Campuchia: Sập xưởng giầy, 3 người chết

19:00 | 16/05/2013

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ba tuần sau thảm họa sập nhà khiến hơn một nghìn công nhân dệt may thiệt mạng tại Bangladesh, hôm 16/5, tại Campuchia, thảm kịch lại xảy ra tại một xưởng sản xuất giầy, khi trần nhà bị sập khiến ba người chết và 6 người khác bị thương.

 

Cảnh sát và nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại xưởng giầy Kampong Speu

Vụ xưởng giầy sập xảy ra tại tỉnh Kampong Speu, miền nam Campuchia. Trả lời AFP, ông Khem Pannara, phụ trách cảnh sát địa phương, cho biết trần nhà sập rơi vào một lối đi giữa các cỗ máy. Người phụ trách cảnh sát cũng khẳng định là bộ phận cứu nạn đã tìm kiếm rất kỹ càng và chắc chắn không còn nạn nhân nào khác trong các đống đổ nát.

Sokny, một công nhân 29 tuổi, làm việc tại xưởng đóng giấy này, kể lại: “Hàng ngày ở đây có hơn 100 công nhân làm việc, nhưng tôi không biết chính xác là có bao nhiêu người làm việc vào buổi sáng hôm nay (16/5)”. Sokny thuật lại cảm giác của chị: “Tôi hết sức bàng hoàng. Tôi đã khóc. Tôi nhìn thấy máu chảy ra từ các đống đổ nát”.

Trả lời AFP, ông Rong Chun, chủ tịch Liên đoàn các nghiệp đoàn Campuchia khẳng định: “Các doanh nghiệp Campuchia không tôn trọng các chuẩn mực an toàn quốc tế”. Chủ tịch Liên đoàn các nghiệp đoàn Campuchia cũng bày tỏ sự lo ngại rất lớn đối với sinh mạng của các công nhân đang phải làm việc trong các điều kiện như vậy, đặc biệt sau những gì xảy ra tại Bangladesh mới đây và Campuchia ngày hôm nay.

Vụ sập nhà kinh hoàng tại Bangladesh hồi tháng 4/2013, khiến 1.125 người chết, cho thấy những điều kiện làm việc hết sức tồi tệ của công nhân trong ngành dệt may và gia công giấy dép ở một số quốc gia châu Á. Từ nhiều tháng nay, Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT) – vốn theo dõi thường xuyên các công xưởng ở Campuchia - liên tục kêu gọi chính quyền, giới chủ và các nghiệp đoàn xây dựng một thỏa thuận mới trong ngành công nghiệp này.

Từ vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp dệt may và gia công giầy dép là một nguồn xuất khẩu quan trọng của Campuchia, một quốc gia kiệt quệ về kinh tế, sau hàng chục năm nội chiến. Năm ngoái ngành sản xuất này đã mang lại cho Campuchia 4,6 tỷ USD.

Hàng hóa của nhiều mác lớn của thế giới, như Puma, Gap, H&M hay Levi Strauss, được gia công tại Campuchia. Khoảng 650.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có 400.000 người làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các điều kiện lao động và đãi ngộ tồi tệ khiến các cuộc bãi công và biểu tình diễn ra thường xuyên.

Một trong các biểu hiện tiêu biểu của tình trạng tồi tệ tại các nhà máy là những vụ công nhân ngất xỉu hàng loạt. Theo các nghiệp đoàn, đây là hậu quả của tình trạng làm việc quá sức, của việc dinh dưỡng không đủ và không khí không được lưu thông tại các phân xưởng.

Cuối năm 2012, xuất hiện một bộ phim tài liệu lên án hãng may Thụy Điển H&M trả lương chết đói cho công nhân Campuchia. Chủ tịch của tập đoàn này đã bác bỏ các cáo buộc của bộ phim kể trên. Một chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Campuchia khẳng định, không kể Bangladesh, Campuchia là một trong những nơi mà giá thành gia công may mặc thấp nhất trên thế giới.

Một số hình ảnh về vụ sập xưởng giầy ở Campuchia ngày 16/5

Nh.Thạch (Theo AFP)