An ninh lương thực: Giữ vững diện tích đất trồng lúa

17:12 | 20/10/2011

1,435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kiến nghị của Chính phủ lên Quốc hội chiều nay (20/10), phương án giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm 20112015, dựa vào Kết luận số 53KL/TƯ ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị, là phương án khả thi nhất. Thực tế, diện tích trên đã giảm nhẹ so với báo cáo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang là gần 4 triệu ha vào cuối năm 2010.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất, một số địa phương đề xuất nhu cầu điều chuyển khoảng 500 nghìn ha đất trồng lúa sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp hoặc chuyển cơ cấu cây trồng-vật nuôi. Nếu thỏa mãn những đề xuất trên, tổng diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 chỉ còn trên 3,6 triệu ha. Riêng về vấn đề này, báo cáo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nêu đích danh các địa phương có tốc độ giảm diện tích đất trồng lúa nhanh như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tây Ninh, Hưng Yên, Bình Dương, TP HCM. Tất cả đều nằm gọn trong 2 vựa lúa – đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Đất trồng lúa của nước ta được hình thành trải qua hàng nghìn năm với công sức của bao thế hệ người dân Việt Nam. Vì vậy, khả năng khai thác, mở rộng diện tích trồng lúa để bù đắp vào diện tích đất trồng lúa mất đi là rất hạn chế và tốn kém. Dự báo đến năm 2020 dân số nước ta là khoảng 100 triệu dân, và dần đi vào ổn định khoảng 120 triệu người.

Diện tích trồng lúa của Việt Nam sẽ ổn định ở mức 3,8 triệu ha đến năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (gồm ăn, dự trữ, chăn nuôi, giống, chế biến, hao hụt…), tổng diện tích lúa gieo trồng lúa cần tối thiểu là khoảng 3,81 triệu ha cho năm 2020. Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ chuyên trách này, diện tích đất lúa nước tuy giảm nhưng năng suất lúa tiếp tục tăng từ 42,2 tạ/ha lên 53,2 tạ/ha, tương đương sản lượng lúa tăng từ 32,5 triệu tấn lên 39,9 triệu tấn, bình quân đạt 460kg thóc/người (tăng 41 kg so với năm 2000). Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, năng suất lúa cao còn giúp nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xác định diện tích đất để đảm bảo an ninh lương thực phải căn cứ vào nhu cầu lương thực dài hơi. Hiện cơ cấu bữa ăn của gia đình Việt Nam đã thay đổi (lương thực ít đi, thực phẩm tăng lên), thay vào đó lương thực được sử dụng cho chăn nuôi (để sản xuất thực phẩm). Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sau khi thẩm tra Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia, hoàn toàn nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất trồng lúa ở mức 3,81 triệu ha.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị lưu ý Chính phủ sớm khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác, đồng thời xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Hữu Tùng