Báo chí thế giới: "Tương lai của bóng đá Trung Quốc đầy u ám"

22:22 | 05/03/2021

198 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều tờ báo lớn cho rằng sẽ có cuộc tháo chạy ồ ạt của những ngôi sao, khiến cho giải vô địch quốc gia Trung Quốc trở nên hoang tàn.

Việc chi tiêu vô tội vạ, phụ thuộc tài chính vào các tập đoàn dẫn tới việc bóng đá Trung Quốc đã thực sự chệch hướng. Sự giải thể của đội vô địch Jiangsu Suning chỉ là tín hiệu bắt đầu cho sự sụp đổ dây chuyền trong tương lai, khi mà nhiều CLB khác cũng đang lao đao.

Báo chí thế giới: Tương lai của bóng đá Trung Quốc đầy u ám - 1
Nhiều ngôi sao lớn đã và đang tháo chạy khỏi giải VĐQG Trung Quốc

Tờ AS (Tây Ban Nha) nhận định rằng bóng đá Trung Quốc sẽ sớm trở về "những ngày xưa cũ" là một giải đấu kém chất lượng, ngay cả cuộc khủng hoảng diễn ra. Thời gian tới hứa hẹn sẽ chứng kiến cuộc tháo chạy ồ ạt của những ngôi sao khỏi quốc gia này.

Nhật báo thể thao ở Tây Ban Nha viết: "Bốn năm trước, tổng chi phí mà các CLB ở giải VĐQG Trung Quốc vung ra trên thị trường chuyển nhượng lên tới 380 triệu euro. Tuy nhiên, trong những năm qua, họ đã bắt đầu cảm thấy "đuối", nhất là khi những chính sách kiểm soát được đưa ra để ngăn mọi thứ vỡ vụn.

Trong kỳ chuyển nhượng gần đây, họ không nổ bất kỳ bom tấn nào. Chỉ có 7,5 triệu euro để vung ra ở cả giải đấu. Trong đó, bản hợp đồng giá trị nhất là Ante Majstorovic, người cập bến Shanghai Port với giá 3,3 triệu euro.

Nó khác xa so với cái ngày Hulk và Óscar cập bến Trung Quốc với giá trị hơn 50 triệu euro. Thậm chí, CLB Chongqing Dangdai Lifan từng đề nghị Andrés Iniesta gia nhập theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với giá 81 triệu euro.

Với việc chính sách tiền lương ở Trung Quốc được kiểm soát, nhiều ngôi sao như Teixera, Hulk, Odion Ighalo, Stephan El Shaarawy, Solomon Rondón, hay Graziano Pellé đã tháo chạy khỏi giải đấu. Các HLV như Rafa Benítez, Vitor Pereira, Bruno Genesio và Giovanni van Bronckhorst cũng đều chuẩn bị sẵn tư tưởng ra đi.

Báo chí thế giới: Tương lai của bóng đá Trung Quốc đầy u ám - 2
Không còn sự lộng lẫy, bóng đá Trung Quốc trở về với thực trạng khốc liệt. Một giải đấu kém chất lượng, nghèo nàn như trước đây

Điều đó khiến cho giải VĐQG Trung Quốc trở về như cũ. Một giải đấu hoang tàn, kém chất lượng, thiếu tiền, không còn sự xuất hiện một cách hào nhoáng của những ngôi sao".

Tờ ESPN cũng nêu ra tình cảnh báo động: "Đây là sự sụp đổ được báo trước. Một năm trước, CLB Tianjin Teda đã phải giải thể sau khi nợ 10 tháng lương của các cầu thủ. CLB lừng lẫy này từng là nơi dừng chân của Pato và Axel Witsel hay HLV Cannavaro đã không thể gượng dậy sau khi chủ sở hữu cũ của CLB, ông Shu Yuhui, phải đi tù vì vỡ nợ.

Shandong Luneng cũng đang trong tình trạng báo động. Họ vừa bị loại khỏi AFC Champions League vì không thể trả nổi những khoản nợ quá hạn. Ngay cả CLB ở hạng thấp là Liaoning cũng sắp phá sản vì không trả nổi nợ.

Sau cuộc suy thoái này, bóng đá Trung Quốc đang thực sự... đi lùi. Không còn sự hào nhoáng như trước. Họ buộc phải đưa ra những chính sách để ngăn chặn bong bóng sẽ vỡ tan bất kỳ lúc nào. Giấc mơ trở thành cường quốc bóng đá vào năm 2050 của người Trung Quốc đang dần tan tành.

Sự sụp đổ của CLB Jiangsu là ví dụ điển hình nhất về cách làm bóng đá sai lầm của người Trung Quốc. Đó cũng có thể là cảnh báo về sự sụp đổ hệ thống, mà ngay cả những biện pháp đưa ra cũng không thể cứu vãn".

Báo chí thế giới: Tương lai của bóng đá Trung Quốc đầy u ám - 3
Tờ Soccer-king cho rằng giai đoạn khắc nghiệt mới chỉ bắt đầu với giải VĐQG Trung Quốc

Tờ Soccer-king của Nhật Bản cũng nói về tương lai u ám của bóng đá Trung Quốc: "Chỉ trong mùa giải trước, 16 CLB đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc. Giờ đây, ngay cả những CLB lớn như Jiangsu Suning cũng không thể đững vững.

Các ông chủ giàu có đã bất chấp tất cả để lao vào cuộc chơi, dù ngay từ đầu họ nhận ra là không có lãi. Có thể họ đang hướng tới những lợi ích ngoài bóng đá. Tuy nhiên, những toan tính ấy đã không thành công. Điều đó dẫn tới việc các CLB lâm vào khủng hoảng vì vỡ nợ. Việc chứng kiến đội vô địch giải đấu sụp đổ chỉ sau thời gian ngắn, mà không làm cách nào vực dậy là điều hết sức đau lòng.

Tương lai bóng đá Trung Quốc sẽ đi về đâu? So với thời điểm huy hoàng cách đây 4,5 năm thì giờ tất cả chỉ là đống hoang tàn. Có vẻ như thời kỳ khắc nghiệt mới chỉ bắt đầu với bóng đá Trung Quốc".

Theo Dân trí