Kỳ thi THPT Quốc gia:

Bao giờ mới “gỡ rối” cho thí sinh?

20:15 | 15/08/2015

2,948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức đã kết thúc, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho thí sinh 20 ngày để lựa chọn đăng ký nguyện vọng 1. Những tưởng đó là quãng thời gian “thoải mái” để “ngắm nghía”, cân nhắc, song thực chất những quy định tuyển sinh mới đang … làm khó cho cả thí sinh, phụ huynh và các trường Đại học (ĐH).

Vừa đổi mới đã thấy tốn kém

Những năm trước, sau khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ kết thúc, tháng 8 là quãng thời khá thảnh thơi của thí sinh để chờ đợi kết quả xét tuyển và điểm chuẩn của các trường ĐH-CĐ bởi hồ sơ xét tuyển đã được nộp trước khi kỳ thi diễn ra.

Thế nhưng năm nay, sau kỳ thi THPT Quốc gia, các thí sinh vừa “vượt ải” đã lại tiếp tục lao vào một cuộc “đấu trí” lựa chọn nguyện vọng 1.

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ có 20 ngày (1-20/8) để lựa chọn việc nộp – rút hồ sơ nguyện vọng 1 sau khi biết điểm thi của mình. Tuy nhiên, 15 ngày qua là quãng thời gian được nhiều phụ huynh và thí sinh miêu tả là “căng thẳng và nặng nề” khi liên tục rút – nộp hồ sơ. Ngày nào phụ huynh cũng phải liên tục cập nhật thông tin và tình hình tuyển sinh chính thống cũng như “phi chính thống” của các trường mà con mình đã và sẽ nộp hồ sơ.

Thí sinh Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận giấy báo điểm kỳ thi THPT Quốc gia với số điểm 23 (chưa nhân hệ số môn Ngoại ngữ). Sau khi lựa chọn, Trang nộp hồ sơ vào trường ĐH Hà Nội, khoa Ngôn ngữ Anh. Mới nộp hồ sơ được 5 ngày, nhưng hiện tại Trang rất băn khoăn và có ý định rút hồ sơ để nộp sang trường khác.

Trang cho biết: “Em nộp hồ sơ rồi nhưng rất lo vì không biết là mình có trúng tuyển hay không. Bộ GD-ĐT cho phép chúng em được nộp và rút hồ sơ trong vòng 20 ngày, nên em không biết mình đứng thứ bao nhiêu và có bao nhiêu người đăng ký cùng ngành với mình. Có thể nhiều bạn trượt nguyện vọng 1 lại được xét sang nguyện vọng 2 bình đẳng, điều này rất bất lợi với những bạn điểm thấp như em. Em đang cân nhắc có nên rút hồ sơ không, ngày nào cũng phải thấp thỏm xem tình hình tuyển sinh của trường nên cả gia đình em đều rất mệt mỏi”.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015

Theo quy định của Bộ, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường. Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4, nên rất khó biết được điểm thi của mình đứng thứ bao nhiêu.

Có thể kỳ thi THPT Quốc gia đạt được tiêu chí nghiêm túc và minh bạch, thế nhưng yếu tố “tiết kiệm” như Bộ GD-ĐT quán triệt lại dường như chưa thể đạt được.

Anh Nguyễn Đức Sơn (Hà Đông, Hà Nội) có con đi thi năm nay cho biết, con anh thi được 25 điểm và nộp hồ sơ vào khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương - một trong những ngôi trường “hot” nhất hiện nay. Thế nhưng đến khi gần hết thời gian xét tuyển, anh và gia đình phải “viện” đến cách khác.

Anh Sơn nói: “Điểm của con tôi “chơi vơi” quá, sợ khó mà vào được khoa này, vì số lượng thí sinh nộp hồ sơ đông khủng khiếp. Mà cháu lại chỉ thích Kinh tế đối ngoại, bảo chọn khoa khác thì không thích. Nhà tôi đành chọn kiểu “ăn chắc” là nộp hồ sơ vào khoa Báo chí của ĐHKHXH-NV với lệ phí 2 triệu đồng”.

Anh cho biết lệ phí và hồ sơ chỉ để khẳng định đây là nguyện vọng 1, nhưng chưa chắc chắc con anh đã học, mà chỉ “đặt cọc” cho trường hợp không đỗ ĐH Ngoại thương.

Như vậy, trường hợp “nộp tiền đặt cọc” không quá hiếm trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, bởi rất nhiều thí sinh đã nộp tiền để khẳng định sẽ vào học nhưng đó vẫ là lượng thí sinh “ảo” – một trong những vấn đề Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ “xóa bỏ” khi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Và tiêu chí tiết kiệm hơn trong kỳ thi này đã không đạt vì nhiều gia đình chấp nhận mất tiền cho việc nộp hồ sơ chỉ để làm “phao cứu sinh”.

Bên cạnh đó, với cách làm “thả” cho thí sinh nộp – rút hồ sơ, rất nhiều thí sinh và gia đình ngoại tỉnh đang “chết dở” vì tốn công sức đi lại, rút hồ sơ và tốn kém tiền ăn - ở - lệ phí nộp hồ sơ. Những điều này, dường như Bộ GD-ĐT vẫn chưa lường hết được.

Xét tuyển vào đại học: Tốn kém vẫn hoàn… tốn kém!

Xét tuyển vào đại học: Tốn kém vẫn hoàn… tốn kém!

Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng đã quá phần nửa nhưng nhiều thí sinh và ngay cả các trường cũng vẫn còn đang rất… bối rối.

Những bài học rút ra từ kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên

Những bài học rút ra từ kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên

Thế là kỳ thi “kép” lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã căn bản hoàn thành. Với tổng số lượng ngày thi, môn thi đều ít hơn nên nhiều người đã kỳ vọng sẽ giảm được sự căng thẳng, mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh và toàn xã hội.

Phạt 2 công ty lừa đảo tra cứu điểm thi

Phạt 2 công ty lừa đảo tra cứu điểm thi

Bộ Thông tin & Truyền thông vừa có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH dịch vụ & giải pháp Phần mềm vàng (Goldsoft ) và Công ty Cổ phần iNet, vì hành vi quảng cáo sai sự thật đối với việc cung cấp dịch vụ tra cứu điểm thi tuyển sinh, thu cước dịch vụ đối với tin nhắn không được cung cấp dịch vụ.

Ma trận xét tuyển

Ngay khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án tuyển sinh mới cho phép nộp – rút hồ sơ không giới hạn trong vòng 20 ngày, nhiều chuyên gia giáo dục đã lập tức lên tiếng khuyến cáo về tình trạng thí sinh “ém hồ sơ” rồi “chạy nước rút” để rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải cho trường ĐH, thậm chí còn rơi vào tình trạng hồ sơ “ảo” tăng cao.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn tỏ ra khá bình tĩnh và trấn an phụ huynh, thí sinh rằng sẽ không có chuyện đó xảy ra. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mấy ngày nay, lượng thí sinh đến rút hồ sơ đông, trung bình từ 400 đến 500 hồ sơ một ngày. Vì thế nhà trường không thể giải quyết trả hết hồ sơ cho thí sinh trong ngày mà chỉ có thể ưu tiên các thí sinh ở xa. Tính đến hết ngày 13/8, có trên 1.600 thí sinh đến rút hồ sơ trong tổng số gần 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp vào trường.

Thí sinh tới rút hồ sơ tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Thí sinh tới rút hồ sơ tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Ông Thắng phân tích: “Quy trình để rút một hồ sơ tương đối phức tạp. Khi thí sinh rút hồ sơ, chúng tôi phải quét hồ sơ để báo cáo với Bộ về trường hợp thí sinh đó. Sau khi hoàn thiện khâu này thì em ấy mới nộp đơn được vào trường khác. Chính vì thế quá trình nộp và xét hồ sơ phải có thời gian nhất định, không thể nào làm tất cả mọi thứ trong khoảng 5 phút được”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số trường như Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội… Số thí sinh đến rút hồ sơ cũng bắt đầu tăng lên từ 3 ngày nay, một số trường có lượng thí sinh rút hồ sơ đông như: Đại học Công nghiệp có trên 1.200 bộ; Đại học Sư phạm có gần 120 thí sinh đến rút hồ sơ trong sáng ngày 13/8…

Nhận xét về kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, PGS Văn Như Cương tỏ ra bi quan: “Trong "ván bài" này, cái học sinh biết là điểm của mình, bao nhiêu thí sinh hơn điểm mình, có bao nhiêu trường có thể tuyển, mỗi trường tuyển bao nhiêu. Cái mà các trường biết là: Mình được tuyển bao nhiêu người, biết phổ điểm (cho tất cả thí sinh thi THPT Quốc gia, chứ không phải thí sinh theo nguyện vọng từng ngành). Cuối cùng đi đến đâu, giải quyết như thế nào, các trường luôn tỏ ra lúng túng trước đề án của Bộ GD-ĐT.

Tất cả những hành động đó, không có gì là chắc chắn, các thí sinh đang phải chạy đua nhưng không biết hướng đi. Những thông tin mà Bộ liên tục cung cấp phổ điểm chung của từng khối, được nộp nhiều nguyện vọng, liên tục công bố điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển, được phép rút hồ sơ trước 20 ngày... thực chất không có một tác dụng gì cả”.

PGS nhận định: “Tôi có thể khẳng định rằng, kỳ thi này cùng với những đề án sau đó, sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau nữa thì nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại một cách thảm hại”.

Khánh An