Bao giờ lễ hội mới vui?

00:51 | 26/02/2015

1,072 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi dịp xuân về, khi người người đi du xuân, trảy hội thì cũng là lúc những mặt tiêu cực, bất cập trong công tác tổ chức lễ hội cũng bị “lộ ra”. Mặc dù các cơ quan chức năng và báo chí đã vào cuộc, đã lên án; nhưng đâu đó trong các lễ hội, sự nhem nhuốc, xấu xa vẫn còn.

Vào dịp đầu năm mới, nhiều người thường đi lễ chùa để cầu mong một năm mới an lành. Để có thể bày tỏ tấm lòng thành, ngoài những vật phẩm như hương, cau, nhang, nến ra, mọi người thường bỏ tiền vào hòm công đức.  Thế nhưng mùa lễ hội năm nay, vẫn thấy nhản nhản cảnh người ta “nhét tiền” vào tay đức Phật, Thánh như của bố thí với mục đích "công đức" tại các đền, chùa, lăng tẩm… Nói như tiến sĩ Khoa học ngữ văn Đoàn Hương thì, đức Phật đâu có cần điều này, tại sao lại tính chuyện hối lộ thiếu văn hóa đến vậy, khi có những vị như Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông xưa kia, ông còn bỏ cả ngai vàng đầy quyền lực và của cải mà đến với cõi Phật để tu luyện thì làm vậy có nghĩa là đã xúc phạm đến vong linh của các bậc thánh hiền ghê gớm!

Nhét tiền vào mũi ... sư tử

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đã khuyên nhủ: "Nói cho cùng, đi lễ là đến với giáo lý của đức Phật, tâm hướng về Phật, thế là đủ. Tâm xuất thì Phật biết. Bởi thế, chúng ta không cần đặt tiền trước mặt đức Phật thì các ngài mới biết. Đã là người phật tử chân chính, chúng ta phải loại bỏ quan niệm sai lầm rằng cứ phải đặt tiền lên ban thờ, thì Phật mới độ. Tôi mong rằng các phật tử, khách hành hương, bà con nhân dân không nên tiếp tục để sai lầm này tiếp diễn...".

Bên cạnh đó, tính thương mại hóa cùng các yếu tố lai căng đang ngày càng xâm nhập, lấn át làm biến dạng lễ hội; nhiều cá nhân, đơn vị vẫn coi lễ hội là “mảnh đất màu mỡ” để kiếm tiền, trục lợi. Hàng quán, ki-ốt được xây mới, đình chùa được tu bổ tôn tạo cũng theo xu hướng to hơn, sặc sỡ hơn, còn người đi lễ luôn có tâm lý cảnh giác đối phó với đủ mọi cạm bẫy từ các dịch vụ “chặt chém”, “cò” vé cho đến những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

"Hỗn chiến" ở đền Gióng

Một hiện tượng đáng lo ngại nữa là xuất hiện tình trạng, thay vì cướp ấn là cướp lộc.Trong hội Gióng ngày 24/2, sau khi tiến hành nghi thức rước thì những lễ vật như voi, ngựa chiến và ngà để hóa vàng sau. Riêng trầu cau và hoa tre theo phong tục sẽ phải tán lộc cho du khách, tuy nhiên do “lộc” ít quá nên du khách buộc phải giành nhau “cướp” lộc lấy may. Kiệu hoa tre đang được rước vào đền Thượng ( tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp, gây nên cảnh kinh hoàng khiến du khách hoảng sợ.

Vậy là, xuất phát từ nghi thức tranh cướp hoa tre truyền thống, điểm nhấn độc đáo của hội Gióng đã trở thành cuộc ẩu đả thật sự. Không chỉ hoa tre bị cướp một cách bạo lực, lễ rước trầu cau diễn ra ngay sau đó cũng gặp phải tình huống tương tự. Và đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cảnh ẩu đả bạo lực tranh cướp hoa tre tại hội Gióng.

Đầu năm lễ Phật, du xuân là truyền thống và cũng là thói quen của đông đảo người dân Việt Nam để mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc. Thế nhưng với những tiêu cực, nhộm nhoạm đang tràn lan như hiện nay, đến bao giờ lễ hội mới … vui?!

Trước thông tin về vụ “hỗn chiến” ở đền Gióng, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định, đứng ở góc độ văn hóa, Sở phản đối những màn tranh cướp bạo lực, phản văn hóa tại các lễ hội.

“Ngay khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Công an thành phố xuống hội Gióng xem xét sự việc. Nếu có hiện tượng tranh cướp “hỗn chiến”, đầy bạo lực như báo chí phản ánh thì  sẽ có hình thức xử lý đúng theo pháp luật”, ông Tô Văn Động khẳng định.

Theo ông Tô Văn Động, “cướp hoa tre” cầu may mắn là tục lệ của hội Gióng, những gì là truyền thống thì cần được gìn giữ; tuy nhiên không nên lạm dụng vin vào đó để xảy ra những màn tranh giành ăn thua bạo lực, tạo hình ảnh phản văn hóa trong mắt du khách.

Ông Tô Văn Động chia sẻ thêm, ngày xưa, nghi thức lấy lộc cầu may hầu như chỉ dành cho các cụ cao tuổi,các em nhỏ. Ai cũng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng lấy lộc với thái độ vui vẻ, vui là chính chứ không hung hăng, xô đẩy như một số thành phần thanh niên bây giờ…

Khánh An