6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công Việt Nam
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tái cấu trúc nền tài chính công là một nhiệm vụ then chốt quan trọng của cả giai đoạn 2016-2020 đối với lĩnh vực tài chính nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công đã đạt được những kết quả tích cực. 3 năm qua đã chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào NSNN, đã phục hồi tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN), tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế.
Bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, cuối 2017 chỉ còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển, từ 21 - 22% đến nay đã đạt được 26 - 27%.
Bên cạnh đó là những cải cách quan trọng về thể chế. Theo đó, hệ thống luật pháp tài chính đã được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trên cơ sở phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số luật quan trọng được ban hành trong thời gian qua như: Luật NSNN; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… đã đáp ứng được các tiêu chí này.
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 |
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện có 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công Việt Nam đó là:
Thứ nhất, thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng chưa bền vững. Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công, bán quyền sử dụng đất. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn.
Thứ hai là cơ cấu về ngân sách chưa có chuyển biến, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công và NSNN còn là vấn đề lớn. Việc chi đầu tư công, chi thường xuyên còn thách thức, tỷ lệ hộ nghèo đến nay khoảng 6,7%, so với mục tiêu 2020 là 4% thì còn là thách thức lớn, nhất là những vùng đói nghèo, dân tộc ít người...
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia còn nhiều vấn đề.
Thứ tư, dù nợ công đã được cải thiện, nhưng các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.
Thứ năm là thị trường tài chính cần xây dựng thể chế để giải quyết vấn đề thách thức lớn nhất là chi phí vốn cho khu vực doanh nghiệp.
Cuối cùng, mặc dù cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ quan trọng, nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở mức dưới trung bình. Vì vậy, thách thức là cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính - ngân sách.
Trước những khó khăn và thách thức trên, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững càng trở nên cấp thiết. Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề: Tổng quan về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững nền tài chính quốc gia; Hiện trạng nền tài chính công của Việt Nam và sự cần thiết phải tái cấu trúc tài chính công nhằm hướng tới mục tiêu phát triển, toàn diện và bền vững của đất nước; Những thách thức đối với an sinh xã hội; Tái cấu trúc thị trường tài chính hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Nguyễn Hoan