40 năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức:

Bức tranh tổng quan về vụ bê bối Watergate (Kỳ IV)

07:00 | 11/08/2014

3,225 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 8 năm trước (tháng 5-2006), giới truyền thông Nga và Mỹ đưa tin, Tổng thống Richard Nixon từng điều chuyên cơ tới đón chàng rể tương lai George Walker Bush gặp con gái Patricia Nixon (sinh năm 1946, tốt nghiệp Đại học Finch).

>> Bức tranh tổng quan về vụ bê bối Watergate (Kỳ III)

Kỳ IV: Một số chuyện bên lề

Hơn 8 năm trước (tháng 5-2006), giới truyền thông Nga và Mỹ đưa tin, Tổng thống Richard Nixon từng điều chuyên cơ tới đón chàng rể tương lai George Walker Bush gặp con gái Patricia Nixon (sinh năm 1946, tốt nghiệp Đại học Finch). Nhưng không hiểu ông Bush không thích cô công chúa của ông Richard Nixon hay Patricia Nixon đã có người yêu mà sau cuộc gặp do Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ dàn xếp cả hai người đều không thăm hỏi nhau nữa. Mục đích khi đó của Tổng thống Richard Nixon là muốn có mối liên kết với gia tộc Bush bởi ông nhìn thấy trước sức mạnh tiềm tàng của họ và sự thật đã chứng minh điều này.

Theo giới truyền thông, Tổng thống Richard Nixon từng cho người điều tra về những thông tin nói về một số thói hư tật xấu của ông Bush thời trai trẻ như sử dụng ma tuý, uống rượu, trốn quân dịch… nhưng sau khi thấy những việc này không ảnh hưởng tới tiền đồ sáng sủa của chàng phi công trẻ Bush nên đã quyết định phái chuyên cơ đi đón (tháng 11-1969), nhưng bất thành. Bởi ngày 12-6-1971, Patricia Nixon đã lên xe hoa với Edward F.Cox, luật sư nổi tiếng thời bấy giờ, đồng thời là trợ lý Nhà Trắng.

Washington Post đăng loạt bài về vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải xin từ chức

Trước đây nước Mỹ chỉ biết tới đệ nhất gia tộc Kennedy, nhưng ngôi vị này đã rơi vào tay gia tộc Bush, bởi gia tộc Kennedy không còn người nối dõi và trong khoảng 50 năm trở lại đây, gia tộc Bush đã chiếm lĩnh hầu hết các vị trí quan trọng trên chính trường - từ Nghị sỹ Quốc hội, Chủ tịch đảng Cộng hoà, Giám đốc CIA, Thống đốc bang, đến Phó Tổng thống và Tổng thống.

Cựu Tổng thống George Bush (cha) từng bị nghi là Deep Throat bởi khi đó ông là Phó Giám đốc CIA thời kỳ William Colby làm Giám đốc (4/9/1973 - 30/1/1976). Sau khi được minh chứng là không có liên quan tới Deep Throat, nên ông George Bush đã được Tổng thống Gerald Ford cử thay William Colby làm Giám đốc CIA (30/1/1976 - 20/1/1977). Trước và sau khi phải rời Nhà Trắng vì vụ Watergate, Tổng thống Richard Nixon đã cho 2 Giám đốc CIA ra đi, đó là Richard M.Helms (30/6/1966 - 2/2/1973) và James R.Schlesinger (2/2/1973 - 2/7/1973).

Có tin nói rằng, tại kỳ kiểm tra môn lịch sử năm 1999, Chase Culeman Beckman, một học sinh trung học đã khẳng định trong bài viết của mình rằng: Mark Felt là Deep Throat bởi đây là điều cậu được nghe từ miệng con trai phóng viên Carl Bernstein. Thông tin này khi đó từng gây chú ý, nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng sau khi bị Carl Bernstein và Mark Felt kiên quyết phủ nhận. Theo lời khai trước toà của Gordon Liddy (làm chứng trước toà ngày 30-1-2001), mục đích khi đột nhập vào Tổng hành dinh của đảng Dân chủ của ông ta chỉ nhằm lấy những bức ảnh khoả thân do John Dean chụp, trong đó có cả ảnh của Binet (vợ của John Dean). Vợ chồng Dean-Binet khi đó từng chỉ trích Gordon Liddy sau khi biết chuyện này.

Nếu chỉ có một mình Phó giám đốc FBI Mark Felt thì 2 ông Bob Woodward và Carl Bernstein khó có đủ tài liệu để theo đuổi vụ Watergate. Bởi có ít nhất 3 quan chức cấp cao FBI đã phối hợp với Deep Throat để cung cấp tài liệu cho 2 phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein. Đó là tiết lộ của ông Paul Daly, nguyên Cục trưởng phân cục FBI tại bang North Carolina (1978) và thành phố Albany, thủ phủ bang New York (1980). Sở dĩ ông Paul Daly dám quả quyết như vậy vì ngay từ năm 1978, quan chức này đã biết Deep Throat là ai.

Theo ông Paul Daly, 3 nhân viên cao cấp FBI đã cung cấp thông tin cho Deep Throat là Longce, nguyên Trưởng phòng chống tội phạm thương mại và khoa học kỹ thuật của FBI; Kim Kohl, nguyên Cục trưởng phân cục FBI tại Washington, người trực tiếp phụ trách cuộc điều tra vụ đột nhập của 5 kẻ lạ mặt vào trụ sở của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate hôm 17-6-1972 và Baez, nguyên Phó cục trưởng điều tra hình sự FBI. Điều đáng nói là tiết lộ của ông Paul Daly khó kiểm chứng bởi cả 3 người kể trên đều đã chết, không thể đối chất với Deep Throat.

Tuy nhiên, tiết lộ của ông Paul Daly cũng giúp lý giải tại sao thân phận của Deep Throat không bị phát hiện bởi theo nhận định, đánh giá của Ban cố vấn cho Tổng thống Richard Nixon, những thông tin do tờ Washington Post đăng tải thể hiện rõ một điều: tin tức mà toà soạn nắm được không phải từ một nguồn và người này phải ở vị trí rất cao mới có thể biết được nhiều thông tin như vậy.

Ngày 24-7-1974, Toà án tối cao Mỹ nhất trí thông qua quyết định buộc Tổng thống Richard Nixon phải trao cuốn băng ghi âm “nhạy cảm” cho bồi thẩm đoàn. Ngay sau đó các báo liên tiếp kiến nghị Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Nhưng trong khi các báo đưa ra lời đề nghị kể trên thì bà Katharine Graham (chủ tờ Washington Post) lại không làm như vậy. Ngày 9-8-1974, tờ Washington Post ra số đặc biệt gồm 22 trang tường thuật tỉ mỉ về vụ bê bối Watergate cùng lời tuyên bố từ chức của Tổng thống Richard Nixon. Theo giới chuyên môn, một số cải cách được ban hành sau vụ bê bối Watergate hiện vẫn còn âm hưởng. Bởi sau vụ Watergate, Quốc hội Mỹ đã ban hành một số cải cách về hệ thống tài chính trong chiến dịch tranh cử và hiện một số cải cách này đã bị Tòa án tối cao bác bỏ.

Ngay sau khi tuyên bố từ chức, ngày 9-8-1974, ông Richard Nixon đã về nghỉ ở San Clemente, bang California, Mỹ với tâm trạng vô cùng chán chường, thất vọng. Sau đó, ông Richard Nixon chuyển về New York và Saddle River, bang New Jersey vào năm 1981. Sau khi trở thành người kế vị Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống thứ 38 Gerald Ford đã ân xá cho người tiền nhiệm không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hình sự nào đối với vụ Watergate. Năm 1974, có khoảng 59% người Mỹ phản đối quyết định của Tổng thống Gerald Ford khi ân xá cho ông Richard Nixon. Nhưng đến năm 2002, cuộc khảo sát của hãng ABC News lại cho thấy, 59% tin rằng ông Gerald Ford đã đúng đắn khi ân xá cho ông Richard Nixon để nỗ lực thống nhất đất nước sau một trong những vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ở tuổi 47, bà Katharine Graham (sinh ngày 16-6-1917 trong một gia đình giàu có ở New York) không những goá chồng (kết hôn với ông Philip Graham năm 1940), mà còn gánh trọng tránh là chủ nhân tờ Washington Post. Năm 1963, bà Katherine Graham chính thức tiếp quản tờ Washington Post. Và sau 3 thập kỷ, dưới sự điều hành của bà Katherine, Washington Post từ tờ báo bên bờ phá sản đã trở thành một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu của nước Mỹ. Người ta gọi bà Katherine Graham là “huyền thoại của giới truyền thông”. Và ngày 17-7-2005, bà Katharine Graham qua đời ở tuổi 84.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng