Văn học sinh thái & thiên chức 'thức tỉnh"

07:05 | 31/01/2022

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trở lại với tự nhiên, gìn giữ sự cân bằng sinh thái trở thành nhiệm vụ của tất cả các quốc gia, của mỗi cá nhân với tư cách là chủ thể không gian sống của chính mình và đồng loại. Văn học nghệ thuật không đứng ngoài cuộc.
Văn học sinh thái & thiên chức 'thức tỉnh

Toàn cầu hóa đã và đang tạo ra hai nguy cơ lớn. Thứ nhất là nguy cơ sinh thái tự nhiên đang ngày một xấu đi. Thứ hai là nguy cơ sinh thái tinh thần nhân văn trong xã hội tiêu dùng hiện đại của nhân loại cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Hai nguy cơ này đều xuất phát từ hậu quả của tính hiện đại.

Văn chương sinh thái ra đời, tiếp sau là phê bình sinh thái. Theo nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh: “Đến cuối thế kỷ XX, sinh thái học mới thực sự nở rộ và có khuynh hướng trở thành một trào lưu. Phê bình sinh thái không nằm ngoài dòng chảy đó, trở thành một trào lưu phê bình trong giới nghiên cứu hàn lâm”.

Tiếp cận và hòa vào “dòng chảy” nhưng văn học sinh thái và phê bình sinh thái thực sự còn mới mẻ trên văn đàn Việt Nam, thách thức khát khao sáng tạo, dấn thân của người viết và khả năng tiếp nhận của người đọc. Chắc chắn còn cần thêm thời gian để dòng văn học này xây đắp thành tựu trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam. Mục đích cao nhất là lan tỏa ý thức sinh thái trong cộng đồng.

Văn học sinh thái “là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”. Ở Việt Nam, do mới mẻ như vậy, nên việc “định vị” những tác phẩm văn chương viết về sinh thái của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam không dễ. Trong từng tác phẩm riêng rẽ như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... không thiếu “tinh thần” sinh thái, nhưng chọn ra tiêu biểu cho xu hướng thì không dễ. Ngay cả việc tìm kiếm trên không gian lưu trữ của Google một cuộc thi sáng tác văn học về môi trường, sinh thái hoàn toàn chưa có. Có chăng chỉ là vài cuộc thi ảnh báo chí nhỏ lẻ, cấp độ địa phương.

Theo TS Nguyễn Thị Tịnh Thy (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế, người đã có nhiều nghiên cứu về văn học sinh thái), văn học sinh thái Việt Nam ra đời vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Nguyễn Minh Châu với tác phẩm “Sống mãi với cây xanh”, Trần Duy Phiên với bộ ba truyện ngắn “Kiến và người”, “Mối và người”, “Nhện và người” cùng tiểu thuyết “Trăm năm còn lại” là những viên gạch đầu tiên của văn học sinh thái Việt Nam. Hiện nay, số tác giả quan tâm đến vấn đề sinh thái rất hiếm. Ngoài Trần Bảo Định, Đỗ Phấn, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Văn Học... chú ý đến nguy cơ sinh thái, một số nhà văn khác chỉ “tình cờ” chạm vào nguy cơ về sinh thái khi chuyển tải những vấn đề xã hội khác.

Văn học sinh thái & thiên chức 'thức tỉnh
Văn chương có thể giúp con người “lắng nghe tiếng khóc của trái đất”

2. Nhà thơ - PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu có lẽ là trường hợp đặc biệt. Theo dõi tác phẩm của ông, từ “Chùm mơ tiên cảm” (1991), “Mùa thiêng” (1995), “Hoa linh” (2000), “Sa hồng” (2018), “Beijing - Lá phong vàng” (2018), “Phồn sinh” - trường ca (2018), “Dòng thiêng” (2019) và “Hoa linh thảo” (2021), có thể thấy một “chân dung thơ sinh thái” Nguyễn Linh Khiếu.

Nguyễn Linh Khiếu xác quyết: “Tôi là một trong những nhà thơ của châu thổ sông Hồng”. Chưa thấy một nhà thơ nào yêu, nâng niu sự vĩnh cửu và đau đớn đến thảng thốt như Nguyễn Linh Khiếu. Con giun, con dế, chim chóc, muông thú, châu chấu, cào cào... đều có mặt trong thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong “Dòng thiêng” có bản nhạc của sự vĩnh cửu về sinh thái, có dàn đồng ca của tự nhiên. Đến con chuột đồng, ông cũng nâng niu, gọi những con chuột cái là “nàng”: “Trong giấc ngủ của ta gặp tiếng rích rích hân hoan của các nàng chuột đồng/ Có phải mùa xuân đang về trên đất đai phồn thực/ Những lông mượt mịn màng óng tơ thơm tho chủ nhân của mùa màng dư dả/ Đám cưới khởi hành giờ Tý lùng tùng kiệu rước các nàng bước vào ngày mồng Một đầu năm” (Những nàng chuột đồng).

Trong con mắt của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, bầy chuột đến mùa động cỡn báo hiệu tươi tốt: “Vương quốc của các nàng là châu thổ sông Hồng nồng nàn với những cánh đồng phì nhiêu phóng khoáng nhân hậu/ Quanh năm bộn bề gặt hái/ Nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai vỗ về dạy dỗ bài ca hòa thuận/ Có phải mùa xuân đã về rồi không nghe tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía cánh đồng”...

“Bài ca hòa thuận” mà Nguyễn Linh Khiếu nói đến chính là sự cân bằng về đa dạng sinh học. Cảm xúc về những vấn đề của vĩnh cửu, của trường tồn, trong “chuỗi” tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu, nếu ai để ý sẽ giật mình. Nói cách khác, trong các tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu có “dòng chảy” của triết học sinh thái.

3. Nhà văn Nguyễn Văn Học từng viết: “Chúng tôi mơ ước văn chương sinh thái Việt Nam cần được quan tâm để tiệm cận dần với văn chương sinh thái thế giới. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, cổ vũ những người cầm bút đề cao văn chương sinh thái là điểm đến chứ không chỉ là một chốn dừng chân mang tính thử nghiệm. Đã đến lúc cần dấn thân để cho ra đời những tác phẩm chất lượng, có tầm khái quát cao”.

Hai cuốn sách “Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người” (tác giả Jared Diamond, người dịch Trần Tiễn Cao Đăng, NXB Thế giới và Công ty CP Sách Omega Việt Nam phối hợp phát hành) và “Chang hoang dã - Gấu” (lời Trang Nguyễn, tranh Jeet Zdung, NXB Kim Đồng phát hành) đã đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 vừa qua, chính là nhờ ở giá trị thức tỉnh, mang tính thời cuộc của tác phẩm.

Hơn bao giờ hết, bằng thế giới hình tượng và những rung cảm thẩm mỹ, văn chương có thể giúp con người “lắng nghe tiếng khóc của trái đất” để từ đó, họ có thể thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình đối với thế giới tự nhiên.

Ngô Đức Hành