Bệnh dịch nguy hiểm gia tăng nhanh ở TP HCM
Từ ngày 21/1 – 31/1, TP HCM có thêm 6 trường hợp nhiễm não mô cầu mới được phát hiện ở quận 10, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Đến nay, đã có 10 quận, huyện trên địa bàn có ca bệnh với tổng cộng 11 ca mắc, trong đó số trẻ em bị mắc bệnh là 7 trường hợp. Tất cả các bệnh nhân đều mắc bệnh ở thể nhẹ và chưa có trường hợp tử vong.

Những mảng xuất huyết ở da của bệnh nhi nghi nhiễm não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Các trường hợp bị nhiễm não mô cầu đều đã được Ngành Y tế thành phố cách ly, điều trị. Đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh cũng được uống kháng sinh Ciprofloxacine 500mg để dự phòng.
Đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và các quận huyện đã tiến hành sát trùng, khử khuẩn khu vực có người bệnh để ngăn chặn bệnh lây lan.
Ths. Bs Lê Bửu Châu – Trưởng Khoa nhiễm B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết: Bệnh nhiễm não mô cầu là bệnh do vi trùng gây ra, bệnh ít gặp nhưng lây lan nhanh vì lây qua đường hô hấp, bệnh có thể phát triển thành dịch lớn. Bệnh gây các tổn thương riêng rẽ hay phối hợp ở các cơ quan: hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, ngoài màng tim, mắt. Người bệnh thường có triệu chứng sốt cao đột ngột kèm theo ói mửa, nhức đầu, đau khớp, xuất hiện các sang thương là mảng xuất huyết dưới da.
Thể bệnh thường gặp nhất của nhiễm não mô cầu là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, ở thể này bệnh diễn tiến nhanh chỉ trong vòng vài giờ bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, sốc phổi, tử vong.
Ngoài ra, bệnh có thể để lại các di chứng nặng nề như: chậm phát triển tâm thần, điếc, liệt nửa người.
Để ngăn ngừa bệnh cần phun xịt hóa chất khử khuẩn ở các ổ dịch, giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ và khi có triệu chứng bệnh thì đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Ước tính, mỗi năm trên thế giới có 300.000 – 500.000 ca nhiễm não mô cầu.
Trận dịch nhiễm não mô cầu lớn nhất được ghi nhận vào năm 1996 – 1997 tại sa mạc Sahara, châu Phi với 300.000 người mắc và 30.000 người tử vong.
Ở Việt Nam từ năm 1978 đến nay bệnh chỉ xảy ra lẻ tẻ chưa phát triển thành dịch. Hiện nay, bệnh cũng xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều địa phương trong cả nước và đang được kiểm soát tốt.
Mai Phương
-
Thủ tướng: Triển khai hiệu quả "bộ tứ chiến lược", thực hiện bằng được các mục tiêu lớn
-
Doanh nghiệp là động lực chính của đổi mới sáng tạo
-
Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung kỹ thuật trong hoạt động dầu khí
-
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ được quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân
-
Cần thiết sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển mới