5 làng nghề độc đáo ngoại thành Hà Nội

13:32 | 02/02/2022

482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 5 làng nghề và làng nghề truyền thống của Hà Nội mới được công nhận danh hiệu đều có những thế mạnh riêng, sản phẩm độc đáo mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

"Thủ phủ" Nhất Chi Mai

Làng nghề trồng hoa mai trắng (Nhất Chi Mai) (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) được mệnh danh là “thủ phủ” hoa mai trắng ngày càng có nhiều tỷ phú nhờ trồng loài hoa này.

Với Hà Nội, quen với đào Nhật Tân hay những vùng đào mới ven đô, khi chiêm ngưỡng bông mai trắng Tản Lĩnh, nhiều người đã bị mê hoặc bởi sự thuần khiết, tinh khôi của loài hoa này. Bởi vậy, làng mai trắng dưới chân núi Tản luôn khẳng định vị trí số 1 về hoa mai đất Bắc mỗi khi xuân về. Người làng hoa còn bảo, tuy mai “kỹ tính” nhưng chưa năm nào làng hoa mất Tết, hoa luôn nở đúng vụ và cứ 30 Tết là bán hết, không bao giờ bị ế... Như tri ân đất trời núi Tản, mỗi độ xuân tới, từ tinh túy nhất trong thân cây lại bật ra những bông hoa khoe sắc sau những vất vả, lo toan, chăm chút của người làng hoa...

5 làng nghề độc đáo ngoại thành Hà Nội
Làng nghề trồng hoa mai trắng (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) vừa được công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội

Để vùng hoa quý không mai một, giữ được danh thơm “thủ phủ” nhất chi mai, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể ở Tản Lĩnh đều có các chương trình hỗ trợ. Hàng chục tỷ đồng từ các nguồn vốn như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã, đang và tiếp tục đồng hành với người trồng hoa. Nhận rõ ưu việt của cây hoa mai trắng, tới đây, xã Tản Lĩnh và các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng, từ đất lúa canh tác khó khăn sang trồng mai tập trung; đồng thời xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... để nhất chi mai được trân trọng hơn, đạt giá trị tương xứng.

Rượu hoa cúc làng Ngâu

Làng Ngâu có đặc sản rượu hoa cúc thơm ngon nổi tiếng. Để có được rượu hoa cúc thơm ngon độc đáo, hoa cúc gieo trồng và chăm sóc khoảng 8 tháng sẽ được thu hoạch, sau đó phơi khô và sấy một cách tỷ mỷ cầu kỳ. Ngày nay, người dân Tam Hiệp thường dùng lò sấy cúc công nghiệp khi làm số lượng nhiều. Hoa cúc khô được bảo quản cẩn thận trong lọ thuỷ tinh, túi bóng bịp kín miệng.

Người dân phải chọn được gạo ngon và nấu rượu thủ công theo cách truyền thống gia đình làm. Sau đó, đưa rượu đã được chưng cất vào nồi, trên miệng nồi rải những bông hoa cúc được sấy khô rồi tiến hành chưng cất lại, hương cúc ngấm vào từng giọt rượu. Qua lần trưng cất này, chỉ có khoảng 2/3 lượng rượu với nồng độ cao được giữ lại.

5 làng nghề độc đáo ngoại thành Hà Nội
Rượu làng Ngâu đã chính thức được công nhận Làng nghề Hà Nội

Sau khi đã có những mẻ rượu hoa cúc, người dân sẽ bảo quản trong lọ thuỷ tinh, hũ rượu gốm sứ và tiến hành công đoạn hạ thổ. Rượu được cho vào những chum sành bịt thật kín, rồi chôn xuống đất khoảng 1 năm mới có thể đưa lên thưởng thức.

Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tuy mới thành lập từ tháng 5.2019, nhưng đã tập hợp được hàng chục hộ dân sản xuất rượu cổ truyền trong làng. Vào mùa ngâu (tháng 7 Âm lịch), các đơn đặt hàng rượu làng Ngâu tăng cao, nên các thành viên HTX luôn tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Làng mộc Đại Nghiệp

Làng nghề mộc Đại Nghiệp (Tân Dân, huyện Phú Xuyên) có truyền thống lâu đời. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ quần áo, tủ thờ, khay, hộp, bàn, ghế, giường... với những hoa văn, đường nét chạm trổ tinh xảo. Tất cả các sản phẩm đều được chăm chút rất cẩn thận, tỉ mỉ. Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những sản phẩm gỗ gia dụng của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sảm phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

5 làng nghề độc đáo ngoại thành Hà Nội
Sản phẩm làng mộc Đại Nghiệp

Làng nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Năm 2018 giá trị thu nhập từ sản xuất làng nghề đạt trên 72 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng thu nhập trong làng. Thu nhập bình quân lao động tham gia sản xuất làm nghề từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, góp phần cùng cả xã xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới kể từ năm 2018... Hiện tại, Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Đại Nghiệp đã vận động được 40 hội viên tham gia.

Làng nghề chế biến thuốc Nam dân tộc Dao Hợp Nhất và Hợp Sơn (Ba Vì)

Thôn Hợp Nhất và Hợp Sơn thuộc xã Ba Vì là một xã miền núi nằm trên triền núi thuộc huyện Ba Vì với dân số chiếm 98% là người đồng bào dân tộc Dao. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, người Dao nơi đây đã xóa dần cuộc sống du canh, du cư để ổn định và phát triển kinh tế. Thế nhưng, người Dao Ba Vì không tách khỏi một nghề truyền thống của cha ông là làm thuốc chữa bệnh.

Họ làm thuốc chữa bệnh với mục đích trước hết để tự chữa bệnh cho người trong dân tộc mình, sau đó là chữa cho mọi người. Điều không thể phủ nhận là người Dao Ba Vì có được khả năng này là nhờ vào sự kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc, cũng như kế thừa kinh nghiệm gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.

5 làng nghề độc đáo ngoại thành Hà Nội
Danh tiếng thuốc Nam của người dân tộc Dao Ba Vì đã lan xa, nghề thuốc đã được nhiều người biết đến và tin tưởng

Để tìm được những vị thuốc quý hiếm ẩn mình trên núi cao đại ngàn, người Dao buộc phải khổ công lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm kiếm. Nghề thuốc muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dược liệu để bốc thuốc, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc, chế biến, bắt bệnh và bốc thuốc.

Vì vậy, đòi hỏi người Dao phải khổ công tìm tòi, tỉ mỉ ở từng công đoạn. Việc tìm được cây thuốc sẽ quyết định được một phần thành công của mỗi lương y, lương y nào có khả năng tìm kiếm được nguồn dược liệu tốt thì người đó sẽ có điều kiện chữa bệnh tốt hơn. Khi tiến hành sơ chế thì các lương y lại phải cẩn thận ở từng khâu, từng giai đoạn.

Dược liệu sau khi được thu hái về sẽ được băm chặt thành những kích cỡ khác nhau sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Sau đó, dược liệu sẽ được rửa sạch và phơi khô nhưng vẫn hoàn toàn đảm bảo được công dụng. Sau công đoạn này, thuốc sẽ được lưu giữ đóng gói một cách cẩn thận.

Với khát khao mang những bài thuốc quý của mình đi khắp mọi nơi để cứu người bệnh nên dấu chân của người Dao Ba Vì in khắp mọi nơi từ Cao Bằng đến Hưng Yên, Hòa Bình, từ Hải Phòng đến Nam Định, rồi vào tới những nơi xa hơn như TP Hồ Chí Minh để chào hàng… Giờ đây, khi danh tiếng thuốc Nam của người dân tộc Dao Ba Vì đã lan xa, nghề thuốc đã được nhiều người biết đến và tin tưởng.

Tháng 12/2021, UBND T.P Hà Nội quyết định công nhận danh hiệu 5 làng nghề là: "Làng nghề Hà Nội" và "Làng nghề truyền thống Hà Nội". Trong đó, "Làng nghề truyền thống Hà Nội" gồm: Làng nghề mộc thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên); Làng nghề chế biến thuốc Nam dân tộc Dao thôn Hợp Nhất và Làng nghề chế biến thuốc Nam dân tộc Dao thôn Hợp Sơn (cùng ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì).

2 làng nghề được công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội" là: Làng nghề rượu làng Ngâu (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) và Làng nghề trồng hoa mai trắng (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì).

Mỗi làng nghề được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" được UBND Thành phố tặng "Bằng công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội" và hỗ trợ 12 triệu đồng. Mỗi làng nghề được công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội" được thành phố tặng "Bằng công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội" và hỗ trợ 6 triệu dồng.

Minh Châu

Văn học sinh thái & thiên chức 'thức tỉnhVăn học sinh thái & thiên chức 'thức tỉnh"
Hanoi Gift Show 2021 tạo cơ hội cho làng nghề quảng bá, mở rộng thị trườngHanoi Gift Show 2021 tạo cơ hội cho làng nghề quảng bá, mở rộng thị trường
Chủ tịch Quốc hội: Lắng nghe hiến kế huy động vốn ở đâu, phân bổ thế nàoChủ tịch Quốc hội: Lắng nghe hiến kế huy động vốn ở đâu, phân bổ thế nào