Bí ẩn của châm cứu

14:19 | 20/06/2012

2,493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châm cứu là một y thuật có lịch sử hàng ngàn năm và đã được Tổ chức y tế thế giới WHO bước đầu công nhận. Tuy nhiên, bản chất thực sự của châm cứu vẫn là bí ẩn đối với khoa học hiện đại, khi nó được xem như một trường hợp khá điển hình của y học năng lượng.

Châm cứu là kỹ thuật dùng vật mảnh và nhọn (châm) hoặc mồi ngải (cứu) tác động lên các huyệt trên da để chữa bệnh. Theo y lý phương Đông, đó là kỹ thuật khôi phục sự cân bằng âm dương, các loại sinh khí vẫn được lưu hành theo hệ kinh mạch trong cơ thể. Tuy nhiên, khoa học hiện đại chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về mặt giải phẫu và sinh lý của khí, huyệt và đường kinh; và một số nhà thực hành thậm chí không châm theo các bộ huyệt kinh điển.

Các nghiên cứu ủng hộ việc dùng châm cứu để giảm đau hoặc điều trị chứng nôn ói sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị ung thư. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng, đó chỉ là một kiểu tâm lý liệu pháp.

Lịch sử châm cứu

Khởi nguồn chính xác của châm cứu là đối tượng của các giai thoại; một trong số đó giả định các chiến binh cổ đại tổn thương nhẹ do bị trúng tên lại thấy các chứng bệnh mạn tính suy giảm. Các đồ hình từ thời nhà Thương (1600-1100 trước CN) cho thấy châm được dùng cùng với cứu. Mặc cho sự xuất hiện của kim loại, đến tận thế kỷ thứ II trước CN, kim châm mới thay thế thạch châm. Thư tịch cổ nhất về châm cứu là tác phẩm “Hoàng đế nội kinh”, xuất hiện khoảng 200 năm trước CN. Nó không phân biệt châm và cứu, với cùng các chỉ định cho cả hai kỹ thuật. Cùng với sự lan tỏa văn hóa, châm cứu xâm nhập các quốc gia láng giềng, như Triều Tiên, Nhật Bản hoặc Việt Nam, với sự cải biến riêng thích hợp.

Châm cứu

Sau đời nhà Tống, châm cứu mất thế thượng phong so với phương dược. Chỉ đến sau năm 1949, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông, châm cứu mới trở nên phổ biến tại Trung Quốc như ngày nay.

Tại châu Âu, các nghiên cứu cho thấy, trên cơ thể người băng Otzi có tới 15 nhóm hình xăm, một số trùng với các huyệt vị. Điều đó dẫn tới giả định, thực hành kiểu châm cứu đã xuất hiện trên khắp lục địa Á-Âu từ 5.000 năm trước.

Bản chất huyệt đường, kinh và khí

Trên 14 kinh mạch trong cơ thể, có 365 huyệt vị, tương ứng số ngày trong một năm. Số huyệt vị tăng theo thời gian, vì trong “Hoàng đế nội kinh” chỉ có 160 huyệt. Nhiều huyệt có vị trí tương ứng với các bó thần kinh nhỏ. Nghiên cứu tại Trung Quốc những năm 1980 cho thấy, 309 huyệt nằm trên hoặc rất gần các sợi thần kinh, 286 huyệt nằm trên hoặc rất gần các mạch máu lớn, với các bó thần kinh mạch bao quanh. Các huyệt khác tương ứng với các điểm trigger, là điểm đau chói trong đau cân cơ; hoặc điểm vận động, nơi thần kinh tận cùng tại các bó cơ. Nói cách khác, huyệt vị thường tương ứng với các tận cùng thần kinh tại da, mạch máu hoặc cơ. Chẳng hạn huyệt Hợp cốc tương ứng với nhánh bề mặt của thần kinh xương quay.

Vậy loại thần kinh ngoại biên nào chuyển tải tác dụng của châm cứu? Một số nhà khoa học giả định, đó là sợi cảm giác độ dài Aγä, sợi dẫn cảm giác đau nhanh Aδ và sợi dẫn cảm giác đau chậm C. Chúng chuyển tải mọi cảm giác đặc trưng của sự đắc khí: cảm giác tê (Aγä); nặng, căng, dính (Aδ) và đau (C).

Vậy khí, dòng năng lượng sống trong cơ thể là gì? Ngoài xung thần kinh thông thường chạy dọc các nơ-ron, đó có thể là dòng điện vết thương chạy theo hệ tế bào đệm, có tác dụng khởi phát sự tái sinh (phát hiện của giới chấn thương chỉnh hình Mỹ thập niên 60 của thế kỷ trước), hoặc các tín hiệu điện từ chưa biết nào đó. Vì thế khi phong bế các sợi thần kinh, châm cứu mất tác dụng (khám phá của Chiang, 1973).

Tương tự như khí và huyệt, bản chất thực sự của đường kinh vẫn chưa được khám phá. Theo Felix Mann, Chủ tịch đầu tiên của Hội Châm cứu Anh, hệ kinh lạc chỉ là sự ước lệ hóa, giống như các đường kinh tuyến trên trái đất.

Tác dụng của châm cứu

Tác dụng nổi bật của châm cứu là giảm đau. Các nghiên cứu chặt chẽ về phương pháp luận đã chứng tỏ, châm cứu tỏ ra hiệu quả với viêm khớp, đau nửa đầu, đau cổ vai cánh tay, đau thắt lưng cấp và mạn tính… Chính vì vậy, trong 40 chỉ định của WHO cho châm cứu, các chứng đau chiếm đa số. Tác dụng càng rõ rệt khi dùng điện châm.

Điện châm

Những nghiên cứu từ năm 1976 cho thấy, cơ chế giảm đau của châm cứu là kích thích hệ chống đau tự nhiên của cơ thể, qua việc phóng thích các chất giảm đau nội sinh trong não bộ. Đó là các morphine nội sinh, serotonin và noradrenaline.

Nôn ói sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị ung thư là chỉ định ưu tiên khác của châm cứu. Dùng châm cứu trước hoặc sau xạ trị đều dẫn tới việc giảm tần suất và mức độ nôn, do đó giảm lượng thuốc chống nôn dùng cho người bệnh.

Tăng khả năng thụ thai và tạo thuận cho cuộc sinh nở cũng là lựa chọn ưa thích của giới châm cứu. Một báo cáo tổng kết trên Cochrane (nơi tiến hành các tổng kết quy chuẩn trong y khoa) năm 2008 cho thấy, với các trường hợp thụ thai trong ống nghiệm, châm cứu vào ngày cấy phôi vào dạ con làm tăng khả năng thụ thai; tuy nhiên kết luận chưa thực sự thuyết phục do số phụ nữ tham gia thử nghiệm chưa nhiều.

Với các mặt bệnh khác, các kết luận chưa có sức thuyết phục, vì các nghiên cứu thường không đạt chuẩn (như trong ngẫu nhiên hóa hoặc mù hóa bệnh nhân).

Nghi ngờ và phản biện

Không xác định được vị trí giải phẫu và chức năng sinh lý hệ kinh lạc là một điểm bị giới nghi ngờ châm cứu khai thác triệt để, như quan điểm của Felix Mann ở trên. Khó thực hiện điều trị giả do tính xâm lấn của kỹ thuật cũng là một điểm yếu thường được nhắc đến của châm cứu.

Vì thế trong các nghiên cứu quy chuẩn, châm cứu giả được thực hiện bằng cách chỉ đưa kim vào thượng bì, chứ không xuyên qua da tới huyệt. Tuy nhiên đó lại là một kỹ thuật của châm cứu Nhật Bản, nên sự mù hóa bệnh nhân cũng không triệt để (trong các thử nghiệm mù đôi quy chuẩn, bệnh nhân được bí mật chia thành hai nhóm châm thật và châm giả, sao cho cả bác sĩ và bệnh nhân đều không biết ai thuộc nhóm nào; vì thế mà có thuật ngữ “mù đôi”. Nếu kết quả sau điều trị của hai nhóm như nhau thì châm cứu chỉ có tác dụng về mặt tâm lý).

Mặc cho những nghi ngờ đó, châm cứu ngày càng được ưa chuộng tại phương Tây, nhất là với kỹ thuật điện châm dùng điện cực bề mặt thay kim để tránh đau và lây nhiễm. Và như một trường hợp điển hình của y học năng lượng, châm cứu vẫn là một thách thức đối với y học hiện đại, với những bí ẩn chờ đang được khám phá.

Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường

Năng lượng Mới số 130, ra thứ Ba ngày 19/6/2012