Chất lượng công trình kém: Xử lý nghiêm cả chủ đầu tư và nhà thầu

08:03 | 22/06/2012

1,369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được đánh giá là khá toàn diện khi đã phủ kín các nhóm xã hội cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, trước thực trạng “ọp ẹp” tại nhiều chung cư, thậm chí là cả chung cư thương mại thì vấn đề “tiền nào của đấy” đang khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc.

Trước tiên phải khẳng định rằng, cùng với giáo dục – y tế thì nhà ở là điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho con người phát triển toàn diện. Và cũng chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực phát triển nhà ở. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng thì, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1999-2009, cả nước đã xây dựng khoảng 700 triệu m2 nhà ở, bằng tổng số khối lượng nhà ở được xây dựng từ năm 1999 trở về trước. Tuy nhiên, do phát triển quá “nóng, quá nhanh mà hoạt động xây dựng, phát triển nhà ở lại đang bộc lộ khá nhiều vấn đề, trong đó, vấn đề nổi bật nhất là chất lượng các công trình xây dựng. Nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư và thậm chí là cả nhà chung cư thương mại cũng đều có vấn đề về chất lượng khiến dư luận tỏ ra khá bức xúc và hệ quả là nhiều dự án cải tạo chung cư cũ đang dậm chân tại chỗ vì người dân bị ám ảnh bởi sự xuống cấp nhanh “khủng khiếp” tại nhiều căn hộ loại này.

Thừa nhận những bức xúc trên của người dân, tại Cuộc đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Hiện tượng chất lượng ở một số công trình còn thấp đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới hiệu quả đầu tư xây dựng, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác quản lý xây dựng. Đối với các công trình nhà ở chung cư, có thể khẳng định rằng, phần lớn các chung cư là các chung cư thương mại, phát triển theo nguyên tắc thị trường, có chất lượng tốt, cả về độ bền chịu lực (chống động đất, gió bão…) lẫn chất lượng hoàn thiện. Tuy nhiên, giá còn cao, người dân khó tiếp cận. Các chung cư thương mại ở phân khúc trung bình cũng có chất lượng tốt như khu chung cư Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính,… Hiện tượng suy giảm chất lượng chung cư nếu có thường xảy ra đối với đối tượng nhà tái định cư, các hư hỏng thường là nứt, thấm dột….

Lý giải cho tình trạng trên, TS Lê Quang Hùng – Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, bất cập lớn nhất trong pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng là chưa có quy định cụ thể về việc minh mạch thông tin của nhà thầu xây dựng. Thực tế đó làm cho cả cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng như chủ đầu tư đều thiếu thông tin, nên chưa kiểm soát chặt chẽ được năng lực thực tế của các nhà thầu. Đồng thời chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng của công trình xây dựng dẫn tới những sai sót, thất thoát chi phí lớn trong đầu tư, làm dư luận bức xúc.

Thi công "yếu", chất lượng nhiều công trình đang trong tình trạng cảnh báo.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta còn nghèo, ta còn phải tiết kiệm rất nhiều để đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội. Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn, cần phải có giải pháp ngăn chặn.

Người đứng đầu ngành Xây dựng cho rằng, muốn chấm dứt tình trạng thất thoát, lãng phí trong việc thi công xây dựng khiến chất lượng công trình xây dựng kém, chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách…

“Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó yêu cầu các ơ quan quản lý Nhà nước phải tham gia thẩm định thiết kế và dự toán, thậm chí thẩm định cả dự án, chứ không giao toàn quyền cho chủ đầu tư. Hiện một số chủ đầu tư năng lực kém phải thuê tư vấn, dễ dẫn đến thông đồng giữa các bên để tiêu cực…”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng… bởi chất lượng công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khảo sát, thiết kế, thi công, kiểm tra, giám sát; trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chủ đầu tư trong việc kiểm soát, giám sát của chủ đầu tư.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, TS Hùng cho rằng, pháp luật cần phải bổ sung những quy định cụ thể, mang tính bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng như phải cung cấp thông tin về năng lực hoạt động để cơ quan quản lý nhà nước công khai trên trang thông tin điện tử. Qua đó, cung cấp thông tin để cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động của nhà thầu và để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của gói thầu. Đồng thời, pháp luật cần quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải lựa chọn các nhà thầu tư vấn thẩm tra thiết kế, thí nghiệm, giám định và các nhà thầu chính thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, thi công trong các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách từ danh sách nhà thầu được công bố trên các trang web của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Mặt khác cần bổ sung các quy định cụ thể để làm rõ trách nhiệm quản lý chất lượng của các chủ thể trong khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình. Bổ sung các nội dung liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu; tổ chức thẩm định và phê duyệt các bước thiết kế; quy định bắt buộc phải thẩm tra thiết kế về an toàn chịu lực đối với các công trình ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng, tư vấn thẩm tra phải độc lập với tư vấn thiết kế; kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa công trình vào sử dụng; quy định về an toàn công trình trong thi công; an toàn phòng chống cháy nổ; xử lý vi phạm… để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

“Tôi đề nghị người dân hãy phản ánh chi tiết và cụ thể những công trình chung cư nào có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của địa phương như Sở Xây dựng đến kiểm tra. Nếu Sở Xây dựng kiểm tra mà thấy có hiện tượng bất cập về chất lượng thì phải tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm, hướng dẫn khắc phục. Chúng ta kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn. Nếu cần thiết, ngoài các Sở Xây dựng Bộ xây dựng sẽ yêu cầu Cục giám định nhà nước về chất lượng công trinh và thanh tra xây dựng vào cuộc để giải quyết triệt để vấn đề này. Nếu chúng ta quyết liệt từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế thi công, quản lý tốt, nghiệm thu bảo trì công trình tốt thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Thanh Ngọc