Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 5)

06:40 | 07/06/2013

6,518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù là Chủ tịch Đảng (sau Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong) và là Tổng bí thư thứ 9, nhưng Hồ Diệu Bang không sống trong Trung Nam Hải mà ở Đại lộ Bắc Trường bởi ông từng nói với gia đình rằng: Dọn vào ở thì dễ nhưng ra thì khó lắm thay. Tuy là người kế vị ông Hồ Diệu Bang, nhưng mãi sau này ông Triệu Tử Dương mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói này. Bởi ông đã vào ở trong Trung Nam Hải sau khi trở thành Thủ tướng (tháng 9/1980) và tới khi bị cách chức Tổng bí thư, bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải mới hối hận vì không biết nơi đây “nông sâu” thế nào. Số phận của 5 con người từng sống, làm việc, phục vụ trong Trung Nam Hải dưới đây là minh chứng.

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 4)

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 3)

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 2)

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 1)

Từ “Tổng quản sức khỏe” của Trung Nam Hải

Vì được vào Đảng Cộng sản Trung Quốc khi mới 17 tuổi và được đào tạo để trở thành bác sĩ nên năm 1954 ông Vương Mẫn Thanh, con trai Vương Thế Anh (một trong những lão thành cách mạng cùng thời với Chủ tịch Mao Trạch Đông) được điều động vào Trung Nam Hải làm việc. Kể từ đó ông Vương Mẫn Thanh là người chăm lo sức khỏe cho hầu như toàn bộ cán bộ lãnh đạo cấp cao của T.Ư Đảng. Khi mới vào Trung Nam Hải làm việc, ông Vương Mẫn Thanh là bác sĩ cơ động, sau đó được phân công đảm bảo sức khỏe cho Chủ nhiệm Văn phòng T.Ư Đảng Dương Thượng Côn bị mắc chứng huyết áp thấp. Khác với ông Dương Thượng Côn - chỉ khi nào bác sĩ yêu cầu khám mới chịu đi, còn ông Trần Bá Đạt thường xuyên yêu cầu bác sĩ kiểm tra sức khỏe.

Mùa đông năm 1959, Thứ trưởng Bộ Y tế Phó Liên Chương nói với ông Vương Mẫn Thanh: Tổ chức phân công anh chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Giang Thanh. Khi đó, được công tác bên cạnh Giang Thanh, tức là được làm việc gần Chủ tịch Mao Trạch Đông, tức là được sự tín nhiệm, tin tưởng tuyệt đối của tổ chức cả về phẩm chất cá nhân, cũng như trình độ tay nghề. Nhưng sau khi nghe con trai báo tin này, ông Vương Thế Anh chỉ lặng im không nói gì, mãi sau mới lên tiếng: “Lúc công tác bí mật tại Thượng Hải, bố không có cảm tình với Giang Thanh, nhất là sau khi cô ta bị bắt. Lúc ở Diên An (năm 1938) bố cùng một số đồng chí khác làm báo cáo gửi lên T.Ư Đảng không tán thành cuộc hôn nhân giữa Mao Chủ tịch với Giang Thanh, do đó con phải hết sức cẩn thận trong công tác mới được”.

Trương Xuân Kiều tại tòa

Sau khi tới Đông Sơn, Quảng Châu, Quảng Đông (nơi Giang Thanh ở), ông Vương Mẫn Thanh lại được mọi người ở đây nhắc nhở: Đồng chí Giang Thanh không thích ồn ào, phải bỏ giày, dép ở ngoài, đi chân đất trong phòng làm việc, khi nói chuyện với đồng chí Giang Thanh phải nhẹ nhàng, âm lượng chỉ đủ hai người nghe. Ví dụ được ông Vương Mẫn Thanh nhớ nhất khi đó là: cô hộ lý Lý Cường Hoa đã phải cắt bỏ hai đuôi sam của mình chỉ vì tiếng va đập của nó vào quần áo khiến Giang Thanh khó chịu! Có người từng bị mắng “làm gì mà ầm ỹ thế, sao lắm mồm như con lợn vậy” ngay tại bữa ăn… Sau tết nguyên tiêu năm 1960, Cục trưởng Cục Sức khỏe Sử Thư Hàn dẫn một đoàn bác sĩ giỏi tới Đông Sơn, Quảng Châu để khám bệnh theo yêu cầu của Giang Thanh. Nhưng khi mọi người có mặt đông đủ thì Giang Thanh lại tìm đủ lý do để trì hoãn  khiến đoàn bác sĩ “ăn không ngồi rồi” hơn một tháng. Nhưng khi đoàn xin phép ra phố để tham quan, mua hàng thì Giang Thanh lại yêu cầu khám!

Công việc của ông Vương Mẫn Thanh không vất vả nhưng chịu khá nhiều ức chế, áp lực và có lẽ mọi việc đúng như lời dặn trước đó của phụ thân Vương Thế Anh. Tuy nằm trên giường nhưng Giang Thanh lại bắt ông Vương Mẫn Thanh phải “thấp xuống” khi đưa thuốc an thần uống trước khi đi ngủ. Vì phải quỳ xuống mới đưa được thuốc cho Giang Thanh nên sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” trở về phòng, một nỗi uất hận đã trào dâng trong ông Vương Mẫn Thanh. Mùa thu năm 1962, ông Vương Mẫn Thanh trở lại Trung Nam Hải và từ đó chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho Đặng Tiểu Bình và một số lãnh đạo cao cấp khác.

Năm 1965, ông Vương Mẫn Thanh được cử làm Chủ nhiệm khoa Hội chẩn tại Trung Nam Hải và được mọi người gọi vui là “Tổng quản sức khỏe” của khu cấm địa này. Ngay từ khi “Cách mạng văn hóa” mới bắt đầu, ông Vương Mẫn Thanh đã viết một bức thư gửi Thủ tướng Chu Ân Lai nói về những thành tích bất hảo của Khang Sinh. Nhưng không ngờ bức thư này lại rơi vào tay Khang Sinh nên ông Vương Mẫn Thanh lập tức bị coi là phần tử phản cách mạng. Năm 1970, vụ án “phản cách mạng” của ông Vương Mẫn Thanh được Đặng Tiểu Bình minh oan. Đến năm 1985, ông Vương Mẫn Thanh được cử giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khỏe T.Ư cho tới khi nghỉ hưu.

Cái chết của Trương Xuân Kiều

Mặc dù chết từ hôm 21/4/2005 vì bệnh ung thư, thọ 88 tuổi, nhưng mãi tới trung tuần tháng 5-2005, tin tức về cái chết của Trương Xuân Kiều, một trong “bè lũ 4 tên” mới được giới truyền thông Trung Quốc chính thức loan tải. Sau khi Trương Xuân Kiều chết, một tài liệu tuyệt mật đã được tiết lộ, theo đó, vị cựu Phó thủ tướng từng lấy vợ là một kẻ phản bội cách mạng, nhưng việc này đã được giữ kín và đây là lần đầu tiên thân thế, sự nghiệp của Lý Thục Phương (tên khai sinh của Văn Tĩnh), vợ Trương Xuân Kiều được chính thức công bố. Sinh năm 1916, Lý Thục Phương được mọi người biết tới với mái tóc ngắn, nước da ngăm đen cùng chiếc kính cận màu vàng nhạt. Sau khi tới thành phố Thiên Tân học, Lý Thục Phương đã gia nhập Đoàn Thanh niên, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Năm 1942, Lý Thục Phương được cử đi học, sau đó làm tuyên truyền viên tại khu vực Bắc Nhạc.

Trong thời gian này, Lý Thục Phương do thường xuyên viết bài cho tờ nhật báo “Tấn Sát Dực” nên đã quen Trương Xuân Kiều, nguyên là một tuyên truyền viên kiêm phóng viên của bản báo. Trong khi quan hệ tình cảm giữa Trương Xuân Kiều, 26 tuổi (sinh năm 1917) với cô tuyên truyền viên 27 tuổi đang phát triển tốt đẹp thì Lý Thục Phương bị lính Nhật bắt (năm 1943). Sau khi bị giải về Thạch Gia Trang, Lý Thục Phương đã nhanh chóng đầu hàng quân Nhật, phản bội lại Đảng Cộng sản: đã tham gia viết tài liệu phản động và trực tiếp tuyên truyền chống lại cách mạng. Đúng thời điểm này Trương Xuân Kiều được cử giữ chức Phó tổng biên tập nhật báo “Tấn Sát Dực” và không hề hay biết về việc phản bội của Lý Thục Phương nên vẫn bố trí người yêu vào làm biên tập viên trong bản báo và kể từ đó Văn Tĩnh chính thức được sử dụng thay cho tên gọi Lý Thục Phương.

Sau khi kháng Nhật thành công, Trương Xuân Kiều và Văn Tĩnh đã làm lễ kết hôn tại thành phố Trương Gia Khẩu. Mặc dù Văn Tĩnh cố tình giấu mọi người về hành vi đầu hàng, phản bội của mình, nhưng sau đó tổ chức vẫn phát hiện ra. Song do nể mặt Trương Xuân Kiều nên tổ chức không đưa vấn đề này ra thảo luận, vẫn để Văn Tĩnh làm việc tại Văn phòng Thành ủy Thượng Hải. Do giữ kín được bản lý lịch đen của vợ nên Trương Xuân Kiều vẫn thăng tiến như diều gặp gió: từ Phó cục trưởng Xuất bản thông tin Hoa Đông, Tổng biên tập tờ Giải phóng nhật báo đến Trưởng ban Công tác văn hóa nghệ thuật, Trưởng ban Tuyên truyền, Thành ủy viên, rồi Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Trương Xuân Kiều giữ chức Bí thư Thượng Hải đúng thời điểm phát động cuộc “Cách mạng văn hóa” nên được coi là “bộ não” của “bè lũ 4 tên”. Vị thế của Trương Xuân Kiều càng được củng cố, thăng tiến thì vai trò, uy tín của Văn Tĩnh, đệ nhất phu nhân Thượng Hải càng nổi bật.

Tại thời điểm này, có một số cán bộ tổ chức Thượng Hải do đọc hồ sơ lý lịch của Văn Tĩnh nên đã lần lượt bị Trương Xuân Kiều điều chuyển làm công tác khác. Khi thấy vấn đề khó kiểm soát, Trương Xuân Kiều ra lệnh niêm phong và cấm mọi người tìm đọc hồ sơ lý lịch của Văn Tĩnh. Tuy đã áp dụng những biện pháp cực đoan nhất, nhưng tin tức về sự phản bội của Văn Tĩnh vẫn bị rò rỉ. Mặc dù sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, Trương Xuân Kiều được bổ nhiệm làm Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng vấn đề phản bội của Văn Tĩnh đã thực sự trở thành “mầm họa” đối với con đường chính trị của ông, bởi đã có nhiều tiếng nói công khai chỉ trích vấn đề này. Tuy được Văn Tĩnh nhất mực chiều chuộng và sinh hạ được 4 người con (3 gái, 1 trai), nhưng Trương Xuân Kiều vẫn quyết định ly hôn để khỏi bị liên lụy khi vấn đề phản bội của vợ chính thức được tổ chức đưa ra.

Mùa thu năm 1972, khi từ Bắc Kinh về Thượng Hải, Trương Xuân Kiều không ghé thăm nhà, nghỉ tại phòng khách của Tỉnh ủy Thượng Hải. Tháng 9/1973, khi Thủ tướng Chu Ân Lai và vợ là Đặng Dĩnh Siêu đưa Tổng thống Pháp đi thăm Thượng Hải, họ chỉ tới thăm nhà Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên và Từ Cảnh Hiền, chứ không ghé qua nhà Trương Xuân Kiều. Một thời gian sau, Vương Hồng Văn đã tìm gặp Mã Thiên Thủy, Từ Cảnh Hiền và Vương Tú Trân, những lãnh đạo của Thượng Hải để thông báo một tin bí mật: “Lần này tôi tới gặp các đồng chí để thông báo một việc quan trọng: đồng chí Trương Xuân Kiều đã quyết định ly hôn. Mới đây đồng chí Trương Xuân Kiều đã chính thức làm báo cáo gửi Trung ương về vấn đề này và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, việc này không nên công bố ra ngoài vì không có lợi, ảnh hưởng tới uy tín của đồng chí Trương Xuân Kiều”.

Do tiếp tục giữ kín được việc kể trên nên con đường chính trị của Trương Xuân Kiều vẫn thăng tiến: trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, Phó thủ tướng thứ hai. Năm 1975, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn đều đưa vợ con tới Bắc Kinh, nhưng người ta chẳng thấy Văn Tĩnh, vợ Trương Xuân Kiều đâu. Trong vòng 4 năm (từ tháng 10/1972 đến tháng 10/1976), Trương Xuân Kiều không hề ghé qua Thượng Hải đến một lần. Ngày 25/2/1976, sau cuộc họp “Phê phán Đặng Tiểu Bình”, Trương Xuân Kiều đã gọi Mã Thiên Thủy, Từ Cảnh Hiền và Vương Tú Trân tới phòng nghỉ của mình để nói chuyện. Trước khi mọi người ra về, Trương Xuân Kiều đề nghị họ tìm giúp cho một thư ký.

Ngày 16/5/1976, Từ Cảnh Hiền nhận được thư của Trương Xuân Kiều, trong đó có đoạn: “Tài liệu đồng chí gửi, tôi đã nhận được. Nói thực lòng, tôi không cần một thư ký bình thường, mà muốn tìm một người bạn. Tình hình của tôi thế nào, đồng chí biết quá rõ”. Tới lúc này, Từ Cảnh Hiền mới hiểu mục đích tìm thư ký của Trương Xuân Kiều nên nhanh chóng tìm hiểu và đã tìm được một người phù hợp, chỉ còn đợi thời điểm thuận lợi dẫn tới Bắc Kinh giới thiệu. Nhưng đúng lúc đó, một loạt sự kiện động trời liên tiếp xảy ra: Mao Trạch Đông ốm liệt giường, động đất tại Đường Sơn, Mao Chủ tịch mất... nên mọi việc tạm gác lại.

Mãi tới ngày 21/9/1976, Từ Cảnh Hiền mới hẹn gặp Trương Xuân Kiều để giới thiệu thư ký. Ngày 1/10/1976, Từ Cảnh Hiền đưa thư ký lên Bắc Kinh, định ra mắt vào ngày 6/10/1976, nhưng buổi tối hôm đó, Trương Xuân Kiều đã bị bắt. Ngày 25/1/1981, Trương Xuân Kiều bị Tòa án Nhân dân Tối cao kết án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án 2 năm. Đến tháng 1/1983, Trương Xuân Kiều được giảm án chung thân. Năm 1998, Trương Xuân Kiều được thả tự do vì lý do sức khỏe và nơi ông ta tìm về là ngôi nhà do Văn Tĩnh làm chủ. Trương Xuân Kiều đã sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời với người vợ mà ông ta đã quyết định ly hôn, nhưng bất thành.

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn - Từ Sơn