Châu Âu như "kẻ mộng du" trong khủng hoảng Ukraina

09:41 | 21/02/2015

1,671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã phạm những “sai lầm tai hại” trong chính sách trợ giúp Ukraina, cũng như quan hệ với Nga với Tổng thống Vladimir V.Putin. Thay vì nhận định tình thế một cách sáng suốt, London và Brussels đã lao vào cuộc khủng hoảng Ukraina như những “kẻ mộng du”, xử lý nó như một vấn đề thương mại chứ không phải là một thách thức chính sách ngoại giao tinh tế. Đó là kết luận nghiêm khắc của Ủy ban về các công việc EU của Quốc hội Anh trong báo cáo công bố hôm 20/2.

Quân đội Ukraina đã rời bỏ Debaltsevo trước áp lực của lực lượng ly khai

Báo cáo chỉ trích gay gắt “sự thiếu hiểu biết”, “thiếu khả năng phân tích chính xác tình hình” của “toàn thể các nước thành viên EU”, do vậy đã lượng định tình thế tiền khủng hoảng Ukraina một cách sai lầm. 

Theo người đứng đầu Ủy ban trên, Huân tước Christopher Tugendhet, các chính trị gia châu Âu đã không hiểu được thái độ của Nga ngay từ khi bắt đầu đàm phán với Ukraina về Hiệp định liên kết, nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn với Kiev.

“EU đã thất bại trong việc đánh giá cao “tính chất đặc biệt” của Ukraina và mối quan hệ của quốc gia Đông Âu này với một nước Nga mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ Tổng thống mới nhất của ông Putin”, trích báo cáo.

Về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp đặt với Nga, báo cáo thừa nhận, về lâu dài, những biện pháp này làm phương hại đến lợi ích của cả EU chứ không riêng gì Nga. Trong ngắn hạn, EU nên loại bỏ dần và nới lỏng các biện pháp trừng phạt để củng cố vị thế đàm phán của mình, đặc biệt khi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraina đạt được tiến bộ.

Ngoài ra, việc giải quyết tình trạng pháp lý của Crimea nên được hoãn lại cho đến khi vấn đề cấp bách hơn là ngưng bạo lực tại Ukraina và giúp nền kinh tế ốm yếu của quốc gia này được giải quyết.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, bản báo cáo của Ủy ban về các công việc EU của Quốc hội Anh là đòn chí tử đánh vào chính quyền của Thủ tướng David Cameron, sau khi chính sách ngoại giao của London bị tướng Richard Shirref, nguyên tư lệnh lực lượng Anh trong khối NATO phê phán là thiếu “nhạy bén”.

Trước đó, hôm 19/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã có một phát ngôn gây “sốc” khi quy chụp Tổng thống Nga Putin “là mối hiểm nguy hiện tại và thật sự cho ba nước Baltic” gồm Litva, Estonia và Latvia. Người đứng đầu quân lực Hoàng gia Anh không loại trừ khả năng chủ nhân điện Kremlin, sau khi sáp nhập Crimea và miền Đông Ukraina, sẽ mở một chiến dịch tấn công bí mật để gây bất ổn cho các nước Baltic trước đây thuộc Liên Xô cũ, nay là thành viên của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra nhận định này vào lúc quân đội Ukraina bỏ thị trấn chiến lược Debaltsevo trước áp lực của lực lượng ly khai.

Đáp lại, Moskva đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời lên án phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Anh là “đi quá giới hạn đạo đức ngoại giao” và “không thể chấp nhận được”.

Linh Phương (tổng hợp)