Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

14:12 | 26/10/2013

833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng trong ngành y, đặc biệt là vụ phi tang xác bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường mới đây, một vấn đề được đặt ra là y đức đang xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Trước vấn đề này, một số cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và sáng ngày 26/10/2013, Bộ trưởng đã có văn bản trả lời các báo. Dưới đây là trả lời của Bộ trưởng.

PV: Bộ trưởng nhận định như thế nào sau vụ việc liên quan đến bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Bệnh viện Bạch Mai, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường? Có ý kiến cho rằng đây là biểu hiện y đức xuống cấp. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:  Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, là nỗi đau xót của ngành y tế. Một bác sĩ đã vì đồng tiền mà coi thường pháp luật, coi thường mọi quy chuẩn về đạo lý và trên hết là coi thường tính mạng của người khác thì không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng hành động của bác sĩ Tường, không còn là biểu hiện y đức xuống cấp mà là hành động phi nhân tính của một con người.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

PV: Cho đến nay chưa có một cơ quan nào được coi là liên đới trách nhiệm với vụ việc của bác sĩ Tường. Theo Bộ trưởng, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc và nên xử lý trách nhiệm cơ quan đó ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý. Việc một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm trực tiếp của Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là thanh tra Sở y tế Hà Nội và phòng Y tế quận Hai Bà Trưng. Nửa năm, trên một con phố nhiều phòng khám tư nhân mà họ không phát hiện ra một cơ sở y tế hoạt động trái phép thì khó có thể có lý do nào bao biện được. Do không có thẩm quyền trực tiếp xử lý, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP Hà Nội vào cuộc để xử lý nghiêm tất cả những cá nhân và tập thể có liên quan.

PV: Tuy nhiên, Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào khi lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng họ vô can trong sự việc vì đã phân cấp quản lý đến phường, quận?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong mấy ngày qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu và tôi rất đồng tình với phát biểu của đại biểu Phạm Trường Dân, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Để xảy ra vụ việc mất hết nhân tính này chứng tỏ Sở Y tế Hà Nội làm không hết trách nhiệm. Sở Y tế Hà Nội phải nhận khuyết điểm chứ không phải cứ nói rằng không cấp phép là xong. Nếu không cấp phép thì trong lĩnh vực quản lý của mình, Sở phải đi kiểm tra bởi Sở cũng có đầy đủ các phòng ban theo từng lĩnh vực và có cả lực lượng thanh tra y tế”.

Tuy nhiên, nói vậy, không có nghĩa là Bộ Y tế đứng ngoài cuộc. Như đã nói ở trên, đó cũng là lỗi của ngành và chúng tôi sẽ có cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội để thanh, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hoạt động của thẩm mỹ viện cũng như hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung.

PV: Tại cuộc họp Quốc hội sáng 24/10 vừa qua, Bộ trưởng có nói vấn đề đạo đức, y đức nghề nghiệp thời gian qua rất đáng báo động với một loạt sự việc trong ngành y tế. Vậy Bộ Y tế đã và sẽ có những động thái nào để giáo dục y đức, quản lý cán bộ nhân viên hành nghề tư nhân sau vụ việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhiều ý kiến khẳng định và tôi cũng khẳng định dù thật sự buồn. Và còn buồn hơn khi vấn đề đạo đức không chỉ có ở ngành y. Giáo dục đạo đức nói chung hay y đức nói riêng bắt đầu ngay từ khi chúng ta được sinh thành. Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp hay y đức có những giao thoa nhất định và nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu. Vẫn còn rất nhiều những thầy thuốc tận tâm với nghề, ngày đêm cứu sống bệnh nhân dù cuộc sống cá nhân của họ còn rất nhiều vất vả, thiếu thốn.

Tất nhiên, y đức vẫn là vấn đề quan trọng và chúng tôi tiếp tục gia tăng các hoạt động giáo dục, kêu gọi và tiếp tục áp dụng những kỷ luật nghiêm khắc hơn không chỉ với các sinh viên ngành y mà còn với các bác sĩ chuyên khoa, y tá, hộ lý… Chúng tôi cũng mong muốn xã hội giúp chúng tôi thực hiện trọn vẹn công việc này.

PV: Cùng với các biện pháp giáo dục thì Bộ Y tế sẽ có những giải pháp gì để hạn chế những tai biến, sai sót trong ngành y? Vì dường như việc ban hành các giải pháp từ Bộ còn rất chậm?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Các vụ tai biến kể trên, chắc chắn sẽ được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật để hạn chế cái xấu, làm gương cho những người vô trách nhiệm, coi thường tính mạng bệnh nhân, coi nhẹ vấn đề y đức. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm đến cùng trong các ca bệnh được cho là sự cố đáng tiếc. Chúng tôi luôn nghiêm khắc nhất có thể đối với những người thiếu trách nhiệm, y đức nếu kém….

Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường chia sẻ các trường hợp tai biến hoặc nguy cơ tai biến, có sự phân tích thấu đáo và phương án phòng ngừa để giảm thiểu chúng trong tương lai. Không phải là biện minh, nhưng ngành y luôn phải đối mặt với những sự cố mà dù có nỗ lực đến mấy thì nó vẫn xảy ra. Nên việc đưa ra giải pháp và giải quyết tình huống là điều luôn luôn sẵn sàng và bằng hành động cụ thể.

PV