Bỏ hủ tục “dzô dzô” đi!

07:02 | 09/02/2017

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Uống rượu vốn là một sinh hoạt văn hóa lâu đời của nhân dân ta, nên được gọi là văn hóa rượu. Thế nhưng lâu nay, uống rượu không còn là sinh hoạt văn hóa nữa mà đã trở thành hủ tục. Từ những cuộc rượu, không biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Nhiều thói hư, tật xấu đã nảy sinh từ những bàn nhậu.

Tết là dịp hội ngộ, chúc mừng nhau thêm một tuổi, mừng một năm phấn đấu, lao động miệt mài và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Nghỉ tết đã dài ngày, nhưng qua tết nhiều người vẫn chưa có tâm thế bước vào năm làm việc mới. Những cuộc nhậu nhẹt, chúc tụng rượu bia vẫn còn dai dẳng. Từ phố phường, làng xã, đi đâu cũng gặp không khí nhậu khai xuân và vang lên điệp khúc “dô dô”.

Trừ những nhà máy, xí nghiệp và lĩnh vực cung cấp dịch vụ phải làm việc thực sự, còn các cơ quan công sở không hiếm trường hợp vẫn ham mê nhậu. Phổ biến nhất là hiện tượng cán bộ, công chức đến cơ quan gặp mặt rồi lại mang bia, rượu ra chúc mừng nhau. Hết màn chào hỏi ấy thì từng nhóm lại mời nhau về nhà hoặc đi thẳng ra quán. Họ lại góp thêm vào lượng người tham gia giao thông trên các ngả đường để khiến phố phường thêm ách tắc. Đầu giờ chiều trở lại công sở với khí thế bừng bừng hoặc tâm trạng uể oải. Như vậy thì làm sao bảo đảm tỉnh táo để làm việc hiệu quả được!

bo hu tuc dzo dzo di

Sau những cuộc chúc tụng kéo dài ấy là đến việc rủ nhau đi lễ chùa cầu tài, cầu lộc. Xe cộ cùng với lễ vật, vàng mã ùn ùn rồng rắn tới các đền chùa. Và các cuộc nhậu lại tiếp diễn. Chính vì những hủ tục ấy mà năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của tháng Giêng thường thấp nhất trong năm. Các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam ngán ngẩm nhất với tháng Giêng này bởi công việc bị trì trệ.

Bia, rượu vốn là chất xúc tác, đem lại niềm hứng khởi cho con người nếu dùng đúng liều lượng trong những cuộc vui. Nhưng lâu nay bia rượu trở thành phương tiện, niềm đam mê của nhiều tầng lớp trong xã hội. Không có gì tự hào khi nước ta được xếp vào hàng tiêu thụ nhiều bia, rượu trên thế giới. Người ta tìm ra mọi lý do để uống. Không chỉ uống trong những tiệc cưới hỏi, ma chay, tân gia, lễ tết, mà lâu nay người ta có thể uống ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Lên cấp, lên chức, tăng lương, lâu ngày gặp lại, mua xe mới, vừa bỏ vợ, chia tay người yêu, trúng xổ số, vừa tai qua nạn khỏi… đều là cái cớ để nhậu.

Ngày tết càng là dịp để người ta mời nhau, thậm chí ép nhau uống thật nhiều vì có lý do là ngày nghỉ. Muốn ép nhau uống được nhiều, mọi người đều tìm ra cách mời khó từ chối. Nào là đồng niên, đồng hương, đồng học, cùng sinh con một bề đến bạn đồng ngũ, bạn cùng cơ quan, đến chuyện có bộ râu, mái tóc giống nhau. Thế rồi rượu vào lời ra, ai cũng thi nhau nói; nói như hét vào tai nhau, nước bọt như phun mưa vào mặt người khác cùng các món ăn. Hết chuyện trên trời dưới biển, ai cũng tỏ ra hiểu biết hơn người thì đến chuyện bóc mẽ nhau, hạ nhục nhau và cuối cùng là ẩu đả. Cuộc vui đã trở thành cuộc chiến. Không ít trường hợp đã dẫn đến đâm chém nhau chết người. Như vậy sao gọi là “văn hóa rượu” được nữa.

Cũng từ những cuộc rượu “dô dô” hết mình mà có những gia đình, dòng họ xảy ra cãi vã, ẩu đả rồi mâu thuẫn tới đỉnh điểm là mất hết cả tình cảm anh em, họ hàng, coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.

Những người nát rượu thì suốt ngày lê la hàng quán, hàng xóm láng giềng, hầu như không lúc nào tỉnh. Nhiều gia đình lâm vào cảnh đói khổ, nợ nần, con cái thất học vì có chồng ham mê rượu chè, cờ bạc. Ba ngày tết mà vợ con nhịn ăn, nhịn mặc chịu trận ngồi nghe chồng say khướt, chửi mắng vô cớ, thậm chí còn bị đánh đập.

Những cuộc “dzô dzô” không chỉ diễn ra với người lao động bình thường mà còn phổ biến ở những cuộc tiếp khách của giới quan chức. Mỗi khi có đoàn cán bộ đến công tác, đối tác trong và ngoài nước đến ký kết hợp đồng và triển khai dự án thì các quan chức cũng sẽ tổ chức tiệc rượu. Ngoài các món sơn hào hải vị thì rượu Tây đắt tiền cũng được mở vô tư. Và để hài lòng quý khách, chủ nhà còn điều các em xinh tươi, chân dài, ăn mặc mát mẻ đến chuốc rượu. Nhiều chị em cũng khốn khổ vì phải tuân lệnh sếp mà nhắm mắt uống đến say xỉn, rã rời.

Khi đã quá say, nhiều người vẫn liều mạng lái xe và gây tai nạn giao thông. Dịp lễ tết bao giờ cũng có tỷ lệ người thương vong cao hơn ngày thường do bia rượu. Biết rõ điều đó nhưng đã mấy ai từ bỏ được thói quen “dzô dzô”.

Chưa đến tết nhưng liên tiếp trong 5 ngày, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 trường hợp tử vong vì ngộ độc quá nặng khi uống phải rượu rởm. Đặc biệt, 3 người tử vong do có nồng độ cồn công nghiệp methanol cao.

Uống rượu đã không còn là văn hóa nữa mà trở thành hủ tục. Hết tết rồi, mọi người hãy tự giác dừng lại, đừng “dzô dzô” nữa để tỉnh táo bắt tay ngay vào công việc!

Bùi Đức