40 năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức:

Bức tranh tổng quan về vụ bê bối Watergate (Kỳ III)

13:24 | 10/08/2014

1,216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một lần nữa tên tuổi của Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ Richard Nixon lại được báo chí và phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới

>> Bức tranh tổng quan về vụ bê bối Watergate (Kỳ II)

Kỳ III: Ý định ném bom hạt nhân xuống miền Bắc Việt Nam

“Cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ đã gây ra biết bao đau khổ, mất mát cho nhân dân Việt Nam và đã bị toàn thể loài người có lương tri lên án. Đây là một bằng chứng mới cho thấy sự tàn nhẫn khủng khiếp của một số thế lực hiếu chiến trong bộ máy chính quyền Mỹ lúc đó đối với nhân dân Việt Nam trong thời gian Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam”. Đây là câu trả lời của bà Phan Thuý Thanh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam hôm 1-3-3002 trước câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 28-2-2002, Cục lưu trữ quốc gia Mỹ cho công bố một cuốn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Richard Nixon với Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger ngày 27-4-1972, trong đó Nixon đã đề cập tới ý định ném bom hạt nhân xuống miền Bắc Việt Nam.

Một lần nữa tên tuổi của Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ Richard Nixon lại được báo chí và phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới. Người dân Mỹ, người dân Việt Nam nói riêng và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới nói chung được biết tới một bí mật trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ tiến hành trước đây. Bí mật này nằm trong 500 giờ của 1.000 cuốn băng được công bố hôm 28-2-2002, trong đó đáng chú ý nhất là nội dung cuộc nói chuyện giữa Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger với Tổng thống Richard Nixon hôm 27-4-1972 khi đề cập tới những phương án leo thang chiến tranh (tấn công các bến cảng, nhà máy điện, hệ thống đê điều...). Khi đó, Tổng thống Richard Nixon đã đề nghị ông Kissinger suy nghĩ và đưa ra phương án sử dụng bom nguyên tử, song đề nghị này đã bị ông Kissinger nhanh chóng bác bỏ. Sau cuộc nói chuyện kể trên, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh đợt leo thang lớn nhất trong cuộc chiến kể từ năm 1968.

Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ Richard Nixon đã phải từ chức vì dính líu đến vụ Watergate

Theo một số nhà chuyên môn, ông Richard Nixon từng bày tỏ sự giận dữ của mình đối với cố vấn nội an Charles Colson khi đề cập tới cuộc chiến tại Việt Nam (tháng 6-1972):“Tôi muốn phá huỷ, tiêu diệt mảnh đất đáng nguyền rủa đó. Bắc Việt Nam phải được tái thiết trật tự. Việc này đáng ra phải được làm từ lâu”. Những câu đối thoại như “Tôi muốn sử dụng bom nguyên tử”; “Điều này là quá lớn”; “Ông ngại sử dụng bom hạt nhân?”; “Tôi nghĩ ông nên suy nghĩ kỹ hơn”... đã trở thành những từ quen thuộc của các nhà nghiên cứu khi đề cập tới vũ khí hạt nhân, chiến tranh Việt Nam. Trong lời giải thích (biện hộ) khi trả lời phỏng vấn (do tạp chí Time tiến hành năm 1985), ông Richard Nixon thừa nhận, từng xem xét tới khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng cuối cùng đã loại bỏ kế hoạch này.

Dư luận từng quan tâm tới cuộc hội thảo khoa học hôm 3-3-2002 do Việt Nam và Mỹ đồng tổ chức nhằm trao đổi thông tin về kết quả điều tra hậu quả của chất độc màu da cam đối với sức khoẻ con người, môi sinh. Theo những kết quả nghiên cứu được công bố: mức độc tố Dioxin trong máu người Việt Nam cao quá mức bình thường - gấp 206 lần. Được biết, từ 1962 đến 1971, Mỹ đã rải hàng triệu gallon chất độc màu da cam xuống Việt Nam với mục đích “khai quang các khu vực nghi vấn”.

Một năm trước (tháng 8-2013), Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ cho công bố bản ghi âm bí mật các cuộc hội thoại cuối cùng của Tổng thống Richard Nixon tại Nhà Trắng trong thập niên 1970. Nội dung chủ yếu xoay quanh chính sách trong và ngoài nước, cũng như các sự kiện nổi bật thời Chiến tranh Lạnh như thiết lập hòa bình ở Việt Nam, trao trả tù nhân chiến tranh, và hệ quả của hội nghị thượng đỉnh năm 1972 giữa ông Richard Nixon và nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev.

Ngày 29-7-2011, Thẩm phán Royce Lamberth đã phê chuẩn kiến nghị của nhà sử học Stanley Kutler (tác giả một số cuốn sách về Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ và vụ Watergate) - cho công bố bản ghi lời khai, giải trình trước hội đồng bí mật (diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-6-1975) của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon xung quanh vụ bê bối Watergate. Bộ Tư pháp Mỹ từng phản đối việc công bố tài liệu kể trên vì cho rằng, sẽ ảnh hưởng tới lợi ích riêng của một số cá nhân bị điểm danh trong bản giải trình. Thẩm phán Royce Lamberth cho rằng, lợi ích lịch sử của bản ghi chép dầy 297 trang lớn hơn nhiều so với sự cần thiết giữ bí mật hồ sơ. Trước đó (2-12-2008), Mỹ cho công bố các đoạn băng ghi âm với thời lượng gần 200 giờ và khoảng 90.000 trang tài liệu dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Đó là lần thứ 12 (kể từ năm 1980) các đoạn băng ghi âm và tài liệu về chính quyền Tổng thống Richard Nixon được công bố.

Năm 1986, Cục lưu trữ quốc gia Mỹ từng công bố (một cách hạn chế) nội dung cuốn băng đã bị xoá một cách hết sức tinh vi. Cuốn băng ghi âm vụ Watergate được bán tự do trên thị trường kể từ ngày 21-1-2001 và qua cuốn băng này mọi người biết rõ hơn, chi tiết hơn về một quá khứ vốn được người ta cố tình che đậy. Trong tháng 2-2001, một số tờ báo lớn ở Mỹ đã đồng loạt đưa tin về vụ Watergate, theo đó ông Richard Nixon phải ra đi không phải vì âm mưu chính trị, mà do bị cuốn vào một trò đồi bại do viên luật sư làm việc tại Nhà trắng gây ra.

Theo nhận định của Giáo sư sử học chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ thuộc Đại học American Allan Lichtman, cho tới nay vụ bê bối Watergate vẫn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đời sống chính trị của nước Mỹ. Theo ông Allan Lichtman, nếu không nhờ những bài báo của 2 phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein thì Tổng thống Richard Nixon có lẽ đã thoát hiểm. Còn theo nhà phân tích chính trị Norman Ornstein, tình hình khi đó căng thẳng, nhưng không đến mức như bây giờ và những gì chứng kiến hiện nay là sự phân hóa phe phái, không chỉ đơn giản là phân cực.

(Xem tiếp kỳ sau)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng