Ảnh nude không phải là nghệ thuật?

08:56 | 16/06/2012

3,149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lại thêm một nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa thất bại trong việc xin triển lãm ảnh nude! Sau nhiếp ảnh gia Thái Phiên, người rất có “duyên nợ” với ảnh nude thất bại năm 2007 khi xin cấp phép cho các tác phẩm ảnh nude của mình thì Lê Quang Châu là nghệ sĩ thứ hai vừa bị như vậy.

Sự thất bại của các nhiếp ảnh gia này đã dấy lên một câu hỏi trong khi những tấm ảnh phi nghệ thuật đến với công chúng tràn lan không theo con đường “chính ngạch” thì những tác phẩm đánh dấu sự lao động miệt mài, đam mê sáng tạo và thể hiện rõ cảm thụ đầy tinh tế qua vẻ đẹp của người phụ nữ lại bị “ách lại” như một sự kìm hãm, một sự phủ nhận giá trị nghệ thuật của ảnh nude.

Từ những hồ sơ bị “bế quan tỏa cảng”…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Châu

Đối với cuộc đời sáng tạo, đam mê ánh sáng của nghệ thuật nhiếp ảnh, có lẽ nghệ sĩ Lê Quang Châu sẽ không bao giờ quên những lần “nằm gai nếm mật” trên con đường khẳng định giá trị nghệ thuật của lĩnh vực rất “nhạy cảm” mà ông theo đuổi – ảnh nude. Lần thứ nhất, nhân kỷ niệm 10 năm cầm máy, Lê Quang Châu định ra mắt cuốn sách đánh dấu sự nghiệp, trải nghiệm của mình vào năm 2004, nhưng cuốn sách đã không được cấp phép với lý do trong đó có xen kẽ 10 tấm ảnh nude! Điều đáng nói là trong 10 tấm ảnh nude đó, có những tác phẩm đã đoạt giải thưởng uy tín như “Dưới trăng” được giải khuyến khích Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc; “Sự hài hòa” giải B của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Sự cấm đoán như vậy vô hình trung có thể hiểu giá trị nghệ thuật của những bức ảnh đã bị phủ nhận.

Nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu chỉ nhận được lời khuyên từ phía cơ quan quản lý: “Nên cất đi chưa phải lúc”. Gần 10 năm sau, tức là vừa mới đây, sau khi cảm nhận rõ sự “cởi mở” qua ý kiến của các vị lãnh đạo ngành, chuyên môn cũng như đón chào sự ra đời của thông tư mới mang tinh thần “cởi trói” cho bộ môn nghệ thuật rất nhạy cảm này, nghệ sĩ Lê Quang Châu đã háo hức trình lên cơ quan quản lý là Cục Mỹ Thuật, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hồ sơ xin cấp phép triển lãm ảnh nude với hy vọng được thông qua. Thế nhưng niềm hy vọng ấy cũng bị dập tắt ngay khi 20 ngày sau kể từ khi trình hồ sơ, nghệ sĩ Lê Quang Châu đã nhận được câu trả lời “không cấp phép” từ phía cơ quan quản lý và kèm theo vẫn câu an ủi: “Chưa phải lúc” mặc dù trước đó, ông đã đáp ứng mọi yêu cầu của cơ quan hữu trách là từ 47 ảnh trong hồ sơ, loại bớt di những ảnh được cho là nhạy cảm và chỉ còn 28 bức. Ảnh không đưa rõ mặt nhân vật để tránh phiền hà về mặt thủ tục…

Cùng với Lê Quang Châu, không thể không kể đến một trong những gương mặt “tiên phong” trong làng nhiếp ảnh về ảnh nude là Thái Phiên, người cũng đã ghi dấu trong lòng công chúng nhiều tác phẩm ảnh nude đầy ấn tượng. Nhiếp ảnh gia này, cũng “lận đận” không kém trong việc xin cấp phép cho triển lãm ảnh nude. Tính ra, tổng cộng ông đã hơn hai lần “ôm” hồ sơ đến cơ quan quản lý nhưng lần nào lần nấy đều… thất bại. Trong khi, cuốn “Xuân thì” của ông gồm những bức ảnh nude lại được tái bản đi tái bản lại đến mấy lần vì sự đón nhận của công chúng. Giải thích cho quyết định không cấp phép trên, các nhà quản lý cũng nhận định: “Chưa phải lúc”.

…Đến những bức ảnh phi nghệ thuật

“Chưa phải lúc” và không biết lúc nào đến lúc vẫn là tình trạng của ảnh nude nghệ thuật thì đối với những ảnh nude phi nghệ thuật vẫn đến với công chúng tràn lan thông qua nhiều hình thức, trong đó đáng kể nhất là các báo mạng. Cách đây không lâu, ảnh nude của người mẫu Ngọc Quyên gây xôn xao dư luận vì tính nghệ thuật và phi nghệ thuật. Nếu nhìn tổng thể, bộ ảnh này không đẹp, chưa đạt đến độ tinh tế và tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ như cần phải có trong nghệ thuật ảnh nude. Nếu vì chủ đề “Môi trường” như bộ ảnh đặt ra thì lại càng không có. Nó chưa thể “động” đến nơi trắc ẩn nhất trong sự cảm thụ nghệ thuật của người xem. Hay bộ ảnh nude của Ngọc Quyên sau này đề cập đến cá tính, “nổi loạn” của cô cũng không mang lại ấn tượng gì ngoài cảm nhận: “cô là người thích nude để chụp ảnh”.

Bộ ảnh nude của người đẹp Mai Hải Anh cũng vậy. Tiếng là chụp “Vì biển” nhưng xét cả về nghệ thuật nhiếp ảnh lẫn mục đích môi trường thì bộ ảnh này “thất bại thảm hại”. Tất cả những nghệ sĩ nhiếp ảnh xem bộ ảnh của Mai Hải Anh đều lắc đầu thất vọng và không coi đó là ảnh nghệ thuật mà chỉ là ảnh chụp “khoe thân”.

Tất nhiên, sự phổ biến của những bức ảnh trên đây không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên môn. Nhưng từ đó nhận ra rằng, những ảnh nude nghệ thuật đi theo con đường chính thống để đến với khán giả thì không được chấp nhận trong khi ảnh nude “nửa mùa” lại đến với công chúng tràn lan. Vậy người xem đặt ra câu hỏi: “Đâu là giá trị đích thực của ảnh nude và ảnh nude có được xem là nghệ thuật, sáng tạo của nghệ sĩ hay không?”.

Trả lời cho câu hỏi này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Đây là loại hình đòi hỏi rất nhiều tư duy sáng tạo của nhiếp ảnh bởi khi ống kính hướng đến khung cảnh thiên nhiên thì vốn đã đẹp sẵn và có thể sẽ không phải lo lắng quá nhiều. Nhưng đụng chạm đến thân hình của người phụ nữ thì cần rất nhiều tư duy về kỹ thuật và mỹ thuật”. Ngay Nghị quyết 05 cũng đề cập: “Thừa nhận và tôn trọng sự sáng tạo tự do của người nghệ sĩ, chấp nhận mọi phong cách khuynh hướng nghệ thuật khác nhau”. Như vậy rõ ràng ảnh nude là sáng tạo, lao động nghệ thuật đích thực của nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Quyết định kìm hãm sự phát triển

Vậy tại sao cơ quan quản lý lại không cấp phép cho những hồ sơ xin triển lãm ảnh nude? Trả lời báo chí, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật đã cho biết: “Nguyên nhân khiến cho triển lãm ảnh nude không được cấp phép là do Thông tư mới quy định về hoạt động nhiếp ảnh theo tinh thần “mở” đang chờ ban hành nên dựa trên quy chế cũ đã ra đời cách đây 10 năm thì các triển lãm ảnh nude không được thực hiện”. Mặc dù không phủ nhận quy chế đó đã lỗi thời nhưng ông Thành cũng không quên nhắc lại “thông điệp” mà nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã nhận được: “Thời điểm hiện tại vẫn chưa phù hợp”. Và bao giờ phù hợp thì ông vẫn chưa đưa ra câu trả lời xác đáng.

Có thể thấy rõ sự trì trệ và đặc biệt là sự không dám chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc cấp phép cho triển lãm ảnh nude. Thực ra, ảnh nude không phải bây giờ mới xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam mà cách đây hơn 10 năm đã có, mặc dù khi đó chưa được công nhận một cách chính thức. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để cho các nhà quản lý bằng sự nhạy cảm, tầm nhìn xa trông rộng của mình có thể thay đổi cách nhìn đối với nghệ thuật ảnh nude rồi từ đó xây dựng, hình thành nên một “hành lang pháp lý” để các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên về lĩnh vực này hoạt động.

Vậy mà đến giờ, họ vẫn phải chờ đợi. Nếu phải chờ đợi để khẳng định giá trị đích thực của một môn nghệ thuật sẽ không là vấn đề đối với các nhà sáng tạo. Nhưng chỉ vì thủ tục hành chính, vì thiếu bản lĩnh để bảo vệ giá trị của nghệ thuật đó từ phía các nhà quản lý mà phải chờ đợi thì điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật. Đồng thời làm công chúng thiệt thòi khi không được thưởng lãm những giá trị nghệ thuật đích thực mà thay vào đó là những tác phẩm phi nghệ thuật, rác văn hóa…

Tú Anh

Năng lượng Mới số 129, ra thứ Sáu ngày 15/6/2012