Vẫn đi lễ chùa giờ hành chính

09:51 | 06/03/2018

2,300 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm Mậu Tuất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21-2-2018 về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính.

Đồng thời, không sử dụng xe công đi lễ hội (trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ), không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo nghiêm cấm công chức không đi lễ trong thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng.

Đã có chỉ thị cụ thể như vậy nhưng nhiều cán bộ, công chức vẫn vi phạm. Họ vẫn đi lễ hội vào giờ hành chính, thậm chí còn sử dụng xe công và đi tập thể. Đó là hành vi coi thường kỷ cương, phép nước.

van di le chua gio hanh chinh
Xe công đi lễ chùa

Ngày 26-2, vào khoảng 10 giờ có 7 người là lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định đi lễ tại đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Thời điểm này, chỉ thị của Thủ tướng đã có hiệu lực 4 ngày. Vì vậy, ngày 28-2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định đi lễ chùa trong giờ hành chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc công chức đi lễ trong giờ hành chính là vi phạm nghiêm trọng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân đã có vi phạm nêu trên theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đồng thời phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh để xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm. Yêu cầu báo cáo về Kho bạc Nhà nước kết quả thực hiện việc đình chỉ công chức, bố trí sắp xếp nhân sự thay thế chậm nhất trong ngày 2-3-2018.

Việc vào cuộc xử lý vi phạm một cách khẩn trương, nghiêm khắc của Bộ Tài chính được dư luận hoan nghênh. Đây cũng là bài học đối với tất cả những cán bộ, công chức có ý định sử dụng giờ hành chính để tổ chức du xuân, cầu tài, cầu lộc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức vì dân mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực gây dựng. Và với các trường hợp vi phạm, dư luận cũng chờ đợi việc xử lý bằng những hình thức kỷ luật thích đáng, trong đó có trách nhiệm của đơn vị quản lý, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Như vậy kỷ cương mới được gìn giữ, thực hiện nghiêm minh.

Ở tỉnh Hà Nam cũng xảy ra vụ việc tương tự. Công ty Điện lực Hà Nam có văn bản báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và khẳng định: có việc một số cán bộ, công nhân viên Điện lực Bình Lục (đóng tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đi lễ đền Trần trong giờ hành chính, trong đó có ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực Bình Lục.

Ngày 28-2, ông Trần Minh Dũng, Giám đốc Điện lực Hà Nam đã ban hành Quyết định số 312/QĐ-PCHN về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực Bình Lục, kể từ ngày 1-3 đến khi có quyết định của Hội đồng kỷ luật Công ty Điện lực Hà Nam.

Từ những năm trước, chuyện cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội vào giờ hành chính đã bị báo chí phanh phui và dư luận lên án. Mới đầu năm 2017, ông Lê Công Thành, Trưởng phòng Tài chính huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã dùng xe công chở 6 nhân viên đi lễ đền Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Lãnh đạo huyện đã kỷ luật cảnh cáo ông Thành do sử dụng xe công biển xanh (BKS 36B-1166) sai mục đích.

Theo phản ánh của người dân ở các địa phương, những ngày qua, nhiều xe biển xanh vẫn du xuân trên đường phố. Thậm chí, lại có cả xe cấp cứu mang theo những lễ vật đi vào bên trong để hành lễ. Xe công đi lễ hiện nay vừa công khai tại các điểm trông giữ xe, lại vừa cẩn thận nấp sâu trong các ngõ ngách.

Điều đáng nói, tình trạng xe công chở lãnh đạo “dạo phố” hay đi lễ hội trong giờ hành chính không phải mới chỉ diễn ra năm nay mà đã tái diễn trong nhiều năm. Điều này cho thấy, một bộ phận công chức, cán bộ vẫn thiếu ý thức trong sử dụng tài sản công, vẫn có tư tưởng “xài của chùa” vào mục đích cá nhân, gây lãng phí tài sản công. Họ bớt xén thời gian làm việc, phục vụ nhân dân - những người đã đóng góp các loại tiền thuế để trả lương cho họ.

Vì thế, bên cạnh nhắc nhở, kiểm điểm, cơ quan quản lý cần phải có giải pháp nghiêm khắc hơn, mạnh tay hơn. Đó là kỷ luật, hạ thi đua, thậm chí cách chức những người vi phạm để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Khi tuyên truyền, phê bình chưa đạt hiệu quả như mong muốn thì việc có các chế tài mạnh hơn để xử lý là cần thiết để đảm bảo không lãng phí tài sản công và buộc cán bộ, công chức có ý thức hơn trong công việc.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc