Mua bán qua mạng: Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế

17:15 | 13/12/2022

73 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cam kết chống hàng giả, cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên thanh kiểm tra từ phản hồi của người tiêu dùng... là những điều đang được triển khai để bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Ấy vậy nhưng thực tế còn rất nhiều chiêu trò, kẽ hở khiến người mua hàng ấm ức, dở khóc dở cười.

Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Trong đó nêu bật một số nội dung có tính bắt buộc như công khai thông tin về hàng giả qua thương mại điện tử (chung tay cập nhật thông tin thị trường từ phía doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước); 100% các cơ sở kinh doanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử… phải ký cam kết chống hàng giả...

Mua bán qua mạng: Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế

Cần liên tục hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng mua bán qua mạng.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, một trong những nội dung quan trọng của Đề án này là xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ngành. Để thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, các bộ, ngành đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp cơ quan quản lý nắm được đối tượng kinh doanh là ai, ở đâu, khi nào?

Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở kinh doanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử… phải ký cam kết chống hàng giả và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục về chống hàng giả… Các sàn giao dịch điện tử phải ràng buộc trách nhiệm, như ký cam kết với người bán hàng, cũng như sử dụng công nghệ vào công tác quản lý. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho người tiêu dùng không sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

Trước đây, hàng giả, hàng nhái thẩm lậu từ nước ngoài vào, tập kết ở các kho trong khu vực đông dân cư, đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được bày bán qua các kênh truyền thống. Hiện nay thì bất kể ai, ở bất cứ đâu cũng có thể kinh doanh qua mạng, với quy mô lớn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.

“Để xảy ra thực trạng trên có nguyên nhân do các sàn giao dịch điện tử không có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, khác với kinh doanh truyền thống, kinh doanh qua thương mại điện tử có sự tham gia của “bên thứ ba” là đơn vị vận chuyển, ngân hàng…

Trong đó, đơn vị vận chuyển mặc dù đóng vai trò quan trọng vào quá trình, nhưng hầu như không quan tâm đến hàng hóa và vô hình trung tiếp tay, vận chuyển trái phép hàng giả, thậm chí hàng cấm”, ông Trần Hữu Linh lý giải.

Trong thực tế, có rất nhiều giao dịch trên sàn thương mại điện tử kể cả các giao dịch trong khu vực được các sàn quy hoạch về cả "uy tín" và "chống hàng giả" vẫn xảy ra các trường hợp khách hàng phát hiện ra hàng nhái, hủy giao dịch nhưng sau đó lại nhận được cái kết "đắng".

Trong đợt khuyến mãi tập trung vừa qua, anh B.T.C. (quận Tây Hồ, Hà Nội) có đặt mua một đôi giày thể thao trên sàn Lazada trong khu vực LazMall do bạn bè giới thiệu các cửa hàng khu vực này rất an toàn, bán hàng đúng hãng và có giá tốt. Ấy vậy khi đặt hàng xong, được chủ cửa hàng gọi điện chốt đơn thì anh C. được biết hàng bán không phải là hàng chính hãng.

Anh C. kiên quyết không mua hàng "fake" nên chủ cửa hàng yêu cầu anh C. hủy đơn để không mất tiền vận chuyển. Tin lời chủ cửa hàng nên anh C. quyết định hủy đơn đồng thời cũng báo lại với sàn giao dịch lý do hủy đơn là do phát hiện hàng nhái, hàng giả. Nhưng ngay ngày hôm sau, thay vì xử lý cửa hàng bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, thì sàn giao dịch lại tiến hành các biện pháp hạn chế tài khoản mua hàng của anh C., không cho thanh toán sau mà bắt buộc thanh toán trước, dọa khóa tài khoản mua bán của anh C. nếu còn... tiếp tục hủy đơn hàng.

Được biết, hiện nay các sàn giao dịch điện tử đang thực hiện các chế độ tự động đánh giá doanh nghiệp, người mua hàng căn cứ trên lượng đơn hàng thành công. Bởi vậy, bất cứ động tác hủy đơn nào thì hệ thống cũng mặc định cho rằng khách hàng "có vấn đề".

Có thể thấy rằng, bên cạnh các giải pháp trên "lý thuyết", những kiểu cam kết có tính "thủ tục" thì Bộ Công Thương - Tổng cục Quản lý Thị trường cần sát sao hơn nữa đối với việc thanh tra, kiểm soát thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch. Bởi mỗi giây có hàng ngàn cuộc mua bán thì hệ thống kiểm soát dữ liệu phải thật tốt, cần phải bảo vệ người tiêu dùng trên từng "thuật toán" của mạng giao dịch điện tử.

Thành Công

Nhìn lại chặng đường 8 năm của Online Friday Nhìn lại chặng đường 8 năm của Online Friday
Khởi động Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022 Khởi động Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022
Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam