Xin đừng đánh trống bỏ dùi!

07:05 | 11/03/2016

901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tháng 3 người tiêu dùng cả nước bỗng dưng có tâm trạng vừa hy vọng vừa hồ nghi, không biết những lời phát biểu rất hùng hồn của các vị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc “kiên quyết xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” được đưa ra và có thời hạn thực hiện hẳn hoi, liệu rằng sẽ được các cơ quan chức năng của ngành này chấp hành đến đâu?

Người tiêu dùng hy vọng, bởi đã lâu lắm rồi kể từ ngày ông Cao Đức Phát nhậm chức Bộ trưởng bộ này, không mấy khi họ được nghe ông và các vị lãnh đạo ngành ông quản lý, nói mạnh và với thái độ kiên quyết như thế. Không hy vọng làm sao được khi mà bữa ăn hằng ngày của họ luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi về đủ loại thực phẩm (trong đó không thể thiếu thịt gia súc, gia cầm, cùng các loại thủy hải sản) mà hầu như thứ nào cũng dùng chất kích thích; thậm chí là những chất mà nói theo ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội TP Hải phòng thì những thứ ấy khiến cho “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”.

xin dung danh trong bo dui

Nhưng (đúng là phải nói nhưng thật), bởi cũng đã nhiều năm nay rồi, người tiêu dùng cũng đành phó mặc cho số phận khi thật sự họ không còn biết tin vào cơ sở sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nào được coi là đảm bảo an toàn cho bữa ăn của họ.

Hãy điểm xem có bao nhiêu hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi, hãng sản xuất phân bón; và, trong số ấy có bao nhiêu hãng do người Việt quản lý. Ai đã “thông minh” đến mức bán gần như sạch sẽ cái “đầu vào” cực kỳ hệ trọng ấy cho các chủ nước ngoài, để người chăn nuôi, người trồng trọt chỉ biết khóc ròng khi các loại “cám” và “phân” kia đã chiếm gần hết cả giá thành chăn nuôi, trồng trọt rồi. Không để mất trắng, người chăn nuôi, người trồng trọt tính đường “gỡ”. Sẽ lại có những ông chủ khác sẵn sàng giúp họ thoát lỗ một cách ngoạn mục. Các chất kích thích tăng trưởng được xếp vào diện cấm, kể cả loại đặc biệt nguy hiểm, cứ theo các con đường rừng, đường biển lặng lẽ luồn đến mọi ngõ ngách, chui vào từng ruộng rau, chuồng gà, trại lợn, ao cá...; để rồi, không biết từ lúc nào nó trở thành suy nghĩ bình thường của người chăn nuôi, người trồng trọt.

Các ngành chức năng ở nước ta cũng nhiều lần “ra quân” lắm rồi. Nhưng, hình như cứ sau mỗi lần ra quân ấy, con số các cá nhân, cơ sở vi phạm không mấy giảm đi, mà xem ra nó lại có phần bùng phát mạnh hơn. Đáng buồn hơn, chưa bao giờ người Việt lại chọn cách xử sự với nhau như thế, khi trong chuồng, trong vườn của họ lại có những con gia súc được nuôi, luống rau chỉ dành riêng cho gia đình và người thân của họ.

Buồn về người lao động một phần, nhưng buồn hơn chính là sự tắc trách của ngành chức năng khi mà quyền hạn với họ là không thiếu. Luật, nghị dịnh, thông tư... đều có cả; thậm chí điều nào, điểm nào chưa phù hợp đều được các cơ quan chức năng bàn thảo mà tháo gỡ. Vậy mà, xem ra các bác được vinh dự  thi hành công vụ này lại không mấy ai mạnh tay xử lý triệt để các vi phạm ấy. Các bác ấy cũng có lý do của họ khi nói rằng: Phương tiện phục vụ công tác còn thiếu, lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng... nên không bao quát và xử lý triệt để các vi phạm, âu cũng là chuyện xin rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục dần dần. Chỉ có điều, sự lừng chừng của các bác này đang góp phần không nhỏ tạo nên một tâm lý bất an cho đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ.Và không biết, các bác được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng này có khi nào tự đặt cho mình câu hỏi, rồi cũng tự trả lời rằng: Chúng ta không thể vô cảm được.

Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi sẽ dẫn đến sự an nguy trong việc sử dụng các  thực phẩm từ sản phẩm chăn nuôi ấy. Bởi mang bệnh là chắc, nhưng không ít người tiêu dùng còn “lãnh đủ” khi sử dụng phải sản phẩm có liều lượng bất thường. Những chuyện đau lòng ấy, các bác được giao nhiệm vụ xử lý các vi phạm này, liệu từng nghe thấy?

Dẫu sao, người tiêu dùng cả nước vẫn tin thông điệp mà vị lãnh đạo cao nhất ngành NN&PTNT vừa đưa ra sẽ được thực thi nghiêm túc. Xin các bác đừng “đánh trống bỏ dùi”!

Nguyễn Hòa Bình

Năng lượng Mới số 503