Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 4)

07:00 | 04/06/2013

6,590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong tháng 4/1976, Mao Chủ tịch đã lần lượt gặp Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Giang Thanh, Trần Tích Liên, Mao Viễn Tân, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên để “dặn dò”.

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 2)

>> Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 1)

Mao Chủ tịch nói về “người thừa kế”

Diệp Kiếm Anh

Mặc dù từng đến Trung Quốc 5 ngày (tháng 5/1960), nhưng hơn 1 năm sau (tháng 9/1961), nguyên soái Montgomery lại đến Bắc Kinh và được Mao Chủ tịch nói về “người thừa kế” và kết luận: Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc khó giữ được ổn định.

Chiều 21/9/1961, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ gặp nguyên soái Montgomery. Đây là cuộc gặp do Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ sắp xếp. Ngày 22/9/1961, Mao Chủ tịch quyết định gặp nguyên soái Montgomery tại Vũ Xương. Mao Chủ tịch cho biết, nguyên soái Montgomery dũng cảm trong chiến đấu và lần này tới Bắc Kinh cũng rất dũng cảm - dám đưa ra 3 nguyên tắc.

Trưa 23/9/1961, Mao Chủ tịch gặp nguyên soái Montgomery tại Đông Hồ và được tặng một hộp thuốc lá 555 cùng nhiều câu hỏi. 14 giờ 30 phút ngày 24/9/1961, Mao Chủ tịch lại quyết định nói chuyện với nguyên soái Montgomery.

Sau khi Mao Chủ tịch nói, Trung Quốc có câu: 73-84 tuổi, Diêm Vương không tìm, tự mình cũng đi, nguyên soái Montgomery lập tức lợi dụng câu này để hỏi: Tôi quen khá nhiều lãnh đạo trên thế giới và thấy rằng, họ không muốn nói rõ người thừa kế là ai, hiện Chủ tịch đang minh mẫn, ngài có thể nói người thừa kế là ai?

Mao Chủ tịch lập tức đáp: Rất rõ ràng, đó là Lưu Thiếu Kỳ bởi anh ta là Phó chủ tịch thứ nhất của Đảng. Sau Lưu Thiếu Kỳ có phải là Chu Ân Lai?, nguyên soái Montgomery lại hỏi. Mao Chủ tịch liền nói: Sau Lưu Thiếu Kỳ là ai tôi không quan tâm. Sau đó, Mao Chủ tịch nói tới 5 cách chết: bị người khác bắn, bị rơi máy bay, đổ tàu, bệnh tật, chết đuối và sau khi chết, tốt nhất là nên hỏa táng, mang tro đổ ra biển, đổ làm thức ăn cho cá.

Trong tháng 4/1976, Mao Chủ tịch đã lần lượt gặp Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Giang Thanh, Trần Tích Liên, Mao Viễn Tân, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên để “dặn dò”. 2 tháng sau (tháng 6/1976), Mao Chủ tịch dự buổi họp cuối cùng với Bộ Chính trị và đây là cuộc họp do ông yêu cầu, nhưng 5 ủy viên Bộ Chính trị không được báo tới dự, đó là Diệp Kiếm Anh, Lưu Bá Thừa, Chu Đức, Thừa Thế Hiền và Lý Đức Sinh.

Mao Chủ tịch nói: Diệp Kiếm Anh và những người theo ông ta sẽ xét lại đường lối hiện nay, sẽ “tính sổ” với “Cách mạng văn hóa”, sau đó sẽ phê bình tôi. Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình là một, họ có cơ sở vững chắc và uy tín cao trong quân đội. Diệp Kiếm Anh bị bệnh là do tôi phê và không dùng Đặng Tiểu Bình, không tán thành Lý Tiên Niệm  làm Thủ tướng. Sau khi tôi chết, các anh không nên để họ ở lại trong Bộ Chính trị, phải đề phòng Lý Tiên Niệm và Lý Đức Sinh vì họ là người của Đặng Tiểu Bình.

Mao Chủ tịch từng hỏi Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng: Sau khi tôi chết liệu Đặng Tiểu Bình có xét lại không? Sau khi 2 người này nói, Mao Chủ tịch đã lắc đầu, nói: Các anh không nên kết luận vội vàng bởi Đặng Tiểu Bình sẽ làm và làm đến cùng. Các anh có biết trong mắt Đặng Tiểu Bình có ai không?

Đó là 2 người đã chết: Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và hiện là Lưu Bá Thừa. Đặng Tiểu Bình chỉ tôn trọng vì tôi là Chủ tịch. Ai đề cử Lưu Thiếu Kỳ làm Chủ tịch nước - anh ta, ai tán thành tôi lui về tuyến hai - anh ta, ai đề cử Lưu Thiếu Kỳ thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc hằng ngày của Đảng - anh ta, ai phản đối bệnh sùng bái cá nhân tại Đại hội 8 - anh ta, ai ép tôi phải kiểm điểm về “Đại nhảy vọt” - anh ta. Nên nhớ, những kiến nghị của Đặng Tiểu Bình đều được Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh và Trần Vân ủng hộ và thông qua…

Ai đảm bảo sẽ không có chính biến sau khi tôi qua đời? và người có thể làm chuyện này là Đặng Tiểu Bình và những người theo anh ta, do đó các anh phải nhớ những điều tôi đã nói.

Tới những ngày cuối cùng của Mao Trạch Đông

Đêm 27 rạng sáng 28/7/1976, trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra tại Đường Sơn khiến Uông Đông Hưng phải gọi Lý Chí Tuy gấp. Khi bác sĩ Lý Chí Tuy chạy đến phòng Mao Chủ tịch đã thấy Vũ Nhã Cư, Lý Linh Thy, Mông Tân Quân và Trương Ngọc Phượng có mặt ở đó. Những người kể trên có mặt ngay khi động đất xảy ra bởi chiếc giường của Mao Chủ tịch nằm bị lắc dữ dội, toàn tòa nhà rung lên, tiếng tôn lợp nhà đập vào nhau kêu rầm rầm nghe đến phát sợ.

Mao Chủ tịch khi ấy còn thức nên hỏi: Có chuyện gì đã xảy ra? Khi biết đó là động đất, ông cho gọi Uông Đông Hưng và Vương Hồng Văn tới để tìm chỗ khác an toàn hơn. Uông Đông Hưng đề nghị đưa Mao Chủ tịch đến biệt thự Cung Uyển ở phía tây Bắc Kinh do Chu Ân Lai trực tiếp trông coi việc xây dựng năm 1972, nhưng Mao Chủ tịch lại ghét biệt thự này.

Uông Đông Hưng

Sau đó, Uông Đông Hưng lại nói, hay dọn đến tòa nhà 202 (mới xây năm 1974) vì có thể chịu động đất, lại có hành lang nối liền với hồ bơi. Mao Chủ tịch đồng ý nên mọi người lập tức đẩy chiếc giường có gắn bánh xe đến chỗ ở mới. Trước khi xảy ra trận động đất kể trên, ngày 8/3/1976, Trung Quốc xảy ra một chuyện kỳ lạ: 3 thiên thạch lớn rơi xuống tỉnh Cát Lâm, viên to nhất nặng tới 1.770kg. Sau sự kiện này, Mao Chủ tịch nói: Trung Quốc có học thuyết nói rằng, thiên nhân cảm ứng, điều này có nghĩa chuẩn bị có sự biến đổi lớn - thiên thạch lớn rơi xuống ắt là ta sắp chết.

Trong khi tổ bác sĩ, y tế làm việc suốt ngày đêm, mọi người lo lắng cho sức khỏe của Mao Chủ tịch thì Giang Thanh lại mang nhiều tài liệu “đấu tố Đặng Tiểu Bình” để Mao Trạch Đông đọc. Mặc dù Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đề nghị không mang thêm nữa, nhưng Giang Thanh không nghe. Thậm chí vì sợ lây bệnh của chồng, Giang Thanh còn bắt bác sĩ phải khám bệnh cho mình cho dù công việc của tổ bác sĩ, y tế quá bề bộn và mệt mỏi.

Chiều 2/9, Mao Trạch Đông lên cơn đau tim nặng hơn 2 lần trước nên phải cấp cứu ngay. Ba ngày sau (5/9), bệnh tình Mao Chủ tịch nguy kịch khiến Hoa Quốc Phong phải gọi Giang Thanh về. Nhưng vừa đến được vài phút, Giang Thanh đã bỏ đi ngay vì mệt, cần nghỉ ngơi và không đả động gì tới tình trạng sức khỏe của Mao Chủ tịch.

Chiều 7/9, bệnh tình của Mao Chủ tịch nặng thêm. Cả tổ bác sĩ, y tế ai cũng biết cái chết đang đến với Mao Chủ tịch từng giờ, từng phút. Khi biết tình trạng này, Giang Thanh đến tòa nhà 202 giữa lúc Mao Trạch Đông đang ngủ. Giang Thanh đòi dùng phấn xoa sau lưng cho Mao Chủ tịch, rồi nắn bóp chân tay chồng, nhưng bị phản đối bởi xoa bột phấn lên lưng sẽ làm hại tới phổi, song bà ta không nghe. Sau khi xong việc, Giang Thanh bắt tay từng người và nói: các anh nên vui mừng đi! Cử chỉ này của Giang Thanh khiến mọi người ngỡ ngàng, mãi sau mới hiểu - Mao Trạch Đông sắp chết, mọi người nên mừng vì bà ta sẽ làm Chủ tịch.

Tối 7/9, Giang Thanh lại đến tìm “hồ sơ” đưa Mao Chủ tịch đọc trước đó. Vì bận chăm sóc Mao Chủ tịch nên không ai giúp tìm “hồ sơ” nên Giang Thanh đã nổi giận và la toáng lên rằng: có người ăn cắp tài liệu, hồ sơ mật. Ngày 8/9, Giang Thanh lại đến, yêu cầu phải đổi thế nằm cho Mao Chủ tịch kẻo để nằm bên trái quá lâu không tốt.

Bác sĩ trực khi đó không chịu vì Mao Chủ tịch chỉ nằm bên trái mới thở được, nhưng Giang Thanh vẫn xoay người cho chồng sang bên phải khiến ông ngừng thở, mặt xanh như tàu lá. Thấy vậy, Giang Thanh lập tức bỏ ra khỏi phòng đi một mạch khiến tổ bác sĩ, y tế phải cấp cứu cho Mao Chủ tịch. Hoa Quốc Phong liền yêu cầu Giang Thanh không được cản trở công việc của bác sĩ, nhưng sau khi chuông đổ 24 giờ ngày 9/9/1976, tim của Mao Chủ tịch ngừng đập.

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn - Từ Sơn