"Chàng trai 8X xuyên Việt với ví rỗng" vào đề Ngữ văn

12:28 | 10/07/2013

886 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay, thí sinh dự thi các khối C và D đã kết thúc bài làm môn Ngữ văn.

Đề thi khối C năm nay lại ra về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Tây Tiến (Quang Dũng), Đời thừa (Nam Cao. Đề khối D là Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Vội vàng (Xuân Diệu) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Các thí sinh đã hoàn thành xong đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH 2013.

Với khối C, tại điểm thi ĐH KHXH&NV, lác đác vài thí sinh ra sớm (2/3 thời gian). Theo nhận xét của thí sinh đề Văn năm nay khá hay, cách ra đề so sánh gây hứng thú cho thí sinh, đặc biệt là câu nghị luận xã hội (3 điểm) nêu lối sống của người Việt Nam “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Cụ thể, câu nghị luận của đề Văn khối C như sau:

Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là:

Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.

Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sốn trên, anh chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình.

Đề thi Ngữ văn khối C năm 2013.

Dựa vào câu nói đó, thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về lối sống. Thí sinh Phạm Tố Uyên (Thanh Hóa), dự thi khoa Xã hội học cho rằng: “Em bày tỏ quan điểm theo mặt tích cực, tiêu cực. Khôn khéo trong giao tiếp nhưng không nên lạm dụng khôn khéo quá trong công việc, cuộc sống. Em nhận thấy đề vừa sức, em làm được khoảng 70%”.

Thí sinh Nghiêm Thị Thủy (Ứng Hòa, Hà Nội), dự thi khoa Chính trị, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định: “Đề năm nay phức tạp, nhiều quan điểm, tư tưởng lối sống được đưa ra. Đề hay giúp chúng em học hỏi được nhiều bài học, đối với bản thân em thấy có ý nghĩa đối với lối sống hiện nay của giới trẻ”.

Tại điểm thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, theo nhận xét của thí sinh, đề Văn khối C năm nay không khó và không quá dài.

Phan Ngọc Trúc (Hoàng Mai, Hà Nội), dự thi khoa Xã hội học: “Đề năm nay phức tạp hơn những năm trước. Câu nghị luận xã hội hơi rắc rối, nếu làm không khéo sẽ dễ bị lan man, rối rắm bởi đề tài này khá rộng, khó mà bao quát hết được. Tuy nhiên em rất thích đề thi năm nay, vì nó giúp học hỏi được nhiều bài học. Em đoán khoảng được 7-8 điểm”.

Về phần riêng, cả 2 câu hỏi cho thí sinh lựa chọn đều không khó, không đánh đố nhưng mang tính bao quát khá rộng. Để làm được câu này, thí sinh cần nắm vững tác phẩm, chứ không chỉ học thuộc tác phẩm.

Với đề Ngữ văn khối D, năm nay đề có 3 câu. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa. Chỉ cần thí sinh nắm chắc kiến thức là có thể làm bài tốt. Riêng câu 2 là câu nghị luận, các thí sinh tỏ ra rất thích thú với nội dung này.

Đề thi Ngữ văn khối D năm 2013.

Cụ thể, đề Văn nghị luận khối D như sau:

Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu cội nguồn của chính mình, chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John có một nhận xét:

Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.

Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Trần Hùng John để bày tỏ quan điểm sống của chính mình.

Em Lê Phương Mai (ở Thanh Hoá), dự thi chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường ĐH Công nghiệp cho biết: "Đề thi  không khó, tương đương năm ngoái. Riêng câu nghị luận đề khá mở và đề cập đến vấn đề xã hội. Em rất thích câu này. Em làm theo hướng phản biện, đưa ra những dẫn chứng về những người Việt tài giỏi mà e đọc trên sách báo để là dẫn chứng”.

Em Lê Thị Thuỷ, dự thi khoa Kiểm toán cho hay: “Đề năm nay khá hay. Bám sát chương trình học. Em dự tính được khoảng 7 điểm văn. Hai môn thi trước em làm bài không tốt lắm, hi vọng môn Văn sẽ giúp gỡ điểm”.

Ghi nhận tại ĐH Kinh tế Quốc dân, các thí sinh cho rằng đề thi Văn khối D khá hay, câu 5 điểm khá lạ và khó khi yêu cầu thí sinh phải phân tích ý kiến trái chiều xung quanh một vấn đề của tác phẩm văn học, chứ không đơn thuần là phân tích đoạn thơ, đoạn văn hay nhân vật như các dạng đề truyền thống. Bởi thế mà nhiều thí sinh không tự tin vào phần bài làm của mình.

Thí sinh Lê Thị Hiền, thi vào Khoa Quản trị dịch vụ du lịch cho biết: "Khi cầm đề em bị choáng vì cách ra đề lạ. Đề hay nhưng không hề dễ làm. Nhất là câu 2 (3 điểm) rất khó. Em không hiểu hết được ý kiến mà câu hỏi đưa ra. Muốn hiểu được phải có kiến thức xã hội rất sâu rộng".

Còn thí sinh Nguyễn Thanh Hoa, thi vào Khoa Quản trị nhân lực thì tự tin hơn: "Em viết hết 3 tờ giấy thi và nghĩ mình được khoảng 8 điểm. Câu 2 điểm rất hay. Còn câu 3 điểm em không bất ngờ lắm vì từ lâu nay đề thi đã ra theo kiểu này".

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...