10 chính khách nổi bật trên chính trường năm 2013

11:00 | 01/01/2014

1,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes (30/10), Tổng thống Nga Putin đã soán ngôi số 1 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới năm 2013.

Tổng thống Nga Vladimia Putin

Tổng thống Nga đã củng cố vững chắc sự kiểm soát của mình đối với đất nước, xử lý tốt vấn đề Syria, cũng như lôi kéo Ukraine đứng về Moskva đều là công của ông Putin. Tổng thống Barack Obama đã thất thế trước Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, sau khi nhiều quốc gia, trong đó có EU ủng hộ quan điểm của Moskva.

Quan hệ căng thẳng Moskva - Washington gia tăng sau khi Nga đồng ý cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden tạm thời tị nạn 1 năm (chiều 1/8). Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain không những yêu cầu Washington xem xét lại quan hệ với Moskva, mà còn đề xuất trừng phạt Nga sau khi Edward Snowden được tị nạn ở nước này.

Tổng thống Barack Obama từng điện đàm với Tổng thống Putin ngay sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden quyết định xin tị nạn tại Nga. Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga (4/3/2012) đến nay, ông Putin tiếp tục được đa số người dân nước này đánh giá cao.

Ngày 12/6, tại Moskva đã diễn ra đại hội thành lập đảng cầm quyền mới (Mặt trận nhân dân vì nước Nga) và ông Putin là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng này. Đã có nhiều người đề nghị tặng giải Nobel Hòa bình 2014 cho ông Putin bởi Tổng thống Nga đã tháo ngòi nổ cuộc chiến chống Syria và vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của nước này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Việc ông Obama tái đắc cử tuy khiến thế giới Arập thở phào nhẹ nhõm, nhưng Tổng thống Mỹ lại thất bại trong việc thuyết phục Israel ngừng xây dựng các khu định cư, khiến hòa đàm Trung Đông, xung đột Israel - Palestine rơi vào bế tắc và tăng mức trần nợ công.

Nước Mỹ còn chưa hết bàng hoàng sau những tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden lại tiếp tục choáng váng với thông tin của cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Russ Tice khi thông báo: Tổng thống Barack Obama từng bị theo dõi khi còn là Thượng nghị sĩ bang Illinois.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Kể từ khi nhậm chức Tổng bí thư, Chủ tịch nước đến nay, ông Tập Cận Bình đã đạt được một số thành công trong việc xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc, qua đó tạo hình ảnh thân thiện với người dân; đồng thời chuyển đi một thông điệp rõ ràng về đoàn kết nội bộ, cũng như khả năng lãnh đạo của “Thê đội 5”.

Có thể nói, việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” là nhiệm vụ quan trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, một trong những trọng tâm của ông Tập Cận Bình là chống tham nhũng vì đây là sự đe dọa đối với tương lai của đảng cầm quyền.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tuy chỉ xếp thứ 4 trong top 10 người quyền lực nhất thế giới năm 2013 theo đánh giá của Tạp chí Forbes, nhưng Thủ tướng Angela Merkel vẫn là người quyền lực nhất trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 3 năm liền. Hiện dư luận đang quan tâm tới việc chiếc điện thoại của bà Angela Merkel từng là mục tiêu do thám của ít nhất 5 quốc gia.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Vì từng đứng đầu phái đoàn thương thuyết về hạt nhân của Iran trong hơn 15 năm (1989-2005), lại nhận được sự ủng hộ của 2 cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Hashemi Rafsanjani, nên ông Hassan Rouhani, người đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 14/6 rất quan tâm tới vấn đề này.

Đây là nhân tố quan trọng tạo bước ngoặt trong cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1. Bởi chỉ sau 3 vòng đàm phán kể từ khi ông Hassan Rouhani trở thành Tổng thống Iran, chương trình hạt nhân của Tehran đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá giúp đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông. Nhưng Israel lại coi thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 tại Geneva là tồi tệ và Tehran đã đạt được điều họ muốn.

Tổng thống Ai Cập Mohamad Morsi

Mặc dù thay thế người tiền nhiệm Hosni Mubarak, trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên, nhưng ông Mohamad Morsi vẫn bị quân đội đảo chính (3/7). Ngay sau khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra, dư luận trong và ngoài Ai Cập đã bày tỏ những quan ngại khác nhau. Bởi chỉ trong vòng chưa tới 2,5 năm, Ai Cập đã xảy ra 2 cuộc đảo chính. Điều đáng nói là cuộc đảo chính quân sự diễn ra đúng một năm sau khi ông Mohamad Morsi lên nắm quyền.

Trước khi tiến hành đảo chính, sáng 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sissi đã họp với các nhân vật đối lập hàng đầu Ai Cập cũng như các lãnh tụ tôn giáo. Không phải bây giờ, mà từ lâu dư luận Ai Cập đã bàn tán về việc ông Abdel Fattah Al-Sisi sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra đầu năm 2014. Nhưng nhiều người đã bác bỏ việc đề cử Tướng Sisi bởi quân đội từng nắm quyền từ ngày 23/7/1952 và lãnh đạo Ai Cập trong 60 năm. Kể từ khi ông Mohamad Morsi bị lật đổ, chính trường Ai Cập liên tục bất ổn và hiện chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Với 297 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống, ngày 28/11, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan Yingluck Shinawatra đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau khi áp dụng Luật An ninh nội địa ở thủ đô và một số vùng lân cận nhằm kiểm soát tình hình an ninh (từ tối 25/11).

Nhưng ngày 2/12, bà Yingluck Shinawatra vẫn tuyên bố, sẵn sàng từ chức nếu điều này có thể mang lại hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, bà Yingluck Shinawatra cũng phản đối yêu cầu của thủ lĩnh phong trào chống chính phủ Suthep Thaugsuban ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng từ chức, đồng thời giải tán Hạ viện bởi không có cơ sở hiến pháp.

Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi

Mặc dù đảng Forza Italy mới được thành lập của ông Silvio Berlusconi chính thức rút khỏi liên minh cầm quyền (26/11), nhưng việc này cũng không giúp cựu Thủ tướng Italia tránh khỏi quyết định của Thượng viện - loại ra khỏi Quốc hội (27/11). Tuy nhiên, ông Silvio Berlusconi vẫn cam kết tham chính. Việc này diễn ra sau khi có tin nói rằng, ông Silvio Berlusconi đã bí mật kết hôn với cô Francesca Pascale (kém 49 tuổi) tại biệt thự sang trọng của cựu Thủ tướng gần thành phố Milan hồi trung tuần tháng 10.

Tờ Corriere della Sera trích lời cô Francesca Pascale cho biết: “Đang cầu xin Đức giáo hoàng Francis chấp nhận tôi và lắng nghe câu chuyện của Silvio Berlusconi”. Sau khi bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù vì tội trốn thuế (đầu tháng 8), ông Silvio Berlusconi tiếp tục vướng vào một cuộc điều tra vì bị cáo buộc chi 1,5 triệu euro để mua sự im lặng của người tình cũ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Kể từ khi trở lại nắm quyền, ông Shinzo Abe chỉ gửi đồ cúng tiến tới đền thờ Yasukuni (3 lần), nhưng quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn vẫn chưa được cải thiện. Tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang gia tăng sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng tìm giải pháp cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril/lãnh thổ phương Bắc sau khi có chuyến công du tới Nga (từ 28/4) bởi Tokyo không muốn cùng một lúc phải đối mặt với nhiều quốc gia vì tranh chấp biển đảo, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy sáng sủa.

Giới bình luận cho rằng, việc Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) do Mỹ chủ đạo nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Quyết định hủy tham dự cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ để bảo toàn tính mạng của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 25/9 khiến dư luận quan tâm. Bởi trước đó (19/9), Mỹ không cho phép máy bay chở ông Nicolas Maduro đi qua không phận khi tới Trung Quốc.

Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc Mỹ (8/9) âm mưu lật đổ chính quyền của ông bằng cách phá hoại các nguồn cung cấp lương thực, điện và nhiên liệu tại nước này. Bộ Nội vụ Venezuela bắt được 2 công dân Colombia bị tình nghi dính líu tới vụ ám sát ông Nicolas Maduro.

Nguy cơ đóng băng quan hệ Mỹ - Venezuela càng gia tăng sau khi Chính phủ Venezuela chỉ trích mạnh mẽ (4/11) chương trình do thám của Mỹ nhằm vào nước này. Nhưng quan hệ Nga - Venezuela lại đang được tăng cường trên mọi phương diện. Đây là tuyên bố tại Moskva hôm 2/7 của Tổng thống Nga Putin sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Nicolas Maduro chính thức trở thành người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 14/4. Sau khi trở thành chủ nhân Điện Miraflores, ông Nicolas Maduro và người bạn đời Cilia Flores mới chính thức làm giấy đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới theo nghi thức (16/7).

Đông Ngàn - Từ Sơn