40 thủy thủ Ấn Độ mắc kẹt trong “nhà tù nổi” ở Trung Quốc

10:21 | 14/11/2020

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 40 thủy thủ Ấn Độ đã bị mắc kẹt trong nhiều tháng tại các cảng của Trung Quốc trên hai con tàu chở than của Australia đang trở thành "nhà tù nổi", một quan chức công đoàn Ấn Độ tố cáo hôm thứ Năm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh.
40 thủy thủ Ấn Độ mắc kẹt trong “nhà tù nổi” ở Trung Quốc
Tàu chở hàng MV Jag Anand

Tàu chở hàng MV Jag Anand, với 23 thủy thủ Ấn Độ trên tàu và chở hơn 160.000 tấn than của Australia, đã cập cảng Jingtang ở tỉnh Hà Bắc (Bắc Trung Quốc) vào ngày 13/6 nhưng không được phép xuống hàng, Abdulgani Serang, thư ký của Liên đoàn Quốc gia những người đi biển Ấn Độ, nói với AFP.

Một chiếc tàu khác chở đầy than của Australia, Anastasia, đã bị giữ lại ở Caofeidian (Bắc Trung Quốc) kể từ ngày 3/8 với 18 người Ấn Độ trên tàu.

Ông Serang cảnh báo: “Một cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp xảy ra. Những con tàu đã trở thành nhà tù nổi". Theo ông, hai chiếc tàu không được phép dỡ hàng hoặc cập cảng khác.

Liên đoàn Quốc gia những người đi biển Ấn Độ đã viết thư cho các nhà chức trách Ấn Độ và Trung Quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) để tìm kiếm một giải pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng trong bối cảnh căng thẳng giữa Australia và Ấn Độ với Trung Quốc.

Australia là đối tượng bị Bắc Kinh trả đũa thương mại vào tháng 5 đối với một số sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như lúa mạch và thịt bò, sau khi kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch coronavirus.

Vào giữa tháng 10, không muốn xác nhận các thông tin báo chí mà theo đó Trung Quốc đã chỉ thị cho các tập đoàn Trung Quốc không mua than của Australia nữa, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nói với Sky News rằng Canberra đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ.

Về phần mình, giống như Trung Quốc, Ấn Độ đã đưa binh lính trở lại biên giới Himalaya ở Ladakh, nơi xảy ra cuộc đụng độ tay đôi vào tháng 6 khiến 20 người bên phía Ấn Độ thiệt mạng và một số nạn nhân chưa xác định trong hàng ngũ Trung Quốc.

Các thủy thủ Ấn Độ đang bị mắc kẹt trong mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra, ông Serang cho biết.

"Các thuyền viên chỉ làm công việc của họ nhưng lại phải trả giá đắt cho những gì họ không làm", ông nói và kêu gọi IMO hành động nhanh chóng. "Nó giống như một người giao hàng bị đánh đập trong một cuộc chiến giữa những người hàng xóm".

Chủ sở hữu của Jag Anand, Công ty vận tải biển Great Eastern của Ấn Độ, cho biết họ đã không thành công khi đề nghị gửi tàu đến Nhật Bản bằng chi phí của mình. Một phát ngôn viên được nhật báo The Hindu trích lời cho biết: “Thật đáng tiếc, không có nỗ lực nào của chúng tôi mang lại kết quả cho đến nay”.

Hôm 12/11, khi trả lời câu hỏi của AFP về Jag Anand, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "Trung Quốc chưa bao giờ ngăn cản Jag Anand rời đi". Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "người thuê tàu không muốn điều chỉnh các thỏa thuận vận tải của tàu, viện dẫn các quyền và lợi ích thương mại. Đây là lý do thực sự của tình trạng này".

Gia đình của các thủy thủ Ấn Độ đang có nhiều thông điệp trên mạng xã hội đòi thả người thân họ trở về, vì các vấn đề sức khỏe và tinh thần của con em họ.

Trung Quốc kêu gọi phản đối sự can thiệp của Trung Quốc kêu gọi phản đối sự can thiệp của "các thế lực bên ngoài"
Ông Trump giáng đòn lên doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với quân độiÔng Trump giáng đòn lên doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với quân đội
Quy hoạch năng lượng quốc gia - cân đối, hài hòaQuy hoạch năng lượng quốc gia - cân đối, hài hòa

Nh.Thạch

AFP