiết có ủy quyền của các hãng kinh doanh gas lợi dụng việc có giấy phép để sang chiết lậu. Bên cạnh đó là một số công ty kinh doanh gas cũng sang chiết lậu vào bình gas của các thương hiệu khác để tiết kiệm chi phí…

Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, tỷ lệ vi phạm trong kinh doanh của các đại lý gas tại thành phố ở mức cao. Nhiều cửa hàng kinh doanh “chui”, không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas. Đặc biệt, tình trạng sang chiết gas từ bình 12kg sang các loại bình gas mini đã qua sử dụng có nguy cơ cháy nổ rất lớn vẫn diễn ra phổ biến. Các điểm sang chiết dạng này nằm ngay các khu dân cư, khu trọ, chỉ cần trong quá trình sang chiết bình gas bị xì, gặp tia lửa điện lập tức phát nổ.

Điều đáng nói, sau nhiều lần truy quét quyết liệt của cơ quan chức năng, các cơ sở sang chiết gas lậu ngày càng nở rộ hơn. Tìm đến một khu nhà trọ ở quận 12 trong thời gian gần đây, chúng tôi được nghe không ít những lời bức xúc của người dân về việc trường hợp một cặp vợ chồng trẻ sang chiết gas hàng loạt mỗi ngày ngay trong phòng trọ. Hằng ngày, hai vợ chồng này cặm cụi chiết gas từ những bình lớn sang bình mini đã rỉ sét và tái sử dụng nhiều lần, để bỏ mối cho các tiệm tạp hóa. Trong khi đó, theo quy định, bình gas mini chỉ được dùng một lần để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cứ thế ngày nào cũng vậy, những người ở trọ phải sống trong không khí sặc sụa mùi gas hôi thối mà không biết khi nào nó sẽ phát nổ.

Hiện nay đã vào những tháng cuối năm, chắc chắn nhu cầu sử dụng gas trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt gia đình sẽ tăng cao, đây cũng là lúc mà nguy cơ cháy, nổ gas cần phải được báo động hơn bao giờ hết. Qua các vụ cháy nổ gas gần đây thấy rõ ràng là có sự lỏng lẻo trong việc cấp phép hoạt động kinh doanh cũng như công tác hậu kiểm và kể cả khâu kiểm tra an toàn PCCC còn nhiều thiếu sót.

Câu dân gian xưa có nói “mất bò mới lo làm chuồng”. Không biết các cửa hàng gas ở TP HCM đã rút ra được bài học kinh nghiệm nào hay chưa từ những vụ cháy nổ gần đây? Nên nhớ rằng, tai nạn cháy nổ gas có thể xảy ra với bất kỳ đại lý gas nào không tuân thủ an toàn về phòng chống cháy nổ. Đã có những sự cố cháy nổ gas gây thương vong lớn, mất mát quá nhiều. Những đại lý gas hãy xem nguy cơ vụ cháy nổ gas là bài học “xương máu” cho mình. Đừng để đến lúc “thấy quan tài rồi mới đổ lệ”!

Thế Vinh