Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững

14:49 | 14/05/2025

8 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến tâm huyết, nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực tăng trưởng mới, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương, 83 điều (tăng 2 điều so với Luật năm 2013), có nhiều điều chỉnh về cấu trúc và nội dung để phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Luật được xây dựng nhằm điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy định rõ các biện pháp hỗ trợ phát triển và cơ chế quản lý Nhà nước; đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng, dự thảo cần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp, để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo. Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh: cần thiết kế các chính sách hiệu quả nhằm phát triển đội ngũ nhà khoa học một cách có chiều sâu, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường nghiên cứu, sáng tạo.

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là cơ chế tài chính hỗ trợ nghiên cứu, trong đó có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện, cần quy định cụ thể tỷ lệ tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ của các bộ, ngành, địa phương dành cho đặt hàng sản phẩm nghiên cứu trong nước, thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục và tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì thông qua cơ chế khoán chi.

Đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất nâng mức trích lập tối đa lên 15% thu nhập tính thuế. Riêng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, nên cho phép mức tối đa là 20%. Bên cạnh đó, danh mục chi từ quỹ cần được mở rộng, cho phép chi cho lương nhân sự nghiên cứu, thuê chuyên gia, mua vật tư thử nghiệm, tham dự hội thảo, mua sắm thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ được đề xuất là cơ quan ban hành danh mục cụ thể, theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tiễn doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, mức trích lập 5% hiện tại là chưa tương thích với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - văn kiện đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và cho phép mức trích tối đa 20%. Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nâng trần để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư bài bản vào R&D và đổi mới sáng tạo mở.

Thúc đẩy đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Một điểm mới nổi bật của dự thảo Luật là việc luật hóa hai cơ chế hỗ trợ quan trọng: Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia (Điều 38) và Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp sáng tạo (Điều 39). Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đánh giá đây là tín hiệu tích cực, có thể tạo cú hích đáng kể cho hệ sinh thái khởi nghiệp nếu được thiết kế phù hợp và triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, ông lưu ý, do đầu tư mạo hiểm gắn liền với rủi ro tài chính cao, dự thảo cần có quy định rõ ràng hơn về cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro và đảm bảo minh bạch trong vận hành.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương.

Liên quan đến việc xác định tiêu chí nhân tài, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, các tiêu chí hiện tại trong dự thảo mới phù hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ, trong khi khoa học xã hội và nhân văn lại có những đặc thù riêng. Bà đề nghị cần có các tiêu chí đánh giá chuyên biệt, như công trình nghiên cứu được áp dụng trong hoạch định chính sách, giáo dục hoặc có tầm ảnh hưởng xã hội rộng rãi, để bảo đảm công bằng và tôn vinh đúng người có đóng góp thực chất trong từng lĩnh vực.

Với tinh thần cầu thị, tiếp thu nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để rà soát, hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thực tiễn, thống nhất và khả thi khi đi vào cuộc sống. Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Việc xây dựng và thông qua Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành đột phá chiến lược, là động lực trung tâm cho tăng trưởng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia.

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo khi được thông qua không chỉ là hành lang pháp lý mới mà còn là cú hích mạnh mẽ, mở đường cho các doanh nghiệp và tổ chức khoa học bứt phá, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên số.

Huy Tùng