Chất lượng điều hành kinh tế ở các tỉnh thành: Hội tụ quanh mức trung bình

07:00 | 23/03/2013

650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện nhất cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của chính quyền 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Những chỉ số biết nói

Ngày 14/3/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đã công bố chỉ số PCI năm 2012. Từ 2005 đến nay, chỉ số PCI là khảo sát được thực hiện thường niên tại các doanh nghiệp trong nước, đây là cuộc điều tra được coi là toàn diện nhất về môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 8 PCI được hai tổ chức này phối hợp khảo sát nhằm đo lường, đánh giá kết quả điều hành, quản lý kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố dưới góc nhìn và cảm nhận của các doanh nghiệp về sự thân thiện của công chức địa phương; cách ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp; cách giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng thủ tục hành chính... Nghiên cứu PCI cũng xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng cấp tỉnh, vốn được coi là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng.

Một góc Khu Công nghiệp Hải Phòng, điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI

Nội dung điều tra được thực hiện trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh. Trong đó, chi phí gia nhập thị trường, là chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, là chỉ số đo lường về hai khía cạnh là việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không và doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không; tính minh bạch và tiếp cận thông tin, đo lường khả năng tiếp cận công bằng các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, là chỉ số đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính. 

Những chỉ số tiếp theo là chi phí không chính thức, đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra và liệu các cán bộ Nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số này dùng để đo lường mức độ hỗ trợ các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân; đào tạo lao động là chỉ số đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm; và cuối cùng là thiết chế pháp lý, đo lường lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp và các cơ quan chức năng của địa phương.

Cảnh báo về suy giảm năng lực cạnh tranh

Năm nay, số doanh nghiệp Việt Nam được tiến hành điều tra là 8.053 và trên 1.540 doanh nghiệp mang tính đại diện cao từ 45 quốc gia khác nhau, hiện đang hoạt động tại 13 tỉnh, thành của Việt Nam.

Được biết, PCI không nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học đơn thuần hay để biểu dương những tỉnh xếp hạng cao hoặc phê bình những tỉnh xếp hạng thấp. Báo cáo PCI những năm qua đã thực sự trở thành nguồn thông tin quan trọng, hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố, giúp họ nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và cách thức cải cách điều hành kinh tế hiệu quả nhất. Chỉ số PCI đồng thời cũng đưa ra những so sánh về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, cung cấp thông tin hữu ích về môi trường đầu tư địa phương cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bảng xếp hạng PCI là một trong những “hàn thử biểu” đáng tham khảo nhất hiện nay đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo PCI năm 2012 đã nêu ra nhiều điểm đáng lo ngại, điều này đã được thể hiện rõ trong cảm nhận của các doanh nghiệp qua điều tra. Chất lượng điều hành kinh tế các địa phương năm qua thực sự sụt giảm so với những năm trước. Không một tỉnh nào vượt qua mức 65 điểm - mức chất lượng điều hành rất tốt, hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra với chỉ số PCI. Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh thành đang dần hội tụ quanh mức trung bình.

Một số lĩnh vực điều hành mà các doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục được cải thiện là rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và khả năng giá đền bù đất đai của chính quyền phù hợp với giá thị trường, niềm tin và mức độ sử dụng các thiết chế pháp lý của tỉnh, tính năng động và thái độ của lãnh đạo tỉnh với khối tư nhân, mức độ sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh và sự hài lòng với chất lượng dịch vụ. Báo cáo cũng cho thấy, kết quả về tham nhũng “vặt” đã giảm bớt, song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm.

Bảng xếp hạng PCI năm nay có không ít bất ngờ. Vị trí đứng đầu là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai - tỉnh đứng đầu năm ngoái. Bình Định và Vĩnh Long lần lượt ở các vị trí thứ 4 và 5. Điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Đà Nẵng và Bình Dương lại giảm rõ rệt xuống thứ 12 và 19. Hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh ở vị trí 13 và Hà Nội ở vị trí thứ 51.

Kết quả điều tra PCI năm 2012 cho thấy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cảm nhận kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với các năm trước. Sự lạc quan của các doanh nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây, từ 76% năm 2006 đã xuống mức thấp kỷ lục 33% vào năm 2012.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng sụt giảm chưa từng thấy. Năm nay, chưa đến 60% doanh nghiệp báo lãi, 21% báo lỗ. Đối với các doanh nghiệp FDI, kể từ khi bắt đầu có khảo sát PCI-FDI đến nay, chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp đến vậy. Chỉ có 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng hai năm tới.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, có lẽ những cảnh báo của PCI 2012 sẽ tác động tích cực giúp các địa phương nhìn nhận lại những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố then chốt đối với năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của Việt Nam. 

Nguyễn Tiến Dũng