Bí mật thế giới lobby tại Washington

07:57 | 09/11/2011

1,310 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu ảnh hưởng của giới lobby lên chính sách kinh tế đã là tiêu cực thì sự thao túng của dân vận động hành lang đối với chính sách đối ngoại của Washington càng cho thấy mặt trái đen tối hơn của vấn đề.

Trong nhiều trường hợp, chính sách đối ngoại Washington không hẳn nằm ở bàn nghị sự Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà xuất phát từ kết quả thành công của những tay lobbyist chuyên nghiệp mà tiếng nói của họ thậm chí còn nặng ký hơn cả nghị sĩ; và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp lên chính nước Mỹ…

Giới lobbyist có thể thao túng chính sách đối ngoại Mỹ?

Vụ tiết lộ mới đây liên quan việc tình báo Pakistan từng chi đậm (hơn 4 triệu USD) để tạo ảnh hưởng lên chính sách Mỹ đối với vấn đề Kashmir là một ví dụ. Trong vài tiết lộ mới liên quan Libya, bây giờ người ta biết rằng vào giữa năm 2011, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) đã nhờ hai hãng PR chính trị Patton Boggs và Harbour Group giúp vận động hành lang tìm kiếm hậu thuẫn Washington trong cuộc chiến lật đổ Muammar Qaddafi.

Và trước đó chỉ khoảng một năm, Hãng lobby của Randa Fahmy Hudome chính là nơi vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Libya thời chế độ Qaddafi khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố (Randa Fahmy Hudome được Libya chi 300.000USD/quý)… Những chi tiết mâu thuẫn tương tự trong hậu trường lobby chính trị tại Mỹ có thể nói là nhiều vô thiên lủng. Điều đó có thể một phần giúp giải thích tại sao đường lối đối ngoại Mỹ tưởng chừng nhất quán nhưng có khi lại thay đổi 180o. Yếu tố ảnh hưởng bởi thời cuộc đã đành nhưng tác động của giới vận động hành lang rõ ràng không thể bỏ qua…

Trong chuyến kinh lý Bắc Kinh với tư cách Chủ tịch Hạ viện tháng 5/2009, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi chỉ bàn về các vấn đề liên quan đến thay đổi khí hậu!

Hạ tuần tháng 9/2011, Nội các Obama chuẩn y việc nâng cấp dàn chiến đấu cơ F-16A/B cho Đài Loan. Ít người biết rằng, đây là kết quả “bán phần” của 9 công ty vận động hành lang chi hơn 1 triệu USD từng miệt mài lobby Quốc hội Mỹ trong suốt thời gian dài. Nổi bật trong số đó là Văn phòng đại diện văn hóa – kinh tế Đài Bắc (TECRO) đóng tại Washington. Hồ sơ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, các cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Alfonse D’Amato và Frank Murkowski cùng cựu dân biểu Cộng hòa Vito Fossella là những người nằm trong “bảng lương” Đài Loan. Chuyên gia lobby thuộc Park Strategies (của D’Amato) đã móc nối với các thành viên Quốc hội Mỹ 44 lần và chi tổng cộng 250.000USD từ đầu năm 2011 để thực hiện chiến dịch vận động Washington bán F-16 cho Đài Bắc. Ngoài ra, còn có hãng lobby Orion Strategies của Randy Scheunemann, vốn là cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ John McCain năm 2008. Scheunemann đã bỏ túi 78.000USD cho chiến dịch F-16.

Một trong những thành công của các công ty lobby trong vụ F-16 là thuyết phục được 181 dân biểu và 45 thượng nghị sĩ cùng hạ bút ký “thỉnh nguyện thư” hối thúc Tổng thống Barack Obama bán “đồ chơi” F-16 cho đồng minh Đài Loan. Tuy nhiên, cuối cùng ông Obama đã thận trọng không bán F-16C/D (loại mới) mà thay vào đó chỉ nâng cấp F-16A/B. Dù không được như ý nhưng dẫu sao cũng thành công phần nào, đối với giới lobby và nó cho thấy tiền chi cho chiến dịch vận động hành lang chẳng phải đổ sông đổ biển…

Gương mặt lobbyist nổi tiếng nhất Washington

Nói đến kỹ năng lobby đối với các vấn đề liên quan chính sách thương mại, có lẽ Kirsten Chadwick thuộc Hãng Fierce, Isakowitz & Blalock là nhân vật thành công nhất Washington hiện thời, người đang đại diện cho nhiều tập đoàn, công ty tên tuổi, từ Ford, Home Depot đến ­JPMorgan Chase… Gần đây, Chadwick đã đứng sau một hiệp định mậu dịch giữa Mỹ và Hàn Quốc, liên quan đủ lĩnh vực, từ bản quyền, tài chính – ngân hàng đến viễn thông. Với trị giá gần 68 tỉ USD, đây là hiệp định thương mại lớn nhất đối với Mỹ kể từ NAFTA (Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ) năm 1994. Với “đường dây” quen biết Quốc hội phải nói là rất rộng và sâu, Chadwick là một lobbyist có thể chuyển không thành có hoặc ngược lại.

Trong nhiều vụ, giới lobby thậm chí đã tạo ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động của giới chức ngoại giao Hoa Kỳ. Hạ tuần tháng 1/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton loan bố việc bổ nhiệm Richard Holbrooke làm “công sứ đặc biệt tại Afghanistan và Pakistan”. Một công sứ ngoại giao Mỹ đối với Nam Á đáng lý phải phụ trách cả Ấn Độ và Kashmir nhưng lần này tại sao lại không? Ít người biết việc chức danh chính thức của Holbrooke không có tên “Ấn Độ” là kết quả thành công của một chiến dịch vận động hành lang. Không ưa Holbrooke bởi tin rằng nhân vật này có thiện cảm với Pakistan, Ấn Độ đã bắt đầu chạy cửa sau hậu trường để Holbrooke không dính dáng đến họ trong các sứ mạng ngoại giao chính thức, ngay khi vừa nghe được tin Washington sắp bổ nhiệm ông làm công sứ Nam Á. Để tiến hành chiến dịch lobby, Ấn Độ đã thuê nhiều tay lobbyist chuyên nghiệp trong đó có Hãng BGR vốn từng làm lobby cho New Dehli từ vài năm trước. Từ năm 2005 đến 2009, Ấn Độ đã chi cho BGR khoảng 2,5 triệu USD. Ngoài ra, Tòa đại sứ Ấn tại Washington cũng móc nối với Hãng lobby Patton Boggs…

Khi Trung Quốc thâm nhập Capitol Hill!

Cách đây hơn 10 năm, giới nghị sĩ Mỹ đã cáo buộc Công ty Tàu thủy Trung Quốc (COSO) là một ổ gián điệp lén lút chơi trò bẩn trong các thương vụ “đầu tư” vào Mỹ. Cho nên, các ông nghị Mỹ đã ngăn kế hoạch đầu tư mở rộng cảng Long Beach (California) của COSO. Tuy nhiên, năm 2009, một số nghị sĩ Mỹ bỗng quay ngoắt thái độ khi tán dương COSO. Thượng nghị sĩ Dân chủ John F. Kerry hớn hở hoan hô việc COSO thuê hàng ngàn công nhân Mỹ cũng như giúp môi trường biển Alaska trong sạch. Đứng trong phòng họp Quốc hội, dân biểu Dân chủ Stephen F. Lynch cũng nhiệt liệt khen ngợi COSO hết lời, gọi tay tổng giám đốc công ty này là “đại sứ của nhân dân” đối với nước Mỹ sau khi COSO cứu sống được khu cảng tại Boston…

Vụ trên là một trong những trường hợp cho thấy Trung Quốc đã thành công đáng kể trong các chiến dịch vận động hành lang tại Washington, đến mức một số ông nghị bắt đầu nói rằng chớ nên tiếp tục nghĩ “Trung Quốc là dân Cộng sản” mà hãy nghĩ “người Trung Quốc đơn giản là người Trung Quốc” – như phát biểu của dân biểu Dân chủ Earl Blumenauer đại diện tiểu bang Oregon (Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Oregon, sau Canada – tính đến đầu năm 2009). Sự “đánh giá” lại “vấn đề Trung Quốc” đối với Quốc hội Mỹ còn thể hiện ở một “cử chỉ đẹp” vào tháng 10-2009, khi Quốc hội thông qua nghị quyết tưởng niệm lần thứ 2.560 ngày sinh Khổng Tử!

Kirsten Chadwick - một trong những tay lobbyist nổi tiếng nhất Washington hiện nay

Trong 4 năm đầu làm đại sứ tại Mỹ, Chu Văn Trọng (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đến thăm khoảng 100 thượng nghị sĩ và dân biểu – điều hiếm xảy ra đối với các đại sứ Trung Quốc tiền nhiệm. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington chỉ có một nhà ngoại giao đặc trách các vấn đề liên quan Quốc hội Hoa Kỳ. Gần như mọi “giao dịch” không liên quan chính trị ngoại giao, Tòa đại sứ Trung Quốc đều giao khoán cho các tổ chức thương mại Mỹ chẳng hạn Phòng Thương mại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, những nhóm vận động hành lang trên tỏ ra thận trọng và miễn cưỡng giúp Trung Quốc, nước mà bây giờ bắt đầu là đối thủ kinh tế của Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc tăng cường công tác vận động hành lang. Năm 2005, khi chuẩn bị ráo riết kế hoạch đấu thầu mua Công ty Dầu Mỹ Unocal, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc Hải Dương thạch du (CNOOC) đối đầu trực tiếp với Hãng dầu Mỹ Chevron. Lần đó, Trung Quốc quyết định chi đậm, đến 4 triệu USD, để vận động hành lang. Tuy nhiên, cuối cùng, họ thất bại trước Chevron, khi Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết ngăn cản CNOOC với lý do an ninh quốc gia…

Quốc hội Mỹ - nơi tập trung tác chiến của giới lobby nước ngoài

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã rút ra được nhiều bài học về kỹ thuật lobby cũng như kỹ xảo chơi trò hậu trường chính trị ở Mỹ. Năm 2009, họ đã khánh thành trụ sở tòa đại sứ mới (chi phí 200 triệu USD) tại Đại lộ Van Ness; tăng cường hoạt động lobby, đồng thời móc nối làm thân với giới chính trị Mỹ. Phòng đặc trách các vấn đề Quốc hội trong Tòa đại sứ Trung Quốc bây giờ có hơn 10 nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Gọi như vậy bởi họ được đào tạo bài bản, hầu hết đều tốt nghiệp đại học Mỹ với khả năng nói tiếng Anh như gió và rành rẽ văn hóa chính trị Mỹ. Cách tiếp cận vấn đề trong kỹ thuật đối ngoại của Trung Quốc cũng bắt đầu khác, linh hoạt hơn. Mềm nắn rắn buông. Đúng kiểu dân chơi đầu có sạn.

Năm 2005, khi thượng nghị sĩ Dân chủ Charles E. Schumer và thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey O. Graham đề xuất một dự luật, dọa “chặt” 27,5% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh điều chỉnh chính sách định giá nhân dân tệ. Thay vì “rủa” hai nghị sĩ trên Nhân Dân nhật báo như vẫn thường làm trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại trải thảm mời họ sang Trung Quốc. Cuối chuyến công du, Charles E. Schumer nói với các phóng viên rằng, ông sẽ không còn muốn thúc đẩy việc bỏ phiếu dự luật trên(!) và rằng bây giờ ông thấy “lạc quan hơn” đối với cái nhìn về “đất nước và con người” Trung Quốc…

Từ năm 2005-2009, theo Washington Post, lần đầu tiên Trung Quốc đã tổ chức mời tiệc thết đãi giới chính trị gia Mỹ nhiều hơn Đài Loan. Từ năm 2006 đến 2009, Trung Quốc cũng tăng gấp ba tiền chi cho các hãng lobby trong đó có những hãng sừng sỏ như Patton Boggs và Hogan & Hartson (dù vẫn còn thua Đài Bắc)… Năm 1991, trong chuyến công du Trung Quốc, dân biểu Nancy Pelosi đã tung một băngrôn tại Quảng trường Thiên An Môn với nội dung tưởng nhớ những người chết trong cuộc chính biến năm 1989. Năm 2009, trong chuyến ghé thăm Bắc Kinh với tư cách Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi dù vẫn đề cập nhân quyền nhưng đã tập trung nghị sự hơn vào các vấn đề liên quan… thay đổi khí hậu!

Theo thống kê mới nhất được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố giữa tháng 9/2011, các tổ chức chính phủ (nói đúng hơn là những tổ chức lobby) từ hơn 130 quốc gia đã chi gần 460 triệu USD năm 2010 để “chạy cửa sau” tại hành lang Quốc hội cũng như các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ…

Với Trung Quốc, bài học lớn nhất rút ra khi chơi với Mỹ là phải biết vận động hành lang, trong các vấn đề những tưởng chỉ thông qua con đường đối thoại ngoại giao thuần túy. Trung tuần tháng 10/2011, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động lobby tại Washington, nhằm giết chết một dự luật trừng phạt kinh tế Trung Quốc (do bị Thượng viện Mỹ cáo buộc liên quan đến chính sách tỉ giá nhân dân tệ). Theo Reuters, “Nhóm liên lạc Quốc hội” gồm 12 thành viên trong Tòa đại sứ Trung Quốc đã được tung ra gặp tùy viên của những ông nghị chủ chốt; gọi điện í ới đến các văn phòng Quốc hội; và liên lạc cả Phòng Thông tin trong Nhà Trắng. Tòa đại sứ Trung Quốc đã chi cho một hãng lobby 35.000USD/tháng để giúp họ “chạy thuốc” ở hành lang Quốc hội.

Cần biết, dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua và đang chờ Hạ viện xét. Cho nên, “đạn pháo” lobby Trung Quốc vẫn đang dội tới tấp đến các văn phòng dân biểu và thậm chí đến “tất cả ban, ngành Chính phủ Mỹ, trong đó có Nội các Obama” – theo lời một viên chức ngoại giao (giấu tên) tại Tòa đại sứ Trung Quốc nói với Reuters. Theo hồ sơ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (nơi kiểm soát hoạt động lobby nước ngoài tại Washington), Tòa đại sứ Trung Quốc đã chi cho Hãng lobby Patton Boggs 104.090USD vào ngày 5/5/2011 và 105.000USD vào ngày 13/5/2011. Chẳng biết có phải ảnh hưởng từ chiến dịch lobby Trung Quốc hay không nhưng thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch đã bắt đầu có ý kiến rằng vấn đề (tỉ giá nhân dân tệ) bây giờ phải nhất thiết “lắng nghe Trung Quốc trình bày cái đã”…

Mạnh Kim