Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có tác động gì đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?

16:57 | 06/05/2025

20 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - OPEC+ sẽ đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu và có thể đưa trở lại thị trường tới 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 trong bối cảnh quốc gia đứng đầu nhóm này là Ả Rập Xê Út tìm cách trừng phạt một số thành viên khác vì khai thác vượt hạn ngạch, năm nguồn tin của OPEC+ cho biết.
OPEC+ làm thị trường choáng váng, các tổ chức đồng loạt hạ dự báoOPEC+ làm thị trường choáng váng, các tổ chức đồng loạt hạ dự báo
[Infographic] Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (28/4 -4/5)[Infographic] Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (28/4 -4/5)
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có tác động gì đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?
Ảnh CNBC

OPEC+ đã gây sốc cho thị trường dầu mỏ vào tháng 4 khi đồng ý tăng sản lượng lớn hơn dự kiến ​​vào tháng 5, bất chấp giá yếu và nhu cầu chậm lại.

Việc tăng nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu yếu đã khiến thị trường lo ngại về tình trạng dư cung tái diễn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo tháng 5/2024 dự báo nhu cầu dầu thế giới năm nay chỉ tăng khoảng 1,1 triệu thùng/ngày – thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 2,3 triệu thùng/ngày của năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ, cùng với đà chuyển dịch sang năng lượng sạch. Trong khi đó, nguồn cung từ các nước ngoài OPEC như Mỹ và Brazil vẫn đang trên đà tăng, với riêng Mỹ dự kiến đạt sản lượng kỷ lục hơn 13,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay (theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ – EIA).

Gia tăng sản lượng từ OPEC+ đã ngay lập tức tạo ra áp lực lên giá dầu. Giá dầu Brent, sau khi duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng trong phần lớn quý I/2024, đã giảm xuống quanh mức 77 USD/thùng trong tháng 5, và có thời điểm rơi dưới 75 USD khi thị trường phản ứng với thông tin về kế hoạch tăng nguồn cung (dữ liệu từ Trading Economics, tháng 5/2024). Giá dầu WTI của Mỹ cũng ghi nhận mức giảm tương tự. Các nhà phân tích tại UBS nhận định nếu toàn bộ 2,2 triệu thùng/ngày được bơm ra thị trường đúng tiến độ, giá dầu có thể giảm về vùng 70 USD/thùng vào quý IV/2024 – mức giá từng gây ra khủng hoảng ngân sách đối với nhiều nước xuất khẩu dầu trong giai đoạn 2015–2016.

Các nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê Út đã đưa ra động thái này nhằm trừng phạt Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch khai thác. Đồng thời Riyadh cho rằng hai nước này không muốn hỗ trợ thị trường nữa. Động thái trên diễn ra vài ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến ​​đến thăm Ả Rập Xê Út để thảo luận về vấn đề vũ khí và thỏa thuận hạt nhân.

Sự thay đổi trong chính sách của Ả Rập Xê Út cho thấy vương quốc này muốn mở rộng thị phần, một sự thay đổi lớn sau 5 năm cân bằng thị trường thông qua việc cắt giảm sản lượng sâu.

Hiện tại, OPEC+ đang cắt giảm sản lượng gần 5 triệu thùng/ngày tương đương 5% nhu cầu toàn cầu. Các đợt cắt giảm của nhóm này đã được thống nhất trong nhiều giai đoạn khác nhau kể từ năm 2022 để hỗ trợ thị trường, và nhiều đợt cắt giảm sẽ được duy trì cho đến cuối năm 2026.

Vào tháng 12 năm ngoái, OPEC+ đã nhất trí dần loại bỏ phần cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 năm 2026, nhưng vào tháng 4 họ đã quyết định sẽ đẩy nhanh quá trình này từ tháng 5.

Vào thứ Bảy tuần trước, nhóm này đã nhất trí tăng sản lượng lớn nữa vào tháng 6, nâng tổng sản lượng dự kiến ​​tăng trong cả tháng 4, tháng 5 và tháng 6 lên gần 1 triệu thùng/ngày.

Năm nguồn tin của OPEC+ được thông báo về vấn đề này cho biết, OPEC+ sẽ duy trì xu hướng này và có khả năng sẽ nhất trí vào tháng 6, để giải phóng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 7.

Các nguồn tin cho biết nhóm này có khả năng sẽ chấp thuận tăng sản lượng nhanh hơn nữa vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10, nếu Iraq, Kazakhstan và các nước thành viên khác không cải thiện việc tuân thủ và không cắt giảm sản lượng.

Một trong những nguồn tin cho biết nếu việc tuân thủ không được cải thiện, các đợt cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên OPEC+ (chiếm 2,2 triệu thùng/ngày) sẽ được dỡ bỏ vào tháng 11.

Vào tháng trước, Kazakhstan đã thách thức OPEC+ khi Bộ trưởng Năng lượng của nước này tuyên bố sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia hơn lợi ích của nhóm OPEC+. Sản lượng dầu tháng 4 của Kazakhstan đã vượt quá hạn ngạch OPEC+ mặc dù giảm 3%.

Yến Anh

Reuters